Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức của năm 2021, Công ty Điện lực Quảng Nam (PC Quảng Nam) đã hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ kế hoạch và chuyển đổi số, kết quả này đã giúp công ty tự tin bước vào năm 2022 với sự lạc quan và tự tin.
Bứt phá
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 kéo dài, 2021 là năm nhiều thách thức đối với PC Quảng Nam. Tuy nhiên bằng sự nỗ lực, đơn vị đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật được giao; quản lý vận hành lưới điện an toàn, hiệu quả, cung ứng đủ điện phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và phòng chống dịch, phục vụ đời sống nhân dân.
Theo đó, sản lượng điện thương phẩm năm 2021 của PC Quảng Nam đạt hơn 2.228 triệu kWh (tăng 6,53% so với cùng kỳ năm 2020, trong đó sản lượng điện thành phần công nghiệp xây dựng tăng 16,76%, nông lâm, ngư nghiệp tăng 5,58%). Giá bán điện bình quân năm 2021 đạt 1.861,35 đồng/kWh, tăng 38.97 đồng/kWh so với cùng kỳ năm 2020.
Trong tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, PC Quảng Nam đã tiếp tục đẩy mạnh cung cấp dịch vụ điện qua hình thức trực tuyến như Website ngành điện (https://cskh. cpc.vn), Cổng thông tin điện tử (http://dichvucong.quangnam.gov.vn), Cổng dịch vụ công quốc gia, qua Email/App/Zalo/Viber.
Trong năm 2021, tỷ lệ khách hàng sử dụng 12 dịch vụ trực tuyến qua Trung tâm Chăm sóc khách hàng Điện lực miền Trung và các trung tâm/cổng dịch vụ công đạt 99,10%. Để triển khai điện tử hóa các dịch vụ điện, PC Quảng Nam đã tăng cường kiểm soát sản lượng bất thường của khách hàng, thông báo ngay cho khách hàng khi phát hiện biến động sản lượng.
Cũng trong năm qua, PC Quảng Nam quản lý đầu tư cải tạo nâng cấp lưới điện phân phối với tổng giá trị là 415 tỷ đồng (quy mô gồm 434km đường dây trung, hạ thế, xây dựng mới và cải tạo 242 trạm biến áp (TBA) với tổng công suất 56,3MVA).
Về đầu tư nâng cấp nguồn lưới điện 110kV, Tổng Công ty Điện lực miền Trung (EVNCPC) đã bố trí đầu tư trên địa bàn tỉnh hơn 364 tỷ đồng để xây dựng mới đường dây 110kV mạch 2 Đại Lộc - Đà Nẵng, cải tạo nâng đường dây 110kV từ Tam Kỳ đi Tam Thăng, mạch vòng đường dây 110kV Duy Xuyên - Hội An...
Để hỗ trợ doanh nghiệp đi vào hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp, PC Quảng Nam đã phối hợp các ngành chức năng của tỉnh xây dựng quy trình giải quyết thủ tục hành chính cấp điện trung áp theo cơ chế một cửa liên thông trên Hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh Quảng Nam. Quy trình này đã tạo điều kiện cho khách hàng, nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận sử dụng dịch vụ một cách thuận lợi.
Thích ứng an toàn
Bước vào năm 2022, thực hiện chủ đề của Tập đoàn Điện lực Việt Nam “Thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả”, PC Quảng Nam chủ động làm việc với địa phương, khách hàng, đặc biệt là các doanh nghiệp lớn để nắm bắt nhu cầu tiêu dùng điện, đảm bảo cấp điện với phương án tối ưu nhất. Về sản lượng điện thương phẩm năm 2022, phấn đấu đạt và vượt hơn 2,3 triệu/ kwh.
Theo đó, PC Quảng Nam sẽ nâng cao chất lượng quản lý vận hành, đánh giá chất lượng thiết bị để phát hiện các thiết bị chưa đảm bảo chất lượng, không đưa vào lưới nhằm hạn chế nguy cơ sự cố có thể xảy ra, cũng như giúp cho việc điều hành hệ thống lưới điện được tối ưu nhất.
Đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp đồng bộ, sẵn sàng thích ứng an toàn, linh hoạt trong tình hình dịch bệnh Covid-19, bảo đảm đáp ứng nhu cầu điện cho phát triển kinh tế - xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Đồng thời bám sát tăng trưởng nhu cầu điện, tình hình khôi phục và phát triển kinh tế để cập nhật dự báo phụ tải theo các kịch bản phụ tải cơ sở, kịch bản phụ tải phát triển cao trong điều kiện bình thường và điều kiện bất lợi nhất của năm 2022 và các năm tiếp theo.
Giảm tổn thất điện năng (TTĐN) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà của PC Quảng Nam triển khai nhằm góp phần bảo đảm cung cấp điện và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Công ty sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, thiết bị hiện đại trong công tác quản lý vận hành lưới điện để giảm TTĐN như: Áp dụng công nghệ vệ sinh hotline, sử dụng camera nhiệt nhằm phát hiện sớm và xử lý ngay các vị trí có nhiệt độ tăng cao gây TTĐN.
Theo ông Nguyễn Hữu Khánh - Giám đốc PC Quảng Nam, PC Quảng Nam sẽ thường xuyên kiểm soát điện áp lưới trung thế, vận hành theo đúng biểu đồ điện áp, đặc biệt khu các xuất tuyến có đấu nối các nhà máy thủy điện phía tây.
Đồng thời, khai thác có hiệu quả các công trình đường dây trung thế sau các TBA 110kV khu vực Nam Trà My (đường dây sau 110kV Nam Trà My), Tây Giang (đường dây sau 110kV Tr’ Hy), Nông Sơn (đường dây sau 110kV Khe Diên) và dự án các đường dây cao thế cải tạo chống quá tải lưới điện khu vực các khu vực đã đầu tư.
“Đơn vị sẽ ưu tiên khuyến khích các khách hàng tham gia Chương trình quản lý nhu cầu điện (DSM), đặc biệt là đối với chương trình điều chỉnh phụ tải điện (DR) nhằm tối ưu hóa hoạt động sản xuất kinh doanh, đảm bảo cung ứng điện, nâng cao chất lượng điện năng và độ tin cậy cung cấp điện, góp phần bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả kinh tế chung của hệ thống điện gắn với phát triển bền vững ngành điện, ngành năng lượng” - ông Khánh cho biết.