Y tế

Cảnh báo gia tăng đột quỵ ở người trẻ

THÙY AN 17/10/2024 09:30

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật, xếp hàng thứ 3 về bệnh tật gây tử vong sau ung thư và tim mạch.

bac sy CKII Nguyen Luong Quang kham cho benh nhan ti mach
Bác sĩ Nguyễn Lương Quang khám cho bệnh nhân tim mạch.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có 15 triệu người bị đột quỵ trên toàn thế giới, trong đó 5 triệu người chết và 5 triệu người bị tàn tật vĩnh viễn.

Tại Việt Nam, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi cũng đang tăng ở mức 2% mỗi năm, với số người bệnh là nam giới cao gấp 4 lần nữ giới. Ngày 29/10 hàng năm được chọn là ngày Đột quỵ Thế giới nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về bệnh này.

Trước đây, khi nói về đột quỵ chúng ta thường nghĩ ngay đến “bệnh” của người trung niên hay cao tuổi… Tuy nhiên, kết quả ghi nhận những năm gần đây, đột quỵ đã “tấn công” mạnh vào nhóm người trẻ tuổi, thậm chí ở tuổi đôi mươi. Điều đáng tiếc những trường hợp đột quỵ ở người trẻ là đến viện muộn. Kết quả là họ mất đi cơ hội vàng phục hồi và để lại những hệ lụy đáng tiếc.

Tại khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam) từ đầu năm đến nay tiếp nhận khoảng 5.000 bệnh nhân. Chủ yếu là các bệnh tim mạch liên quan đến đột quỵ, tai biến, nhồi máu cơ tim… Trong đó tỷ lệ người trẻ nhập viện bị đột quỵ có xu hướng tăng so với những năm trước đây.

Anh Nguyễn Văn Toại (37 tuổi, xã Tam Tiến, huyện Núi Thành) chia sẻ, trong lúc đang làm việc anh có biểu hiện mệt, khó thở, đứng không vững, đồng nghiệp chở đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và qua cơn nguy kịch. Bác sĩ chẩn đoán anh bị đột quỵ, đến nay sức khỏe ổn định.

Anh Toại nói: “Rất may nhờ đồng nghiệp phát hiện sớm đưa đến viện nhanh chóng và các bác sĩ cấp cứu kịp thời, nếu chậm trễ tôi nghĩ mình đã không qua khỏi”.

Bác sĩ CKII Nguyễn Lương Quang - Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam cho biết, thời gian gần đây, đột quỵ thường rơi vào độ tuổi trung bình thấp ngày càng gia tăng. Trước đây, đột quỵ rơi vào độ tuổi 50-60, nhưng mười năm trở lại đây có dấu hiệu trẻ hóa, giảm xuống ở độ tuổi 40-50.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam đã từng tiếp nhận bệnh nhân đột quỵ 20 tuổi và đã điều trị khỏi. Một nguyên nhân dẫn đến đột quỵ trẻ hóa liên quan đến lối sống, cách sinh hoạt như hút thuốc, uống rượu, ăn quá nhiều chất béo, đồ ăn nhanh, thức khuya, lười vận động...

Chúng ta có thể nhận biết một người bị đột quỵ qua 3 dấu hiệu điển hình như: méo miệng, nói, cười, nhe răng bị méo qua một bên, yếu một bên tay hoặc chân; biểu hiện rõ khi bệnh nhân đi lại và bước khó khăn, cầm đồ rơi, biểu hiện yếu liệt một bên tay, chân; bệnh nhân nói khó, nói ngọng, giọng nói thay đổi, không nói được, nuốt khó.

Chúng ta có 3-6 giờ đầu từ khi khởi phát cơn đột quỵ được coi là “thời gian vàng” để cứu người bệnh bị đột quỵ. Sau 6 giờ vàng đó, bệnh nhân không được tái thông các mạch lớn bị tắc trong não sẽ có nguy cơ tử vong cao hoặc bị tàn phế nặng nề.

Bác sĩ Nguyễn Lương Quang khuyến cáo, người dân cần chú ý khi có những dấu hiệu cơn đột quỵ thì hãy đến cơ sở y tế để điều trị sớm nhất. Để phòng đột quỵ chúng ta cần kiểm soát tốt huyết áp, hạn chế các yếu tố nguy cơ tim mạch, không ăn quá mặn, quá ngọt; không ăn thức ăn làm tăng lipit máu như: mỡ, da, nội tạng động vật, lòng đào trứng quá nhiều. Đồng thời giảm căng thẳng, stress; chế độ tập luyện thể dục hợp lý; nên tầm soát tất cả yếu tố nguy cơ tim mạch, dị dạng mạch máu não để dự phòng...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cảnh báo gia tăng đột quỵ ở người trẻ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO