Trong những ngày xôn xao nhập - tách, tôi tạm ngắt kết nối với những phân tích, nỗi niềm thời cuộc, để tâm trí mình tĩnh lặng, thả trôi về ký ức của hơn 15 năm trước, ngày rời Quảng vào Nam.
Lắng lòng nhìn lại chặng đường đã qua, tôi vẫn thấy mình là một người khách trọ ở TP. Hồ Chí Minh. Dù có thật lòng yêu thương thành phố phương Nam này - nơi tôi hay gọi là quê hương thứ 2, dù trên giấy tờ, căn cước có ghi nhận những đổi thay, thì khi ai đó hỏi: “Mi người mô đó?”, tôi vẫn tự hào: “Dạ, tui người Quảng Nam, Tam Kỳ chính gốc nề”.
Nỗi nhớ trong nỗi nhớ
Trong những đêm khuya, khi Sài Gòn bớt ồn ã, tôi lặng lẽ ngồi bên cửa sổ căn trọ, nhớ con đường đi học cấp 2, nhớ một góc sân quen, hay tiếng bước chân của cô bán bánh ú vừa đi ngang cửa…
Tôi cũng nhớ những trưa nắng, mỗi lần đạp xe ngang quảng trường 24/3 đều cố tình đạp chậm lại, nhìn sang bên phải, ngắm nhìn những tòa nhà uy nghi của khối cơ quan Đảng ủy, hành chính tỉnh.
Phóng tầm mắt ra xa hơn, nhìn những công trình đang xây lên, tôi thường tự tấm tắc: “quê mình bữa ni đẹp dữ bây…” rồi cho mình vài phút thẩn thơ, kỳ vọng những thay đổi sẽ sớm thành hình trên quê hương. Có khi, mải ngắm quê mình mà trễ giờ vào lớp…
Có khi, nằm giữa thành phố lớn nhất nước mà tâm trí chỉ gọi tiếng Quảng Nam, cảnh xưa ùa về như dòng thác rơi xuống, không cách nào chối từ.
Sài Gòn hiểu điều đó. Thành phố này chẳng bao giờ đòi hỏi gì mà luôn dang tay đón tôi vào lòng, cho tôi những bữa cơm tấm bao no, những quán cóc vỉa hè luôn “miễn phí tẩy”.
Sài Gòn cho tôi cảm giác là một phần của nhịp sống không bao giờ dừng lại. Sài Gòn cho tôi sân chơi, cho tôi nhiều ánh đèn, cho tôi những giây phút chinh phục, cho tôi nếm thử vị của những chiến thắng đầu tiên.
Dù đôi khi, Sài Gòn cũng chen chúc kẹt xe, cũng ngột ngạt khói bụi, là những đua chen không hồi kết, là những lần quay lưng và những lần lạc mất. Nhưng lạ kỳ thay, ngay cả những điều bất tiện ấy, khi sống đủ lâu, tôi cũng thấy quen rồi. Có người từng nói rằng, yêu một thành phố không phải vì nó hoàn hảo, mà vì tôi đã sống trong nó đủ lâu để mọi ngóc ngách đều mang ý nghĩa.
Và thật kỳ lạ, mỗi lần phải rời xa, chính Sài Gòn lại trở thành nỗi nhớ. Đó có thể là ánh đèn vàng hắt xuống kênh Nhiêu Lộc, một đêm bập bùng uống cạn bên bạn bè, hay tiếng rao đêm trong con hẻm sau mưa…
Tôi nhớ cả những người lạ mặt có hành tung bí ẩn trên đường. Đêm tối, đường vắng, tôi cảm giác như có ai đó cố tình bám sát đuôi xe mình. Tôi hồi hộp, linh tính chuyện chẳng lành, vặn ga mạnh hơn. Hẳn đó là lần hiếm hoi tôi cầu mong có công an giao thông đứng chốt phía trước. Rồi đến một khoảng cách vừa đủ gần, hắn ta hô to làm tôi giật mình: “Xin chồ 92, đồng hương, đồng hương. Gạt chân chống lên kìa ông. Ai làm chi mà nãy chừ chạy nhanh rứa hè?”...
Một mảnh quê tình cờ
Những điều bình dị ấy, sẽ càng trở nên quý giá hơn một khi mình rời đi. Sài Gòn không giữ ai, nhưng Sài Gòn nhắc nhớ. Tình yêu Sài Gòn và nỗi nhớ quê nhà hòa vào nhau. Có lẽ, nỗi nhớ dạy trái tim ta biết yêu thêm mà chẳng cần phải lựa chọn: vừa yêu Sài Gòn, vừa nhớ quê nhà, vừa mơ về những miền đất chưa tới.
Những ngày này, người ta xôn xao chuyện tên nào được giữ, tên nào xóa đi. Nhưng nhìn sâu hơn, nỗi nhớ quê hương không chỉ nằm ở cái tên, nó đã chảy trong máu thịt, trong lớp lớp ký ức của bao nhiêu thế hệ, chẳng thể nào phai nhòa. Và ngày qua ngày, những nỗi nhớ hòa vào nhau ấy sẽ càng bùng lên mạnh mẽ trước khoảnh khắc bịn rịn, chia tay một tên gọi thân thương…
Để đến cuối ngày, đi qua những xôn xao, ưu tư, người ta chỉ thấy biết ơn những điều đã qua và thực tâm nói câu: “Cảm ơn, cảm ơn nhiều nghe!”