Tính đến ngày 15/11, tại Điện Bàn xảy ra 18 vụ vi phạm pháp luật, trong đó có 58 người vi phạm là trẻ vị thành niên. Đây là những con số cảnh báo về xu hướng trẻ hóa tội phạm rất đáng lo ngại.
Ngày 7/9/2023, Tòa án nhân dân Điện Bàn mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nhóm thanh niên sử dụng hung khí gây rối trật tự công cộng tại tuyến ĐT603A đoạn qua khối phố Hà Quảng Bắc, phường Điện Dương.
Theo cáo trạng, ngày 20/10/2022, Đ.N.H. (trú khối phố Hà Dừa, Điện Ngọc) đi chơi tại phường Điện Nam Đông thì xe máy hết xăng. Khi đi đổ xăng H. có xảy ra mâu thuẫn, xô xát với một số thanh niên tại đây, sau đó H. nhắn tin thách thức và hẹn ngày 23/10/2022 sẽ gặp nhau tại Điện Ngọc để giải quyết.
Ngày 23/10/2022, H. điện thoại rủ 7 người khác sử dụng xe máy mang theo bao hung khí gồm 13 cây dao tự chế và 5 chai bom xăng đến điểm hẹn. Trong thời gian phục chờ, nhóm H. tổ chức ăn nhậu.
Đến khoảng 23 giờ cùng ngày, phát hiện một nhóm thanh niên đi trên nhiều xe máy, hướng từ Hội An ra Đà Nẵng, cho rằng kẻ thách đố đã tới nên cả nhóm hô hào xông ra dùng vỏ chai thủy tinh, bom xăng ném, nhóm thanh niên tăng ga bỏ chạy...
Hội đồng xét xử đã tuyên phạt H. 18 tháng tù giam. Các đối tượng khác có mức phạt từ 18 tháng tù treo đến 30 tháng tù giam. Đáng chú ý, các đối tượng trên đều có tuổi đời từ 17 - 19.
Đây chỉ là một trong các vụ án xảy ra thời gian qua tại Điện Bàn với nhiều đối tượng vi phạm chưa tới tuổi thành niên. Báo cáo của Công an Điện Bàn cho biết, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/11/2023 trên địa bàn thị xã xảy ra 18 vụ vi phạm pháp luật với 58 người dưới 18 tuổi tham gia (trong đó có 8 trẻ dưới 16 tuổi). Cơ quan chức năng đã khởi tố 7 vụ với 41 bị can, xử lý vi phạm hành chính 11 vụ với 17 đối tượng.
Theo Trung tá Phan Thanh Hồng, Báo cáo viên pháp luật thị xã Điện Bàn, một trong những nguyên nhân dẫn đến xu hướng trẻ hóa tội phạm hiện nay là sự thiếu quan tâm, giáo dục từ gia đình do cha mẹ lo làm ăn, buôn bán hoặc thường xuyên đi xa, không ít trường hợp con đi chơi qua đêm, nghiện hút hoặc có hành vi vi phạm pháp luật nhưng cha mẹ không hề hay biết, chỉ đến khi nhận được thông báo của cơ quan công an mới hay con mình đã phạm tội.
Cạnh đó, một số thanh thiếu niên có hoàn cảnh gia đình đặc biệt như cha mẹ ly hôn, cha mẹ đang chấp hành án phạt tù, mồ côi cha hoặc mẹ phải sống với ông, bà, người thân hoặc sống lang thang...
Các em dễ bị tổn thương về tâm lý, thiếu sự quản lý, giáo dục khiến dễ phát triển theo chiều hướng lệch lạc, tạo nên hành vi nổi loạn, dễ bị bạn bè lôi kéo tham gia những hành vi tiêu cực hoặc phạm tội.
“Để phòng ngừa tội phạm vị thành niên, không thể phó mặc cho các cơ quan tư pháp mà cần có sự vào cuộc của các cấp, ngành, đoàn thể chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ các đối tượng trong lứa tuổi thanh thiếu niên có nguy cơ phạm tội.
Quan tâm xây dựng các sân chơi bổ ích để tạo môi trường tích cực, giúp thanh, thiếu niên tránh xa các tệ nạn xã hội. Đặc biệt, cần có giải pháp căn cơ đến từ ngành giáo dục để học sinh, sinh viên, thanh thiếu niên không bị sa vào những thói hư tật xấu, tệ nạn xã hội…” - ông Hồng nói.