Cơ sở dữ liệu được coi là “trái tim” của chuyển đổi số. Đầu tháng 3, Quảng Nam ban hành kế hoạch phát động đợt cao điểm 90 ngày tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu của các sở, ban, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh. Thông qua đợt cao điểm để đẩy mạnh xây dựng, cập nhật và hoàn thiện cơ sở dữ liệu phục vụ chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đây là bước quan trọng nhất trong công tác chuyển đổi số với một nền tảng cơ sở dữ liệu sạch, đa dạng...
Ở đợt cao điểm phát động 90 ngày tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu (CSDL), Quảng Nam ưu tiên triển khai số hóa, cập nhật dữ liệu hồ sơ kết quả giải quyết thủ tục hành chính còn hiệu lực, phục vụ tái sử dụng kết quả điện tử, các dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành và cung cấp dữ liệu mở.
Chuyển đổi từ gốc đến ngọn
Số hóa dữ liệu không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu muốn tiến tới chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.
Trước 20/2/2025, Quảng Nam là một trong những địa phương đứng cuối bảng xếp hạng cả nước về số hóa dữ liệu hộ tịch, bị Trung ương nhắc nhở, phê bình.
Thời điểm đó, tỷ lệ số hóa dữ liệu hộ tịch của tỉnh chỉ đạt khoảng 44,5%; có đến 24 xã/phường đạt dưới 10%, thậm chí nhiều xã tỷ lệ 0%. Tuy nhiên, đến ngày 5/3, tức là chưa kết thúc 20 ngày phát động đợt cao điểm (từ 20/2 - 11/3) số hóa hộ tịch, toàn tỉnh đã hoàn thành nhiệm vụ này với 1,45 triệu dữ liệu hộ tịch, bao gồm đăng ký khai sinh, đăng ký khai tử, đăng ký kết hôn…
Nhìn nhận về kết quả này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho rằng, tỉnh phát động 20 ngày nhưng khi làm thì chỉ hơn 10 ngày đã hoàn thành, điều này chứng tỏ rằng, trong CĐS nói chung và số hóa dữ liệu nói riêng, các cơ quan, đơn vị, địa phương “làm được, làm rất tốt nhưng lại không làm”.
Những con số biết nói chứng minh bước đi quyết liệt trong quá trình chuyển đổi số của Quảng Nam.
Năm 2024, Công an tỉnh tiếp tục triển khai, thu thập, cập nhật, làm giàu dữ liệu theo chỉ đạo của Tổ Công tác Đề án 06 Chính phủ. Công an tỉnh đã cập nhật lên hệ thống hơn 1,1 triệu dữ liệu người lao động (đạt 100% theo kế hoạch UBND tỉnh), thu nhận hơn 230 nghìn hồ sơ cấp CCCD, kích hoạt gần 90% tài khoản định danh điện tử. Đây là những mảnh ghép dữ liệu đầu tiên giúp tạo lập “chân dung số” cho mỗi công dân.
Ban Chỉ đạo phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và CĐS tỉnh yêu cầu UBND tỉnh theo dõi, kiểm đếm tiến độ xây dựng CSDL của sở, ngành, địa phương theo từng ngày để có chỉ đạo, nhắc nhở. Đồng thời lưu ý, trước bối cảnh chuẩn bị thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã, bỏ cấp huyện, các cơ quan, đơn vị cần tập trung, thuê đơn vị để số hóa, chỉnh lý hồ sơ.
Ngày 4/3/2025, UBND tỉnh phát động đợt cao điểm 90 ngày tập trung xây dựng CSDL các các sở, ban, ngành, địa phương. Một trong những nội dung ưu tiên triển khai, đó là số hóa, cập nhật dữ liệu hồ sơ kết quả giải quyết TTHC còn hiệu lực phục vụ tái sử dụng kết quả điện tử, các dữ liệu phục vụ công tác quản lý nhà nước, chỉ đạo điều hành và cung cấp dữ liệu mở. Trong đợt cao điểm xây dựng cơ sở dữ liệu này, nhiều ngành đã có bước tiến vững chắc.
Sở Xây dựng là ví dụ điển hình. Trong năm 2024, sở này đã tiếp nhận và giải quyết hơn 60.000 hồ sơ TTHC, trong đó 100% hồ sơ đã được số hóa, hơn 52.000 kết quả được lưu trữ phục vụ tái sử dụng điện tử.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng - ông Lê Quang Hiếu cho biết, đơn vị này xác định số hóa không chỉ là giải pháp tình thế mà là nền tảng quản lý lâu dài. Đơn vị này tăng cường phối hợp với các cơ quan chuyên môn hoàn thành sớm việc kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa các hệ thống chuyên ngành, hệ thống của trung ương và của tỉnh; nhất là công tác số hóa, tập trung dữ liệu, tái sử dụng kết quả đã số hóa.
Gỡ nút thắt và tăng tốc
Thông tin từ Sở KH&CN, đến nay, hầu hết ngành của tỉnh đã xây dựng CSDL chuyên ngành và triển khai các hệ thống thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực. Tổng số CSDL Trung ương, CSDL chuyên ngành của tỉnh đang triển khai 109 hệ thống. Nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu LGSP của tỉnh hiện kết nối 21/109 hệ thống dữ liệu, phục vụ gần 150 triệu giao dịch/năm, với tỷ lệ thành công lên đến 98,9%. Các hệ thống như Qoffice, CSDL cán bộ công chức, hệ thống IOC tỉnh, CSDL chuyên ngành… đều từng bước đồng bộ với kho dữ liệu dùng chung.
Đặc biệt, Quảng Nam đã xây dựng và đưa vào vận hành Kho dữ liệu lớn (Big Data), chuẩn hóa và cập nhật 272 bộ dữ liệu từ 9 đơn vị. Đây được xem là bước “nâng nền” mang tính chất sống còn, hướng đến việc xây dựng hệ sinh thái dữ liệu dùng chung toàn tỉnh.
Báo cáo tại phiên thứ hai Ban Chỉ đạo phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mới đây, ông Nguyễn Đức Bình - Giám đốc Sở KH&CN đã nêu 7 điểm nghẽn trong triển khai CĐS, CCHC và Đề án 06 trên địa bàn tỉnh. Trong đó có những vướng mắc liên quan đến phát triển dữ liệu, xây dựng CSDL chuyên ngành, kết nối, chia sẻ dữ liệu...
Theo ông Bình, hiện nay, các bộ, ngành Trung ương chưa công bố đầy đủ danh mục các CSDL chuyên ngành do bộ triển khai, địa phương sử dụng, dẫn đến khó khăn trong việc lập kế hoạch, xác định danh mục các hệ thống cần xây dựng. Một số hệ thống của Trung ương dự kiến triển khai nhưng chưa rõ phạm vi quy mô như CSDL về lĩnh vực tài chính, xây dựng và quy hoạch… Bên cạnh đó, việc chia sẻ dữ liệu từ các CSDL của bộ ngành Trung ương còn hạn chế.
“Mặc dù dữ liệu là của tỉnh, do tỉnh tạo lập, cập nhật lên các hệ thống của Trung ương, tuy nhiên, tỉnh chưa được chia sẻ dữ liệu để khai thác, kết nối với các hệ thống của tỉnh phục vụ công tác quản lý và giải quyết TTHC. Một số hệ thống do Trung ương triển khai chưa kết nối, đồng bộ thông tin tiếp nhận, xử lý hồ sơ với Hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh, dẫn đến cán bộ, công chức phải thực hiện cập nhật trên nhiều hệ thống, đồng thời không tái sử dụng được dữ liệu từ các CSDL phục vụ giải quyết TTHC” - ông Bình cho biết.
Một thực trạng khác: kho dữ liệu của tỉnh đang quá tải trước tốc độ tạo mới dữ liệu từ các lĩnh vực như y tế, đất đai, giáo dục. Do đó, Sở KH&CN đã đề xuất UBND tỉnh trình Ban Chỉ đạo tỉnh thống nhất điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2025–2026, tổng vốn hơn 1.300 tỷ đồng để xây dựng nền tảng hành chính công chủ động; mở rộng hạ tầng điện toán đám mây; phát triển dữ liệu lớn phục vụ trí tuệ nhân tạo (AI); xây dựng trung tâm giám sát thông minh cấp cơ sở.
Chuyển đổi số sẽ chỉ là hình thức nếu dữ liệu được tạo ra rồi... cất vào kho - đây là nhận định của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu. Ông yêu cầu ưu tiên hoàn thành các CSDL cốt lõi như đất đai, học bạ điện tử, bệnh án điện tử – những nền tảng có tính liên ngành cao và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.
Chuyển đổi số không còn là cuộc chơi công nghệ, mà là bài toán phát triển mọi lĩnh vực. Quảng Nam đang “tăng tốc” để hình thành kho dữ liệu dùng chung cho hệ thống chính quyền số sau này. Thời điểm này là lúc cần đồng bộ dữ liệu - thống nhất nền tảng để dữ liệu trở thành “trái tim sống” trong vận hành chính quyền, phục vụ doanh nghiệp, người dân, và cả tương lai số của địa phương.
Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại tỉnh Quảng Nam là một bước tiến quan trọng trong việc hiện đại hóa quản lý đất đai, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi số. Tuy nhiên, tiến độ triển khai dự án vẫn còn nhiều hạn chế, đang là nan đề lớn trong bối cảnh hiện tại.
Tiến độ vẫn chậm
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Môi trường (NN&MT), dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai tại Quảng Nam được triển khai qua hai giai đoạn chính. Giai đoạn 1 (2008-2020) đã hoàn thành tại 47 xã, phường thuộc các huyện, thành phố gồm Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình, Duy Xuyên và Quế Sơn.
Trong giai đoạn 1, các địa phương này đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Trong đó, đã đo đạc lập bản đồ địa chính 52.925,62ha, đạt 101,98% so với thiết kế kỹ thuật dự toán được phê duyệt. Đồng thời, kê khai đăng ký 310.494 hồ sơ, trong đó cấp mới 73.806 hồ sơ, cấp đổi 215.899 hồ sơ, dồn điền đổi thửa 12.900 hồ sơ. Các địa phương ở giai đoạn 1 đã ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hơn 128.500 giấy. Hệ thống cơ sở dữ liệu đã được đưa vào vận hành tại các địa phương này, nhưng việc thanh quyết toán vẫn đang được hoàn thiện.
Giai đoạn 2 (2022-2025), toàn tỉnh mở rộng phạm vi tại 12 huyện, thị xã, thành phố và các xã còn lại của Thăng Bình, Duy Xuyên, Quế Sơn, với mục tiêu đo đạc 92.757,9 ha, đăng ký 623.950 thửa đất và xây dựng cơ sở dữ liệu cho 80 xã. Tuy nhiên, tiến độ giai đoạn này bị đánh giá là rất chậm so với yêu cầu. Báo cáo của Sở NN&MT cho biết, đến đầu tháng 3/2025, 15/15 huyện, thị xã, thành phố đã thành lập tổ công tác, nhưng vẫn còn một số địa phương gồm Bắc Trà My, Quế Sơn, Đông Giang, Nam Trà My và Hội An vẫn chưa hoàn thiện thiết kế kỹ thuật - dự toán để thẩm định.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ trong xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, cả khách quan và chủ quan. Theo đại diện Sở NN&MT, đơn vị tư vấn lập Thiết kế kỹ thuật - dự toán trên địa bàn tỉnh còn hạn chế về số lượng, năng lực chuyên môn, mặc dù đã được các cơ quan chuyên môn thuộc Sở có ý kiến thẩm định nhiều lần, nhưng việc chỉnh sửa, hoàn thiện vẫn chưa dứt điểm.
Ngoài ra, hồ sơ địa chính phần lớn ở các địa phương lập theo nhiều mẫu biểu ở những thời điểm khác nhau, gây trở ngại đến công tác đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như công tác bảo quản, lưu trữ, cập nhật thông tin. Việc sáp nhập phòng chuyên môn cấp huyện và thay đổi lãnh đạo cũng ảnh hưởng lớn đến tiến độ. Trong đó, quá trình điều chuyển, thay đổi Lãnh đạo Phòng NN&MT làm ảnh hưởng lớn đến tiến độ triển khai thực hiện dự án.
“Vẫn chưa có sự tập trung chỉ đạo quyết liệt của lãnh đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố và chưa có sự phối hợp chặt chẽ, giám sát, đôn đốc thường xuyên của các đơn vị. UBND tỉnh phê bình UBND các huyện, thị xã, thành phố để chậm trễ tiến độ thực hiện dự án, yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải tập trung chỉ đạo rà soát ngay những nội dung công việc còn tồn tại, chậm trễ, chỉ đạo các đơn vị liên quan đẩy nhanh tiến độ thực hiện hoàn thành toàn bộ dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai giai đoạn 2 trong tháng 6/2025” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu.
Từng bước gỡ khó
Trước thực trạng này, tại cuộc họp vào đầu tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu các địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị tư vấn, đồng thời xây dựng lộ trình chi tiết và báo cáo định kỳ hàng tháng để Sở NN&MT tổng hợp, tham mưu giải quyết vướng mắc.
Về nguồn lực tài chính, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng chỉ đạo Sở Tài chính rà soát, tham mưu UBND tỉnh bố trí kịp thời nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, đặc biệt ưu tiên các huyện như Quế Sơn, Hiệp Đức, Phú Ninh, Thăng Bình... Trường hợp địa phương chưa cung cấp đủ thông tin về ngân sách cấp huyện, Sở Tài chính có văn bản đề nghị các địa phương báo cáo giải trình cụ thể để tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh bố trí kịp thời, đúng quy định.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu trong năm 2025 các cơ sở dữ liệu đất đai phải được khẩn trương xây dựng và hoàn thành, bao gồm cơ sở dữ liệu địa chính, giá đất, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, và thống kê, kiểm kê đất đai.
Quyết tâm mạnh mẽ trong việc xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu đất đai được kỳ vọng sẽ tạo nền tảng cho quản lý đất đai hiện đại và minh bạch. Tuy nhiên, thách thức vẫn còn lớn khi năng lực của các đơn vị tư vấn và thi công chưa được cải thiện đáng kể, trong khi yêu cầu kỹ thuật ngày càng cao. Sẽ cần phải duy trì tốt, liên tục hơn nữa sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành để tránh lặp lại tình trạng chậm trễ. Nếu được thực hiện hiệu quả, dự án không chỉ nâng cao hiệu quả quản lý đất đai mà còn góp phần thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển bền vững tại Quảng Nam.
Học bạ số trên ứng dụng vnEdu của VNPT đã được các trường học ở Quảng Nam triển khai nhằm đáp ứng nhu cầu số hóa học bạ, góp phần thực hiện chuyển đổi số ngành giáo dục.
Học bạ số (HBS) là học bạ được số hóa, lưu trữ trên môi trường số, có ký xác thực điện tử, có giá trị pháp lý, đảm bảo lưu trữ đầy đủ, chính xác thông tin về học sinh và kết quả học tập, rèn luyện của học sinh. Đây là ứng dụng nằm trong hệ sinh thái giáo dục thông minh vnEdu 4.0 của VNPT.
Nhiều tiện ích
Sở GD-ĐT Quảng Nam là một trong những đơn vị tiên phong trong thực hiện các hoạt động chuyên môn của ngành về cơ sở dữ liệu và công tác chuyển đổi số, trong đó có ứng dụng HBS.
Theo ông Đỗ Quang Khôi - Trưởng phòng Quản lý chất lượng - giáo dục thường xuyên (Sở GD-ĐT), ứng dụng này đem lại nhiều lợi ích cho lãnh đạo sở, phòng trong quản lý, báo cáo, thống kê tình hình nhập dữ liệu, góp phần mạnh mẽ vào công cuộc chuyển đổi số của ngành.
Ông Khôi cho biết, 100% trường tiểu học ở Quảng Nam đã triển khai ứng dụng HBS. Đối với các trường phổ thông (THCS, THPT, giáo dục thường xuyên), Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn, thực hiện thí điểm trong năm học 2024-2025 và đến năm học 2025-2026 sẽ triển khai chính thức ở tất cả trường học.
Trong cuộc làm việc với Sở GD-ĐT về cơ sở dữ liệu và công tác chuyển đổi số của ngành giáo dục vào đầu tháng 3 vừa qua, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu đã thống nhất thành lập Ban chỉ đạo triển khai thí điểm học bạ số cấp tỉnh để triển khai học bạ số cho các trường THPT công lập. Việc triển khai HBS ở Quảng Nam bước đầu thuận lợi về hạ tầng công nghệ, về cơ sở dữ liệu chuyên ngành.
Thầy Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) cho biết, việc ứng dụng HBS giúp nhà trường quản lý hiệu quả và chuyên nghiệp; giám sát được việc hiệu chỉnh điểm của giáo viên; tiết kiệm thời gian, chi phí in ấn...
Cô Huỳnh Thị Hoa - giáo viên Trường THCS Nguyễn Du (Tam Kỳ) cho rằng, ứng dụng HBS có nhiều ưu điểm, giúp giáo viên tiết kiệm thời gian, giảm áp lực sổ sách. Khi tuyển sinh đầu cấp online, phụ huynh nhập thông tin, giáo viên chủ nhiệm lớp 6 và nhân viên văn phòng kiểm tra, chuẩn hóa thông tin học sinh, thì giáo viên chủ nhiệm các lớp sau chỉ cần kiểm tra lại và nhanh chóng đồng bộ hóa hồ sơ chủ nhiệm.
Theo cô Nguyễn Thị Hạ Lựu - Trường Tiểu học Mà Cooih, Đông Giang, triển khai HBS giúp nhà trường và giáo viên dễ dàng quản lý hồ sơ của học sinh. Việc cập nhật thông tin, số liệu trên máy tránh được tình trạng tẩy xóa như khi viết tay. “Công tác quản lý, kiểm tra kết quả học tập của học sinh; thông tin liên lạc hai chiều giữa phụ huynh và nhà trường cũng thuận lợi. Khi phụ huynh cần liên hệ với giáo viên chủ nhiệm về thông tin của học sinh, chỉ cần có mạng internet là giáo viên chủ nhiệm có thể cung cấp ngay cho phụ huynh” - cô Hoa nói.
Cần đồng bộ
Mặc dù ứng dụng HBS ở Quảng Nam mang lại nhiều hiệu quả, tiện ích nhưng vẫn rất cần sự đồng bộ giữa các địa phương trong cả nước.
Năm học trước, một số phụ huynh ở Quảng Nam chuyển trường cho con đến tỉnh thành khác thì gặp khó khăn khi chuyển học bạ. Một số địa phương không chấp nhận HBS mà yêu cầu học bạ giấy. Điều này cho thấy chưa có sự đồng bộ, liên thông dữ liệu về HBS ở các địa phương. Để tạo thuận lợi cho phụ huynh và tăng hiệu quả trong công tác quản lý của ngành GD-ĐT, ông Đỗ Quang Khôi cho rằng, Bộ GD-ĐT cần có quy định cụ thể về sự đồng bộ, liên thông giữa ngành giáo dục các địa phương trong triển khai HBS.
HBS có nhiều tiện ích nhưng một số giáo viên cho biết còn lúng túng về thao tác lúc mới tiếp cận; nếu không cẩn thận, sẽ dẫn đến sai sót khi nhập thông tin. Nhưng hạn chế này nhanh chóng được khắc phục khi tại Quảng Nam, VNPT cử cán bộ hỗ trợ, nhiều trường học phân công giáo viên dạy tin học hướng dẫn giáo viên và giáo viên cũng học hỏi.
Trong cuộc họp phụ huynh học sinh ở một trường THCS đầu năm học này, một phụ huynh nêu ý kiến: Cần phát huy hiệu quả nhiều tiện ích của vnEdu. Phụ huynh nộp phí sử dụng ứng dụng 60 nghìn đồng/năm học nhưng chủ yếu để tra cứu kết quả học tập của học sinh; còn các tiện ích khác hầu như phụ huynh ít khai thác; ngay cả tiện ích gửi đơn đăng ký nghỉ học có sẵn nhưng phụ huynh vẫn viết tay và mang đến trường.
Việc giáo viên nhập điểm lên BHS của hệ thống vnEdu cũng cần quy định cụ thể. Có những giáo viên kịp thời nhập điểm kiểm tra thường xuyên của học sinh nhưng cũng có trường hợp học sinh đã hoàn thành bài kiểm tra giữa kỳ nhưng giáo viên vẫn chưa nhập cột điểm kiểm tra thường xuyên nào.
“Giáo viên cập nhật điểm của học sinh lên hệ thống nhằm giúp phụ huynh theo dõi để động viên hoặc nhắc nhở con em mình kịp thời. Nhà trường cần quy định cụ thể thời hạn nhập điểm và thường xuyên kiểm tra việc này để phát huy tác dụng của HBS” - vị phụ huynh này nói.
Mục tiêu đến cuối tháng 9 này, tất cả cơ sở khám chữa bệnh có giường bệnh trên địa bàn - kể cả công lập lẫn tư nhân - hoàn thành việc triển khai và công bố bệnh án điện tử.
Đây là động thái mạnh mẽ hướng tới chuyển đổi số toàn diện ngành y tế, trong đó có công tác số hóa bệnh viện. Chuẩn hóa thông tin, dữ liệu và hình thành kho dữ liệu phục vụ công tác quản lý, công tác khám chữa bệnh, công tác chăm sóc sức khỏe người bệnh (trước, trong và sau khi khám, điều trị) được kỳ vọng.
Tái cấu trúc toàn diện
Tại Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức (thị xã Điện Bàn), 100% cán bộ y tế hiện nay được đào tạo để tiếp cận quy trình số hóa bệnh viện, từ công tác đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip liên kết với bảo hiểm y tế (BHYT); thanh toán không dùng tiền mặt; hẹn lịch khám trên ứng dụng bệnh viện; quản lý hồ sơ bằng mã số điện tử…
Đặc biệt, đây cũng là đơn vị đã bắt đầu triển khai bệnh án điện tử (BAĐT). Ông Trần Công Ân - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức cho biết, quá trình khám bệnh, thực hiện các xét nghiệm, chụp chiếu, bệnh nhân không phải ngồi chờ bởi kết quả sẽ được gửi thẳng về phần mềm quản lý bệnh viện để bác sĩ cập nhật lên sổ sức khỏe điện tử.
Quảng Nam hiện có 58 cơ sở khám chữa bệnh triển khai hệ thống quản lý bệnh viện (HIS). Đây là hệ thống giúp vận hành quản lý, giám định và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Ông Mai Văn Mười - Giám đốc Sở Y tế cho biết, đơn vị cũng đã chỉ đạo 100% hệ thống y tế cơ sở triển khai sử dụng hệ thống thông tin quản lý trạm y tế xã, phường, thị trấn (HMIS) trên toàn địa bàn.
Về hồ sơ sức khỏe điện tử, Quảng Nam đã thực hiện từ năm 2018. Đến nay, 100% cơ sở sử dụng Viettel-His, VNPT-His thực hiện liên thông dữ liệu khám chữa bệnh về hệ thống hồ sơ sức khỏe.
Đáng chú ý, Sở Y tế đã trình đề án xây dựng nền tảng khám chữa bệnh từ xa, với tổng kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Hệ thống này dự kiến sẽ “kéo gần” khoảng cách giữa tuyến xã và tuyến tỉnh, giúp bác sĩ tuyến trên hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới theo thời gian thực.
Dự án xây dựng Trung tâm điều hành y tế thông minh (IOC) và thí điểm bệnh viện thông minh tại 3 cơ sở tuyến tỉnh đang được chuẩn bị về mặt pháp lý. Tuy chưa triển khai đồng loạt, nhưng đây là tín hiệu cho thấy Quảng Nam đang quyết tâm tái cấu trúc toàn diện ngành y tế trên không gian số.
Chuẩn hóa dữ liệu đầu vào
Mới đây, UBND tỉnh thông qua Kế hoạch triển khai Đề án 06 năm 2025. Đối với ngành y tế, yêu cầu đặt ra là xây dựng kho dữ liệu y tế kết nối - liên thông - tái sử dụng được.
Theo đó, Sở Y tế được giao nhiệm vụ cụ thể: 100% bệnh viện trên địa bàn tỉnh phải triển khai bệnh án điện tử; tích hợp sổ sức khỏe điện tử, BHYT, giấy chuyển tuyến, hẹn khám lại lên ứng dụng VNeID cho người dân thường trú - phấn đấu đạt tỷ lệ tối thiểu 80%; liên thông dữ liệu giữa các bệnh viện tuyến huyện, tỉnh với Trung ương, nhằm tận dụng kết quả xét nghiệm, chẩn đoán và cắt giảm các chi phí không cần thiết cho người bệnh.
Để đạt được các yêu cầu này, bài toán chuẩn hóa dữ liệu đầu vào, đảm bảo tính thống nhất và bảo mật trong quá trình chia sẻ giữa các tuyến bệnh viện được đặt ra.
Tuy nhiên, đại diện Sở Y tế nhìn nhận, hiện có tình trạng mỗi bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng một phần mềm khác nhau: VNPT-HIS, Viettel-HIS, Vietsens-HIS... Điều này tạo ra một “ma trận công nghệ” khiến dữ liệu không thể liên thông. Cạnh đó, việc thiếu nhân lực biết sử dụng hệ thống dữ liệu; hệ thống HIS không có API chuẩn để chia sẻ dữ liệu cũng như kết nối từ cơ sở y tế tư nhân hầu như bị bỏ ngỏ là những điểm nghẽn để xây dựng hệ sinh thái y tế thông minh.
Quảng Nam đang nỗ lực khắc phục vấn đề này bằng nhiều cách, trong đó có yêu cầu liên thông bệnh án điện tử liên tuyến, đồng thời chuẩn hóa đầu ra của dữ liệu y tế theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Bộ Công an.
Theo kế hoạch, đến tháng 6/2025, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử cho toàn dân. Đồng thời 3 bệnh viện lớn sẽ trở thành mô hình bệnh viện thông minh, tích hợp dữ liệu khám chữa bệnh, thanh toán không dùng tiền mặt, đồng bộ với căn cước công dân gắn chip.
Ông Nguyễn Thống Nhất - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (1 trong 3 bệnh viện tuyến tỉnh có lộ trình xây dựng mô hình bệnh viện thông minh) cho rằng, cần phải đẩy nhanh tiến độ đồng bộ hóa dữ liệu dân cư với BHYT để giảm thiểu sai sót trong quá trình xác thực thông tin. Cạnh đó, đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin là điều cần được quan tâm.
Trong khuôn khổ Đề án 06, Quảng Nam đặt mục tiêu liên kết dữ liệu y tế với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, từ đó phục vụ quản lý hành chính, thanh toán BHYT không dùng thẻ giấy, cũng như định danh người bệnh chỉ bằng căn cước công dân gắn chip hoặc ứng dụng VNeID.
Việc định danh các cơ sở y tế và nhà thuốc trên toàn tỉnh cũng được yêu cầu hoàn thành trước ngày 30/9/2025. Điều này sẽ tạo điều kiện để đồng bộ hóa dữ liệu thuốc, đơn thuốc, tương tác thuốc… vào một nền tảng thống nhất, phục vụ quản lý dược và an toàn cho người dân.
Ngoài ra, việc tích hợp kho dữ liệu y tế vào hệ sinh thái dữ liệu lớn của tỉnh (Big Data) còn góp phần phục vụ phân tích dịch tễ học, lập bản đồ y tế số, dự báo bệnh tật và hỗ trợ điều hành ngành y một cách khoa học, chính xác hơn.
Nội dung: TÂM ĐAN - THÀNH CÔNG - CHÂU NỮ - LÊ QUÂN
Trình bày: MINH TẠO