(QNO) - Sự kiện cây đa tại đình làng Bàng Tân (thôn Bàng Tân, xã Đại Đồng, huyện Đại Lộc) được công nhận là “Cây di sản Việt Nam”, với người dân và chính quyền địa phương là niềm vinh dự và tự hào lớn lao.
Theo các vị cao niên trong làng Bàng Tân, cây đa này được trồng cùng thời gian chọn nơi này làm đình làng, vào khoảng năm 1771.
Đến năm 1827, đình làng Bàng Tân được xây dựng lại, thờ vị tiền hiền Nguyễn Thọ Trai (còn gọi là Nguyễn Quý Công) - một trong những người đầu tiên khai khẩn vùng đất này.
Cây đa có tuổi đời hàng trăm năm, gắn với đình làng, nơi thờ phụng các đấng thiêng liêng, cầu mong cho dân làng sống bình an, an cư lạc nghiệp, cũng là nơi tổ chức các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống.
Cây đa cổ thụ Bàng Tân đã có tuổi đời hơn 250 năm, cây có chu vi 16m, đường kính 4m, cao 17m, tỏa bóng xum xuê bao phủ một vùng.
Nơi đây cũng từng gắn liền với nhiều sự kiện văn hóa tín ngưỡng - tâm linh của làng xã xưa với các nghi thức, nghi lễ, các hoạt động văn hóa - văn nghệ mỗi khi tết đến xuân về.
Cây đa cũng chứng kiến nhiều sự kiện văn hóa - lịch sử, trải qua bao biến thiêng, dâu bể, qua hai cuộc kháng chiến của dân tộc. Ở thời kỳ nào cũng vậy, cộng đồng cư dân làng Bàng Tân luôn có ý thức bảo vệ, chăm sóc cây phát triển.
Theo bà Nguyễn Thị Hồng Vỹ - Chủ tịch UBND xã Đại Đồng, không chỉ là tài sản sinh thái quý báu của dân làng, cây đa đình Bàng Tân còn mang trong mình các giá trị văn hóa, lịch sử của vùng đất.
"Chính quyền, đoàn thể địa phương sẽ thường xuyên tuyên truyền, giáo dục ý thức trong toàn dân cùng nhau bảo vệ, giữ gìn và chăm sóc cây đa di sản nói riêng, các cây cổ thụ nói chung, nhằm gìn giữ lại cho thế hệ mai sau các giá trị di sản, lan tỏa tình yêu, niềm tự hào về cội nguồn, xứ sở" - bà Vỹ nói.
Theo PGS-TS. Lê Văn Thăng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam, việc cây đa Bàng Tân được công nhận Cây di sản Việt Nam góp phần phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo vệ nguồn gen thực vật quý hiếm.
Sự công nhận này cũng nhằm tôn vinh giá trị văn hóa, bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, góp phần xây dựng ý thức bảo vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ, chăm sóc cây di sản, góp phần vào công tác bảo tồn thiên nhiên.
Việc gìn giữ phát huy giá trị cây di sản không chỉ thể hiện đạo lý nhân văn, bày tỏ lòng tri ân đối với các bậc tiền nhân đã dày công vun trồng, bảo vệ mà còn giáo dục thế hệ trẻ biết trân quý những giá trị lịch sử.