Chuyện đầu tuần

Chảy một tâm thức lành

HỨA XUYÊN HUỲNH 10/06/2024 07:36

Trong biên khảo “Việt Nam phong tục”, ở đề mục tứ thời tiết lạp gồm 10 lễ tiết quan trọng mỗi năm, nhà nghiên cứu Phan Kế Bính liệt kê tết Đoan ngọ (mùng Năm tháng 5 âm lịch) ở vị trí thứ tư sau tết Thanh minh (tháng 3 âm lịch), trước tết Trung nguyên (rằm tháng bảy).

Xếp vậy, nhưng ngay nhà biên khảo cũng có chút phân vân rằng “tục này không rõ nguyên ủy từ đâu, có người cho là do từ đời Xuân Thu”. Ý nhắc đến câu chuyện Khuất Nguyên thời nước Sở bên Trung Hoa, can ngăn vua Hoài Vương không được bèn ra sông Mịch La tự vận đúng ngày mùng Năm tháng 5. Người dân thương cảm nên cứ đến ngày này lại chèo thuyền ra giữa sông ném bánh xuống để cúng.

Với tục hái lá, cụ Phan Kế Bính cũng dẫn tích Lưu Thần - Nguyễn Triệu vào núi Thiên Thai hái thuốc gặp tiên… Cứ thế, lâu dần thành tục hái lá mùng Năm, phơi khô, nấu uống, “cho rằng uống thế thì lành”.

Chữ “lành” của cụ Phan Kế Bính, theo thời gian, được kết nối và diễn dịch ra nhiều kiểu. Dân gian hay gọi tết Đoan ngọ là “ngày giết sâu bọ”, với các loại “vũ khí” quen thuộc tùy vùng miền: rượu nếp, mận, nhót, bỏng rộp, bánh ú tro…

Dịp này, nếu ai ăn nhiều thứ béo, nhiệt, khó tiêu thì đã có bánh ú tro giúp trung hòa bớt độc hại…, Đông y phân tích như thế. Tây y cũng vào cuộc, nghiên cứu trên những người mắc chứng dị ứng với các loại thuốc hạ huyết áp, nhận thấy cơm rượu nếp cẩm có thể làm hạ được nồng độ cholesterol có hại trong máu. Chất chống ô xy hóa anthocyanin có hàm lượng rất cao trong mẫu cám lấy từ gạo nếp cẩm cũng giúp chống bệnh ung thư, tim mạch.

Nhưng cũng có nhà khoa học nghi ngờ về tính hiệu quả của “phương án” giết sâu bọ, khi cho rằng ăn rượu nếp, nhót, mận trong ngày mùng Năm tháng 5 là “nuôi” chứ không “giết” sâu bọ.

Với góc nhìn lãng mạn của một nhà văn, trong “Thương nhớ mười hai”, nhà văn Vũ Bằng cho rằng “nếu ăn như thế mà có bị Tào Tháo đuổi thì bất quá cũng chỉ là một cách xổ thôi”.

Nhà văn đưa ra một lối so sánh rất-dân-gian: Vì người Việt Nam (thời trước) không có thói quen uống thuốc xổ 3 tháng/lần như lời bác sĩ khuyên, nên mỗi năm có trót dại “xổ một lần cho nhẹ bụng” chắc cũng chẳng chết ai!

Dân gian thì khác, không quá kỹ lưỡng như giới khảo cứu văn hóa ghi nhận, không cần chi tiết như giới y khoa phân tích, cũng chẳng liên tưởng quá đà như trang tùy bút của nhà văn.

Họ cứ âm thầm níu giữ phong tục theo một cách riêng, như để tỏ lòng tin cậy thảo mộc xung quanh. Níu giữ, để làm nên một nếp văn hóa, thậm chí giờ đây đã nâng lên thành nghề.

Ở xứ Quảng, chỉ riêng “lá mùng Năm” thôi đã có biết bao câu chuyện để kể. Nơi nào cũng thấy có tục hái lá, cũng có chợ bán lá, ở vùng đông thậm chí có nhiều đám ruộng trồng các loại lá thuốc nam tổng hợp để hái bán, được xem là “vựa lá mùng Năm”.

“Lá mùng Năm” không chỉ hái trong một ngày, trồng thành mùa vụ mà còn nâng thành thương hiệu quanh năm, như “lá Lao” ngoài Cù Lao Chàm. Để thành thương hiệu đáng tin cậy, địa phương khảo sát, giám định để công bố có ít nhất 87 loài trong bộ thực vật đang sử dụng làm “lá Lao”.

Tập tục nào cũng có sự tích, câu chuyện để giải thích cho sự tồn tại của chính nó, tết Đoan ngọ là thí dụ. Nhưng sau tất cả, đọng lại trong tâm thức Việt một ý niệm lành: có “sâu bọ” thì có “diệt”, và chọn một ngày trong năm để nhắc nhớ.

Diệt từ những thức cúng bình dị, cho đến nước uống dân dã, để thấy xung quanh cũng rất lành. Vượt lên trên mọi lối giải thích (về nguồn gốc tập tục) và phân tích (về dược tính), tết Đoan ngọ nay đã thành tập tục đẹp, dân dã và lành.

Hôm nay mùng Năm tháng 5, tết Đoan ngọ, lại sẽ có nhiều người chờ đúng trưa để vào rừng tìm hái lá, hoặc tin cậy thứ nước lá đã mua ngoài chợ từ trước đó.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chảy một tâm thức lành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO