Câu chuyện khởi nghiệp

Chàng trai Phú Ninh mở 5 xưởng may từ đôi bàn tay trắng

MỸ LINH - THÚY HIỀN 05/01/2025 07:00

(QNO) - Hành trình khởi nghiệp nhiều thách thức với nghề may đã tôi luyện nên một Nguyễn Văn Quyết (SN 1991, thôn Kỳ Tân, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) đầy bản lĩnh. Từng bước nắm vững thị trường may mặc, Quyết từ một thanh niên không đồng vốn, bươn chải ở thành phố rồi trở thành ông chủ của 5 xưởng may với hơn 200 công nhân tại quê hương.

img_3762.jpg
Anh Nguyễn Văn Quyết hướng cho dẫn nhân viên may những bộ pijama mới. Ảnh: L.H

Tìm cơ hội trong khó khăn

Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, hết năm lớp 9, anh Quyết đành dừng lại việc học hành. Trong ký ức của anh, hình ảnh những ngày khốn khó năm 2019 mưu sinh nơi Sài thành vẫn còn nguyên vẹn. Lúc hát rong, lúc phục vụ bàn, lúc theo người ta may vá… anh rong ruổi khắp nơi vừa kiếm sống vừa học nghề. Chàng trai ấy cũng vì thế ngày càng trưởng thành hơn, giàu vốn sống hơn.

Nhanh chóng bén duyên với nghề may, anh Quyết mở cửa hàng quần áo. Kinh doanh chưa được bao lâu, dịch bệnh Covid-19 kéo đến. Thách thức của đại dịch không làm chàng trai xứ Quảng nhụt chí, anh học được cách bán hàng trên các sàn thương mại điện tử. Sản phẩm pijama, đồ bà ba của anh có mặt trên Shopee, Facebook. Thời trang mang nhãn hiệu Kim Loan được khách hàng biết đến nhiều hơn.

dscf6809.jpg
Một xưởng may Thời trang Kim Loan tại xã Tam Dân (Phú Ninh). Ảnh: L.H

Ngay khi vui mừng vì sản phẩm được đặt mua liên tục, anh Quyết lại đối mặt với câu chuyện hàng không tới tay khách do giãn cách xã hội. Quần áo bị hoàn về, tiền đã thanh toán buộc phải trả lại, anh lại một phen thất bại. Nhưng cũng nhờ đó, nắm vững quy trình mở shop quần áo, năm 2022, anh Quyết mang kinh nghiệm về quê để bắt đầu lại từ đầu.

Xác định hướng đi với quần áo pijama và bộ bà ba, anh bắt đầu gây dựng nên xưởng may cho mình tại xã Tam Dân (huyện Phú Ninh). Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất của anh lúc này là vốn để mua nguyên liệu, trả tiền cho nhân công. “Lúc ấy, tôi đã cố gắng thuyết phục chủ vải hỗ trợ nguyên liệu để có thể sản xuất. Có lẽ sự chân thành của tôi khiến các chủ vải đồng ý cho nhập nguyên liệu trước, cuối năm mới thanh toán. Được sự trợ sức như thế, tôi càng thêm quyết tâm xây dựng thương hiệu thời trang Kim Loan” - anh Quyết kể.

img_3791.jpg
Anh Quyết luôn chú trọng đến chất lượng sản phẩm với những đường kim, mũi chỉ chắc chắn. Ảnh: L.H

Anh Quyết cho biết, tiêu chí đặt ra là cắt - may - bán lẻ. Mỗi ngày bộ phận thiết kế sẽ đưa ra những mẫu mã mới, thợ may sẽ cắt, may, tạo sản phẩm, không nhập hàng bên ngoài. Sản phẩm được đăng trên fanpage, livestream để bán. Như vậy, khách sẽ thấy được quy trình sản xuất, sự uy tín của mình để quyết định mua hàng. Đồng thời, anh cũng rất coi trọng khâu chăm sóc khách hàng, khách có thể đổi trả, sản phẩm dùng 2 - 3 lần bung chỉ, cửa hàng sẽ hỗ trợ 20.000 - 30.000 đồng sửa chữa. Nhờ sự uy tín này, những sản phẩm của thời trang Kim Loan ngày càng được ưa chuộng.

Tuy nhiên, khi thương hiệu Kim Loan mở rộng trên toàn quốc thì anh đối mặt với nạn giả mạo, những shop giả mang tên “thời trang Kim Loan” ngày càng có nhiều trên facebook, khiến anh Quyết gặp khá nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, tệp khách hàng là trung niên, không thành tạo sử dụng phương tiện thương mại điện tử, những đối tượng giả mạo tinh vi khi làm giả số điện thoại, tem, nhãn mác, bao bì, mẫu mã, hoa văn… tinh vi đến mức khó phân biệt nỗi.. Thế nên trong thời gian ngắn, cửa hàng của anh Quyết mất đi một lượng khách lớn. Thậm chí anh còn bị đánh cắp mất cả fanpage.

z6193170256259_f044b1f37efed6395e6b57fa1bbbc848.jpg
Mẫu sản phẩm được anh Quyết chụp hình chân thực và đăng tải trên fanpage. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhanh chóng, chủ Thời trang Kim Loan lập lại kênh facebook khác. Anh Quyết nhớ lại: “Lúc đầu cảm thấy bất lực lắm! Nhưng ủ rũ mãi ai lo cho mình. Thế là tôi chấp nhận lỗ vốn, xả đồ từ 190.000, 150.000, 130.000… xuống còn 100.000 đồng để thu hút khách hàng. Ngay sau khi thông báo cho khách, lượt xem trên facebook mới tăng trở lại, hơn triệu views”.

Song song với việc lập và bảo vệ trang facebook mới, anh Quyết tạo số điện thoại tổng đài. Trước khi đơn hàng được chuyển đến tay khách, nhân viên sẽ xác nhận lại. Đơn hàng đổi trả, đánh tráo thông tin đều được lưu lại liên hệ, kiểm tra kỹ càng.

Từ một xưởng quần áo với 7 người làm, nay anh Quyết đã mở được 5 xưởng với hơn 200 công nhân, sản xuất 2.000 bộ/ngày. Vượt qua “cơn gió ngược”, Thời trang Kim Loan ngày càng đứng vững trên thị trường may mặc.

[VIDEO] - Anh Nguyễn Văn Quyết chia sẻ về hành trình khởi nghiệp của mình:

Quản trị bằng tình người

Với 3 con nhỏ, chị Nguyễn Thị Kim Lê (SN 1991, xã Tam Vinh, Phú Ninh) không thể vừa làm việc nhà, chăm con, vừa làm công ty, thường xuyên tăng ca như trước. Hiểu được hoàn cảnh, anh Quyết đã tuyển dụng chị làm việc tại xưởng Thời trang Kim Loan, đến nay hơn 4 tháng.

“7 giờ sáng chở con đi học xong, 7 rưỡi tôi mới tới đây làm. Mức lương hơn 8 triệu đồng/tháng, đáng nói là khoảng hơn 4 giờ chiều, anh Quyết tạo cơ hội cho các bà mẹ như tôi đi đón con. Thứ 7, chủ nhật chúng tôi cũng có thể đi làm để tăng thêm thu nhập. Anh chủ Quyết rất thân thiện, hòa đồng, luôn quan tâm hỏi thăm, hướng dẫn tận tình” - chị Lê nói.

dscf6819.jpg
Công nhân tại xưởng đều là những mẹ bỉm sữa trên địa bàn huyện Phú Ninh. Ảnh: L.H

Cũng là một bà mẹ bỉm sữa, chị Nguyễn Thị Ngân (SN 1986, xã Tam Dân, huyện Phú Ninh) bày tỏ: “Trước đây mình làm thợ may nhưng sinh xong lu bu con cái, giờ giấc công ty nghiêm ngặt nên mình xin nghỉ và xin sang xưởng may Thời trang Kim Loan làm. Môi trường sạch sẽ, thoáng mát, công việc ở đây cũng khá đơn giản, lương hướng ổn định, mình có thêm thu nhập trang trải cuộc sống mà vẫn có thể chăm con nhỏ được”.

[VIDEO] - Chia sẻ của công nhân tại xưởng thời trang Kim Loan:

Đi lên từ đôi bàn tay trắng, anh Quyết thấu hiểu sự vất vả . Chính vì thế, anh luôn tạo điều kiện cho các mẹ bỉm sữa, chị em phụ nữ ở quê có công việc ổn định với mức lương trung bình 8,5 - 9 triệu đồng/tháng. Anh còn sắp xếp một khu vui chơi nhỏ cho trẻ em để cuối ngày hoặc ngày cuối tuần, các mẹ có thể đưa con đến chơi, vừa quan sát con, vừa làm công việc của mình.

“Khó khăn hiện tại nằm ở việc một tay tôi quản lý số lượng công nhân lớn. Nhưng tôi luôn ưu tiên quản trị nhân lực bằng tình người. Tôi luôn cân nhắc, đánh giá nhu cầu thị trường để đảm bảo mọi công nhân ở đây đều có công việc ổn định, không bị thất nghiệp” - anh Quyết chia sẻ.

img_3852.jpg
Những mẫu sản phẩm pijama và bộ ba ba từ xưởng thời trang Kim Loan đến khách hàng khắp nơi trên cả nước. Ảnh: L.H

Bên cạnh phát triển kinh doanh, anh Quyết còn là một người có tấm lòng vì việc thiện. Với mong muốn góp sức mình phát triển quê hương, anh thường xuyên hỗ trợ tặng quà, quần áo, nhu yếu phẩm… cho bà con. Ước mơ của chàng trai Phú Ninh ấy không dừng lại ở việc nâng tầm giá trị thương hiệu Thời trang Kim Loan của mình, mà còn mong ước có thêm điều kiện để giúp đỡ người dân địa phương vượt khó như cách anh đã từng nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chàng trai Phú Ninh mở 5 xưởng may từ đôi bàn tay trắng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO