Chuyện đầu tuần

Cho một tương lai xanh

LÊ VŨ 18/03/2024 07:44

Cuối tuần qua, tại TP.Tam Kỳ diễn ra Lễ khai mạc “Năm phục hồi đa dạng sinh học quốc gia - Quảng Nam 2024”. Sự kiện này thay cho lời khẳng định mạnh mẽ về cam kết của Quảng Nam trong bảo vệ đa dạng sinh học và phát triển bền vững.

20240315_195839.jpg
Tham quan trưng bày bảo vệ đa dạng sinh học tại Quảng trường 24/3. Ảnh: L.VŨ

Đa dạng sinh học là sự sống còn, nền tảng phát triển bền vững của xã hội. Tuy nhiên, đa dạng sinh học ở Việt Nam nói chung và tại Quảng Nam nói riêng đang bị tác động suy giảm do nhiều nguyên nhân, như biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khai thác tài nguyên thiên nhiên quá mức... Mà khởi sự dẫn đến những nguyên nhân trên đều bắt đầu từ chính hành động thiếu ý thức của con người.

Tham quan triển lãm đa dạng sinh học tại Quảng trường 24/3 (TP.Tam Kỳ), nhiều người không khỏi sửng sốt khi tiếp cận thông tin “12,3 triệu là số bẫy tại bất kỳ thời điểm nào trong các khu bảo tồn tại Việt Nam, Lào, Campuchia”.

Tại Quảng Nam thì sao?

Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn (Duy Xuyên) cho biết, trong năm 2023, qua công tác tuần tra đã phát hiện, tháo gỡ hơn 355 bẫy thú.

Cùng năm, người làm công tác giữ rừng huyện Tây Giang phát hiện hơn 3.000 chiếc bẫy thú giăng dưới những cánh rừng già… Hay tại Khu bảo tồn loài Sao la, các tổ bảo vệ rừng đã tháo gỡ hơn 29.300 bẫy thú các loại…

Còn bao nhiêu bẫy thú đang ẩn giấu đâu đó dưới những cánh rừng? Người viết bài này trong một lần lên đỉnh Ngọc Linh (huyện Nam Trà My) từng được nhân viên bảo vệ rừng chỉ cho thấy những chiếc bẫy thú nằm dưới lớp lá hay trên cành cây.

Rồi câu chuyện phá rừng, cháy rừng; đánh bắt thủy hải sản theo phương thức hủy diệt; rác thải, xả thải gây ô nhiễm môi trường… vẫn thường xuyên xuất hiện trên các phương tiện truyền thông.

Tất cả đang tác động tiêu cực đến tự nhiên, qua đó gián tiếp ảnh hưởng xấu đến môi trường sống.

Ở một góc nhìn khác, những con số, vấn đề trên cho thấy vẫn còn nhiều người chưa có được sinh kế bền vững dưới tán rừng. Trong xã hội vẫn còn nhu cầu lớn tiêu thụ thịt động vật hoang dã; loài càng quý hiếm giá càng cao; loài giá càng cao càng bị săn lùng đánh bắt.

Phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học, để thực hiện thành công, không chỉ phụ thuộc vào các biện pháp chính sách của Nhà nước. Chỉ khi mỗi người dân nhận ra tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học thì mới có thể đạt được một môi trường bền vững và sống hòa hợp với thiên nhiên.

Điều này tuy khó nhưng không phải là không thực hiện được. Ở Quảng Nam ngày càng xuất hiện nhiều “điểm sáng” với những cá nhân, tập thể giữ trong mình tình yêu thiên nhiên và quyết bảo vệ không gian ấy.

Đó là câu chuyện chị Alăng Thị Lệ tham gia nhóm bảo vệ rừng cộng đồng Bút Tưa (xã Sông Kôn, huyện Đông Giang), thông qua cảm nhận thực tế từ những cánh rừng trong mỗi chuyến tuần tra, chị truyền cảm hứng cho dân làng, giúp họ ý thức được tầm quan trọng của thiên nhiên và khuyến khích cộng đồng chung tay bảo tồn đa dạng sinh học.

Hay Đội tuần tra tháo gỡ bẫy dựa vào cộng đồng tại Tây Giang, thành viên đều trong độ tuổi 9X nhưng đã tổ chức hơn 250 ngày công tại thực địa, tháo gỡ tổng cộng 7.000 chiếc bẫy các loại. Xa hơn về phía biển là người dân xã đảo Tân Hiệp (Cù Lao Chàm, Hội An) với mô hình “Ngôi nhà đại dương” thu gom rác thải nhựa trên biển đưa về bờ...

Trở lại câu chuyện bảo vệ động vật hoang dã, trước hết cần tuyên truyền để xã hội nói “không” với tiêu thụ thịt động vật hoang dã. Còn người đánh bắt, nhận thức khó có thể lấn át yêu cầu mưu sinh, nên hiệu quả tuyên truyền nâng cao nhận thức chỉ có thể đạt kết quả khi hỗ trợ họ có sinh kế ổn định bền vững và nhu cầu tiêu thụ thịt động vật hoang dã trong xã hội không còn.

Phục hồi, bảo vệ đa dạng sinh học, hãy cùng bắt đầu từ những việc gần nhất với chúng ta, như sử dụng tiết kiệm năng lượng, nước; hạn chế sử dụng rác thải nhựa; tham gia trồng cây xanh; nói “không” với thịt thú rừng; lan tỏa những câu chuyện đẹp về bảo vệ đa dạng sinh học…, góp phần tạo dựng một môi trường sống xanh - sạch - đẹp cho hôm nay và mai sau.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cho một tương lai xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO