Chuyện tôi đang kể đây có lẽ là chương thứ nhất của một chuyện tình và nó bắt đầu từ hôm vũ trụ này có thêm một kẻ thất nghiệp.
Thiệt tình, vũ trụ mênh mông thế, thêm một kẻ thất nghiệp thì có gì đáng để quan tâm và ai mà thèm quan tâm chứ, ngoài tôi. Và lý do tôi quan tâm mới thật mắc cười nè, ôi cái thằng thất nghiệp đang làm chúa tể thời gian, ông hoàng rảnh rỗi và là nhà buôn chuyện vĩ đại trên toàn cõi giang hồ mạng chính là tôi đây. Và bây giờ tôi buôn nốt luôn câu chuyện của chính mình.
Vốn tôi có một công việc văn phòng, không phải bận rộn nhưng cũng không thấy mình dư dả thời gian. Tôi sống một mình, sáng đi tối về, còn lại bao nhiêu thì giờ thì dành cho vài thói quen lặt vặt mà chủ yếu là lướt mạng chơi như hết thảy cư dân trong thành phố ở cái thế kỷ hai mươi mốt này.
Họ gọi thời đại này là thời đại của những bất an và tôi hoàn toàn đồng ý. Tôi dường như đã cài đặt sẵn cho mình tâm thế để đón nhận những điều ngoài ý muốn nên ngày bị sa thải tôi chỉ cười khẩy một cái nhẹ tênh, có gì đâu, hôm nay thua đời tỷ số một - không, nhưng mai mốt sẽ lấy lại, ai biết được.
Tôi chẳng thấy buồn chút nào khi những ngày sau đó có thời gian theo dõi tất tần tật mọi biến động giật gân trên cõi mạng. Chuyện chính trị, tôn giáo, chuyện showbiz hay thị trường tiền ảo… Mỗi ngày với tôi đều ngồn ngộn thông tin, tôi xử lý chúng như bản thân đang đứng trên đỉnh cao nào đó của thế giới mà nhìn xuống chúng sinh.
Điều đáng nói là tôi cảm thấy mình dường như được sống bằng tất cả những ngày trước đây cộng lại, cho đến một hôm…
*
* *
Khi ấy đã gần hai giờ sáng, sau một ngày cật lực làm chiến thần bình luận, tôi dường như đã kiệt sức. Những cuộc tranh cãi nảy lửa không hồi kết trên thế giới mạng ngó đơn sơ không vũ khí gậy gộc súng ống vậy mà vắt cạn hơi sức, tàn phá con người ta ghê gớm dù chỉ diễn ra trên màn hình cảm ứng.
Tôi không ngủ được. Mệt đến mấy cũng không ngủ được, chẳng biết có phải là vì đã lỡ nốc một cốc cà phê hay không nữa. Giờ này vẫn còn nhiều người thức nhưng nhịp hoạt động đã chậm lại, mấy tài khoản đang tranh luận trối chết với tôi cũng chỉ vào ra thưa thớt.
Những lúc không ngủ được thế này tôi hay xem vẩn vơ bất cứ thứ gì trượt qua trước mặt. Và đúng lúc ấy có một cái video đập thẳng vào mặt tôi, cái video chỉ có mấy dòng chữ hiện ra dài chưa tới một phút mà từng câu từng chữ chĩa thẳng vào tôi và bắn không trượt phát nào. Ôi chao, thằng nào đã làm ra và lan truyền con vi rút buồn bã này thật xứng đáng bị ăn đấm.
Cái video, ôi, nó nói về một thế hệ ưa cợt nhả, kiểu như tôi. Thất nghiệp. Trầm cảm. Cô đơn. Ái kỷ. Hội tụ đủ “combo” này thì ra cái thái độ cợt nhả cuộc đời. Cợt nhả để sống sót. Cợt nhả để trốn tránh. Cợt nhả như một cơ chế sinh tồn và nó đang tràn lan khắp cõi mạng như nạn dịch.
Đừng trách họ, họ chỉ là những kẻ thất bại và bất hạnh phải làm những gì mình có thể để sống sót trong nỗi cô đơn mà thời đại dành cho họ… Video kết thúc bằng câu này và tôi thấy cuộc đời vừa đấm vào mặt tôi, bầm dập. Thất nghiệp, trầm cảm, cô đơn gì gì đó… dường như tôi có đủ.
Có thứ gì đó vừa cay vừa xót trào lên trong tôi. Cái màn hình cảm ứng, nó làm tôi khó chịu và tôi nhìn nó như kẻ tội đồ. Những thứ đang chạy qua trở nên méo mó lồi lõm khó coi. Tôi thả điện thoại xuống.
Khi ấy chẳng hiểu nghĩ thế nào mà tôi mở cửa ra ban công. Từ hôm tôi thuê phòng này tôi chỉ mới mở nó có mấy lần thôi vì nó rất bé. Cái video chết tiệt, nó đến đúng vào ngày tôi thấy chênh vênh nhất. Ngày sinh của tôi. Ai thèm quan tâm chứ!
Thực ra tôi biết sinh nhật là cái gì đó rất riêng tư và người ta không cần phải có danh mới được nhớ đến, người ta chỉ cần có ai đó đủ quan tâm đến mình.
Tôi ngồi bệt xuống ngay bậc cửa, giữa bóng tối nhờ nhờ. Thời gian này người tôi bắt đầu phì nhiêu núng nính, may mắn vẫn lọt vừa giữa khe cửa hẹp. Đêm mới thật buồn. Và sâu như nghĩa địa.
Mấy thứ trên màn hình cảm ứng vẫn lởn vởn trong đầu tôi. Ôi, những hình đại diện, những tài khoản… có cái gì mới thực sự đang sống không? Ngay cả những tài khoản mà tôi đang theo dõi, những chuyện giật gân ấy và mấy tài khoản đang cố sống cố chết tranh cãi với tôi ấy, tất cả liệu có nghĩa gì không?
Có lẽ tôi sẽ ngồi vậy mà tan hẳn vào đêm, thứ bóng đêm vĩnh cửu, nếu không có ánh sáng từ căn phòng đối diện ở bên kia hẻm. Con hẻm bé xíu bình thường hai xe máy vào ra tránh nhau còn khó nên khoảng cách từ chỗ tôi tới căn phòng ấy chỉ vài mét. Lâu lắm rồi tôi chẳng để ý xem ai đang ở trọ đối diện mình.
Thậm chí ngay cả những phòng cùng dãy, sát vách, tôi cũng không màng nhìn đến, tôi thường lướt qua với cảm giác khó chịu khi gặp phải mấy người cũng đang chui rúc tạm bợ như tôi. Họ làm sao hiểu được ở một thế giới khác tôi là một cái gì đó không phải tầm thường.
Nhưng đó đã là chuyện của mấy phút trước, còn lúc này sao tôi thấy mọi thứ xa lạ quá, cái màn hình cảm ứng có lẽ đã hóa thạch chẳng còn tiếp thu hay phản ứng được với cảm xúc của tôi nữa rồi. May mà còn chút ánh sáng bên kia níu lại.
Tôi nhìn sang và biết bên kia là một người khác phái. Cửa sổ không khép nhưng người đó hẳn không biết là có tôi nhìn. Đã hai giờ sáng mà tôi thì có khi nào mở cửa ban công đâu. Thế là tôi nhìn trộm thôi.
Nhưng không phải như một kẻ biến thái thích nhìn trộm đàn bà con gái mà tôi nhìn cái con người ấy vì tôi đang cần thứ gì đó để lấp khoảng trống trước mặt. Và cả trong đầu tôi nữa.
Tôi nhìn mà chẳng buồn quan tâm người ta đẹp xấu già trẻ thế nào. Ban đầu là thế, tôi chỉ nhìn để lấp khoảng trống. Rồi thì tôi thấy có thứ mà tôi quan tâm. Đó là bó hoa sáp to, chiếc bánh kem và cái hộp quà rất chi là sang xịn mịn trên bàn.
Sao sự trùng hợp khủng khiếp thế này lại có thể xảy ra được chứ? Thế lực nào đó của vũ trụ đang thao túng chăng? Bằng cách nào hôm nay cũng là sinh nhật của cô ta? Và cô ta đang biểu diễn điều ấy để nhắc nhớ hay cứa vào lòng tôi thêm một nhát?
Vì sự trùng hợp chết tiệt này mà tôi không thể rời mắt khỏi căn phòng ấy, dù có muốn. Tôi phải nhìn để xem xem cuộc đời còn làm những gì để cợt nhả tôi. Tôi vừa đoán vừa hình dung mọi tình huống có thể xảy ra vào sinh nhật, những thứ mà người ta vẫn làm và những biểu cảm người ta thể hiện…
Mặc cảm tự ti, đầu tôi “nhảy số” và thực hiện một cú “quay xe” ngoạn mục. Ra là thế, lui tới chỉ bấy nhiêu, như một nghi thức. Tôi bắt đầu cười cợt. Chiếc bàn được gắn hệ thống đèn ảo diệu phục vụ nhu cầu “selfie” hoặc “livestream” cho các cư dân mạng chuyên nghiệp. Mọi góc đẹp được nghiên cứu và ghi lại tỉ mẩn. Tỉ mẩn như một nghệ nhân bên tác phẩm ưng ý của mình.
Tất nhiên người nghệ nhân ấy cũng xuất hiện trong vài khung hình nhưng điều này thì bình thường thôi, đáng chú ý hơn là việc có con mèo đội chiếc mũ xinh xắn vừa được lôi vào đó. Ôi chao, một con mèo lông trắng quý tộc đúng chuẩn thú cưng của các cô nàng quý phái.
Tôi hình dung ra kha khá kịch bản và kịch bản nào cũng có thể khiến tôi cười được. Hai giờ sáng, động cơ nào khiến người ta không ngủ mà ngồi chụp ảnh với một con mèo? Vì vui? Vì rảnh rỗi? Hay vì nỗi cô đơn?
Những hoa những quà những bánh kia, ai là người gửi chúng? Vấn đề ai là người đã trả tiền cho chúng? Biết đâu, biết đâu người nhận cũng là người mua? Ở cái thời đại này chuyện gì cũng có thể xảy ra, và tình huống tôi vừa nghĩ ra không phải là một pha cợt nhả vô căn cứ.
Bạn cứ sống đi, sống vào giữa tâm bão của thời đại sống ảo thì biết cả thôi. Tôi thậm chí còn hình dung người phụ nữ sẽ thức suốt đêm để “cà app” chỉnh ảnh và nghĩ nội dung để tung lên mạng. Phải là một câu gì đó thật ngắn gọn mà giật gân, thời thượng. Sang chảnh. Lãng mạn. Hài hước. Hoặc là sướt mướt như một bài thơ…
Tôi phát hiện ra khi tập trung vào một việc hay một người nào đó khác ngoài bản thân thì mọi nỗi buồn trong tôi biến mất. Tôi đã thấy tồi tệ biết bao nhưng giờ đây dường như tất cả bất hạnh đều đã đổ vào căn phòng đối diện. Không so sánh thì chẳng có đau thương, cư dân mạng thường kháo nhau thế nhưng trong trường hợp của tôi càng so sánh càng làm tôi dễ chịu khi thấy mồn một trước mắt có kẻ còn bất hạnh hơn mình. Bất hạnh hơn nhiều đó chứ, vì ít ra tôi còn sáng suốt khi biết những gì mình đang trải qua.
Cái video chết tiệt ấy nó làm tôi thông não ra phần nào và tôi đang bày tỏ sự cảm thông của mình với đồng loại mà cụ thể là cô nàng trong căn phòng đối diện. Nhưng làm sao cho người ta biết là có tôi đồng cảm?
Bất chợt, tôi thấy sợ nếu căn phòng đối diện kia tắt điện. Bất chợt, tôi muốn làm một cái gì đó. Có lẽ tôi cần ai đó biết rằng tôi tồn tại, đây, là tôi, một thực thể sống, một thằng đàn ông bằng xương bằng thịt.
Không còn nhiều thời gian cho tôi nữa khi phía bên kia, hệ thống đèn nơi bàn trang điểm đã tắt. Cuống quýt, tôi đứng dậy tìm công tắc điện. Bao lâu rồi, tôi đã quên cách bật cho mình một bóng đèn và quên vị trí cái công tắc. Hay là nó chưa từng tồn tại.
Nhưng không sao, tôi cầm điện thoại lên trượt qua màn hình cảm ứng và chạm vào “đèn flash”. Ánh sáng bùng lên giữa ban công. Từ phía đối diện, có người nhìn ra…