Chiều 20.1, Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với UBND tỉnh chủ trì tọa đàm trực tuyến với các tỉnh, thành trên cả nước về xây dựng và phát triển bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành và cấp huyện (DDCI). Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì tại điểm cầu Quảng Nam.
Cuộc tọa đàm đặt vấn đề các địa phương tìm kiếm kinh nghiệm, lựa chọn mô hình nào hợp lý và có cần thống nhất một bộ chỉ số DDCI cho toàn quốc hay không? Nhiều đại biểu khẳng định DDCI trao quyền cho doanh nghiệp, tạo ra một kênh thông tin phản hồi rộng rãi, minh bạch và tin cậy để nhà đầu tư, doanh nghiệp đóng góp ý kiến.
Công cụ đo lường thúc đẩy cải cách mạnh mẽ, có thể giám sát hiệu quả, nâng cao trách nhiệm giải trình của cơ quan công quyền trong việc nắm bắt, giải quyết kịp thời các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính ngay từ cấp cơ sở, góp phần cải thiện thực chất chất lượng điều hành kinh tế.
Sự cạnh tranh, thi đua về chất lượng điều hành sẽ tạo động lực cải cách hành chính quyết liệt và đồng bộ hơn, tạo ra môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Minh chứng rõ nhất là Quảng Ninh sau 7 năm triển khai đã có 6 năm liền (2015 - 2020) dẫn đầu bảng xếp hạng PCI, trở thành lực hấp dẫn thu hút đầu tư mạnh nhất Việt Nam.
Kinh nghiệm gia tăng năng lực cạnh tranh của địa phương thông qua DDCI sẽ phụ thuộc vào 6 điểm chính. Đó là sự quan tâm chỉ đạo, ủng hộ thường xuyên của lãnh đạo tỉnh; cần đưa ra một bộ chỉ số mang tính khoa học, mỗi năm đều phải được điều chỉnh, tăng thêm hay lồng ghép những điểm mới trong khảo sát; các địa phương, sở ngành vào cuộc, lên phương án, kế hoạch thực hiện; sự vào cuộc giám sát khách quan của các hiệp hội doanh nghiệp với tuyên truyền cho thành viên hiệp hội; chất lượng bộ chỉ số khách quan, thuyết phục và một kênh quan trọng là truyền thông đến mọi tầng lớp.
Đánh giá năng lực cơ quan công quyền thông qua DDCI không còn là khuyến nghị mà chính thức trở thành yêu cầu từ Chính phủ. Hiện đã có 53/63 tỉnh, thành đã xây dựng và phát triển bộ chỉ số này.