Với sự hỗ trợ từ nhiều phía, người chăn nuôi ở huyện Hiệp Đức đang phát triển mô hình nuôi bò lai thương phẩm và heo thịt theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh.
Ông Võ Tấn Mai - cán bộ nông nghiệp xã Hiệp Hòa cho biết, mấy năm gần đây, người dân địa phương tập trung nguồn lực đầu tư tái đàn và phát triển mạnh chăn nuôi hàng hóa, trong đó bò lai và heo thịt là hai loại vật nuôi chủ lực. Tính đến đầu tháng 11/2024, trên địa bàn 3 thôn của xã Hiệp Hòa có tổng cộng 1.300 con heo và 930 con bò (bò lai chiếm 95%).
Hiện nay, ngoài trang trại hơn 100 con bò của hộ ông Phan Phước Nhường, toàn xã Hiệp Hòa có 5 gia trại nuôi 30-40 con bò và hơn 70 mô hình nuôi từ 5 con bò trở lên. Bên cạnh đó, có khoảng 100 mô hình nuôi heo thịt với số lượng mỗi lứa từ 10 con trở lên, mang lại hiệu quả tương đối cao.
“Nhờ người dân đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, tăng thêm nguồn thu nhập đã góp phần đáng kể vào việc duy trì, nâng cao chất lượng tiêu chí số 10 về thu nhập và tiêu chí số 11 về nghèo đa chiều trong bộ 19 tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025” - ông Mai nói.
Ông Lê Văn Bảy - Phó Trưởng phòng NN&PTNT Hiệp Đức cho hay, những năm qua lĩnh vực chăn nuôi của huyện phát triển khá mạnh, nhất là mô hình nuôi bò lai thương phẩm và heo thịt. Tính đến cuối tháng 10/2024, trên địa bàn huyện có 10.552 con bò (tăng 1.533 con so với thời điểm giữa năm 2022) và 17.753 con heo (tăng 5.594 con so với cách đây hơn 2 năm).
Để hạn chế nguy cơ các loại dịch bệnh nguy hiểm phát sinh gây hại đàn vật nuôi, ngành chuyên môn cùng chính quyền các địa phương của Hiệp Đức thường xuyên phối hợp duy trì công tác vệ sinh môi trường, phun hóa chất tiêu độc khử trùng trên diện rộng. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm.
Những năm gần đây, nhờ huyện Hiệp Đức tập trung triển khai hiệu quả cơ chế hỗ trợ vốn vay ưu đãi, khuyến khích đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nên các doanh nghiệp và người dân có điều kiện đầu tư phát triển mạnh mô hình chăn nuôi bò lai thương phẩm và heo thịt theo hướng hàng hóa, an toàn dịch bệnh.
Huyện tích cực tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, người dân chú trọng công tác tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi. Năm 2024, Hiệp Đức có 82% tổng đàn trâu, bò được tiêm vắc xin phòng bệnh lở mồm long móng và hơn 93% tổng đàn heo được chích ngừa vắc xin dịch tả lợn cổ điển.
“Hiện nay, trên địa bàn huyện có khoảng 150 mô hình nuôi bò lai thương phẩm với số lượng từ 5 con trở lên và khoảng 450-500 mô hình nuôi heo thịt thương phẩm với số lượng từ 20 con trở lên/lứa/mô hình. Hầu hết mô hình nuôi bò lai và heo thịt đều mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm nghèo bền vững” - ông Bảy nói.