Giải quyết "điểm nghẽn" về giao thông để miền núi phát triển

ALĂNG NGƯỚC 17/11/2021 20:06

(QNO) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại cuộc họp trực tuyến với 9 huyện miền núi vào chiều nay (17.11) để nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 trình tại kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khoá X.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện miền núi vào chiều nay 17.11. Ảnh: A.N
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh chủ trì cuộc họp trực tuyến với các huyện miền núi vào chiều nay 17.11. Ảnh: A.N

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, để xây dựng đề án phát triển miền núi, bên cạnh nhìn nhận thời cơ thách thức, cần phân tích, làm rõ các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội ở miền núi một cách cụ thể. Đồng thời đưa ra cơ chế chính sách cho miền núi một cách đồng bộ, trên cơ sở cụ thể hóa các nội dung Nghị quyết phát triển các huyện miền núi đã được Tỉnh ủy, HĐND tỉnh ban hành.

Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, để phát triển miền núi toàn diện, cùng với huy động nguồn lực, cần giải quyết dứt điểm các "điểm nghẽn" gây khó khăn về đường dân sinh, nhất là các trục quốc lộ, tạo cơ hội mở rộng phát triển giao thương cho miền núi. Ngoài ra, cần xây dựng cơ chế hướng tới nguồn lực kích thích, cách hỗ trợ phù hợp, không để tư tưởng chủ quan, ỷ lại.

Trên cơ sở quản lý chặt chẽ tài nguyên khoáng sản, cần phối hợp với các đơn vị liên quan thực hiện khai thác khoáng sản một cách bền vững, không tác động đến đời sống của người dân miền núi, cũng như gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Trong những năm tiếp theo, cần ưu tiên công tác bố trí, sắp xếp dân cư miền núi phù hợp với thực tiễn, đảm bảo an toàn phòng tránh thiên tai...

Để tạo cơ hội phát triển cho miền núi, Chủ tịch UBND tỉnh yều cần xóa “điểm nghẽn” về giao thông, giúp mở rộng giao thương, đi lại. Ảnh: A.N
Để tạo cơ hội phát triển cho miền núi, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh yều cần xóa “điểm nghẽn” về giao thông, giúp mở rộng giao thương, đi lại. Ảnh: A.N

Theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội miền núi giai đoạn 2016 - 2020 theo Nghị quyết 12/2017 của HĐND tỉnh, 15 chỉ tiêu đều có mức tăng trưởng và phát triển, song vẫn còn 6 chỉ tiêu chưa đạt mục tiêu đề ra tại thời điểm 2020. Một số địa phương có kết quả giảm nghèo chưa thật sự bền vững, tình trạng tái nghèo, phát sinh hộ nghèo mới vẫn còn. Trong khi đó, một số chính sách, dự án giảm nghèo được ban hành mức đầu tư còn dàn trải, mức hỗ trợ thấp, nguồn ngân sách chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu các quy định cụ thể về điều kiện hỗ trợ cho đối tượng hưởng lợi...

Vì thế, Đề án phát triển kinh tế - xã hội miền núi Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 đặt mục tiêu xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ và đầu tư để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng thu nhập, giải quyết việc làm cho người dân trong khu vực theo hướng phát triển chủ yếu từ kinh tế lâm nghiệp, dược liệu, chăn nuôi và các sản phẩm hàng hoá đặc hữu có lợi thế... với tổng nhu cầu đầu tư dự kiến 11.467 tỷ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Giải quyết "điểm nghẽn" về giao thông để miền núi phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO