Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Chỉ triển khai ở nơi đủ điều kiện

DIỄM LỆ 19/01/2024 09:00

Trong năm 2023, có 2 địa phương thực hiện thí điểm chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt là TP.Hội An và Đại Lộc. Kết quả thí điểm cho thấy việc ứng dụng chi trả không dùng tiền mặt là phù hợp xu thế, nhưng vẫn còn tâm lý e ngại của người thụ hưởng.

Các địa phương tuyên truyền đến người thụ hưởng về chính sách chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Ảnh: D.L
Các địa phương tuyên truyền đến người thụ hưởng về chính sách chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt. Ảnh: D.L

Tâm lý e ngại

Từ năm 2023, xã Cẩm Thanh được chọn là một trong 2 địa phương thí điểm chi trả an sinh xã hội (ASXH) không dùng tiền mặt tại TP.Hội An, khi trên địa bàn có đến 416 người có công và 583 đối tượng đang hưởng bảo trợ xã hội (nhiều nhất TP.Hội An), với tổng số tiền chi trả mỗi tháng hơn 1,1 tỷ đồng.

Bà Lê Thị Thúy Diễm - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Thanh thông tin, địa phương xác định việc thực hiện chi trả không dùng tiền mặt đối với người có công cách mạng và đối tượng bảo trợ xã hội cũng là một trong những nội dung để thực hiện đề án của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia” với mục tiêu mang lại tiện ích tốt nhất cho người dân.

“Người có công, bảo trợ xã hội lâu nay đã quen với việc nhận tiền mặt tại điểm chi trả, nên khi đổi hình thức chuyển tiền qua tài khoản, ban đầu không khỏi có tâm lý e ngại.

Xã đã tuyên truyền để người dân nắm và hiểu rõ hơn về các tiện ích khi không nhận tiền mặt mà chuyển tiền sang thẻ ATM như tiết kiệm thời gian khi không phải chờ đợi, không phải đi lại vào một khoảng thời gian nhất định, không phải làm thủ tục ủy quyền nhận thay nếu đau ốm không đi nhận được, cất giữ thuận lợi.

Nhưng vẫn có người ngại nhận tiền qua tài khoản nên chưa chịu mở tài khoản hoặc ủy quyền qua tài khoản thân nhân. Vì vậy đến nay còn 184 người có công và 277 người thuộc diện bảo trợ xã hội vẫn nhận tiền tại điểm chi trả hàng tháng” - bà Diễm cho hay.

Tại Đại Lộc, hai xã Đại Thạnh và Đại Lãnh được chọn triển khai thí điểm vì... ở xa trung tâm hành chính huyện để có cơ sở đánh giá triển khai nhân rộng. Tại kỳ chi trả tháng 12/2023, tại 2 xã thực hiện thí điểm có 165/224 người có công đăng ký nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng qua tài khoản ngân hàng (đạt tỷ lệ 74,51%) và có 1.051/1.331 người đang nhận trợ giúp xã hội hằng tháng đăng ký nhận trợ cấp qua tài khoản ngân hàng (đạt tỷ lệ 79,49%).

Ông Trương Minh Văn - Phó Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Đại Lộc cho biết: “Chi trả các chế độ ASXH không dùng tiền mặt là phù hợp xu thế, nhưng tâm lý người thụ hưởng còn e ngại vì phần lớn là người lớn tuổi, đi lại khó khăn, ngại thay đổi, sợ tiền vào tài khoản bị lừa đảo, mất tiền phí các dịch vụ khi ngân hàng không hỗ trợ, nhiều người không thường xuyên sử dụng điện thoại...

Trong khi đó, dịch vụ ngân hàng hạn chế mức rút tiền tối đa 2 triệu đồng/lần và 5 triệu đồng/ngày là không phù hợp, bởi có nhiều người nhu cầu cần rút hết số tiền trợ cấp trong ngày chi trả để sử dụng vào việc cần thiết”.

Cần tạo thuận lợi

Từ tháng 8/2023, việc chi trả ASXH không dùng tiền mặt bắt đầu được triển khai thí điểm. Đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 17/18 huyện, thị xã, thành phố ban hành kế hoạch thực hiện, trong đó có 8/17 địa phương đã triển khai thực hiện thí điểm chi trả trợ cấp qua tài khoản cho đối tượng tại 21 xã, phường, thị trấn.

Các địa phương rất coi trọng công tác tuyên truyền, với nội dung, phương pháp, hình thức đa dạng, dễ tiếp cận, hướng dẫn; kịp thời trả lời thắc mắc, từng bước đáp ứng yêu cầu của người thụ hưởng chính sách.

Tuy vậy vẫn còn khó khăn khi người dân chưa đồng thuận, chưa được ngân hàng hỗ trợ miễn phí dịch vụ, vì họ thuộc diện khó khăn, hưởng trợ cấp nên sợ mất đi một khoản tiền hàng tháng, điều kiện về rút tiền chưa có đủ cây ATM...

Theo bà Trương Thị Lộc - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, đến nay Sở LĐ-TB&XH không nhận đơn thư khiếu nại nào liên quan về chi trả chế độ không dùng tiền mặt đã là thành công bước đầu. Nhưng với việc triển khai nhân rộng, chỉ nên thực hiện ở nơi đủ điều kiện như khu vực có cây ATM, có trụ sở ngân hàng có thể rút tiền bất cứ lúc nào.

Trước mắt, các địa phương và ngân hàng thương mại cần phối hợp, tạo điều kiện mở thẻ miễn phí cho người thụ hưởng. Và muốn chi trả ASXH không dùng tiền mặt thuận lợi thì cần có hạ tầng đáp ứng, và ngân hàng cần có chính sách không thu chi phí dịch vụ liên quan đến thẻ/tài khoản của các đối tượng người có công cách mạng, bảo trợ xã hội trong quá trình sử dụng thẻ nhận trợ cấp, giao dịch liên quan.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chi trả an sinh xã hội không dùng tiền mặt: Chỉ triển khai ở nơi đủ điều kiện
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO