Không để xảy ra tình trạng thiếu hụt các khoản chi cho con người và chính sách an sinh xã hội; chủ động tiết kiệm chi, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư... Đây là những điểm “đặc biệt” của quản lý, điều hành cân đối ngân sách của tỉnh năm 2025.
Tăng thu, chi ngân sách
Quảng Nam công bố tổng nguồn thu ngân sách địa phương năm 2025 hơn 34.828 tỷ đồng. Ngân sách này đã bao gồm các khoản thu từ ngân sách cấp trên, thu chuyển nguồn và thu từ viện trợ không hoàn lại. Tổng dự toán chi ngân sách địa phương hơn 35.205 tỷ đồng. Bội chi ngân sách địa phương không đáng kể, khi chỉ “bù” khoảng 377 tỷ đồng.
Tổng thu ngân sách năm 2025 đã được ấn định là 25.000 tỷ đồng (4.200 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu). Tuy nhiên, số thuế thu từ xuất nhập khẩu nhiều hay ít chỉ liên quan đến “thành tích” kinh tế địa phương về tốc độ tăng trưởng, không ảnh hưởng nhiều đến nguồn lực dành chi tiêu cho địa phương so với số thu ngân sách nội địa (20.800 tỷ đồng). Theo phân tích của Sở Tài chính, dự toán thu nội địa tăng 3,5% so dự toán năm 2024, nhưng chỉ bằng 91,2% so số thực thu năm 2024.
Ông Đặng Phong - Giám đốc Sở Tài chính, hay ông Nguyễn Văn Tiếp - Cục trưởng Cục Thuế đều xác nhận khó có thể định lường chính xác diễn biến của thị trường, nền kinh tế. Không dễ thực hiện số thu như dự kiến, khi vẫn còn quá nhiều yếu tố bất lợi tác động đến nền kinh tế, ảnh hưởng đến nguồn thu.
Các năng lực sản xuất mới chưa thể phát sinh nguồn thu, ít có thêm địa chỉ để thu thuế. Các chính sách kích cầu (giảm thuế, giãn thuế, giảm 50% lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước...) chỉ trong vòng kiến nghị, chưa biết có tái tục hay không.
Số thuế nội địa có thu đủ hoặc tăng hay không chưa thể dự báo chính xác. Và số thu này, ngân sách địa phương chỉ được hưởng hơn 17.412 tỷ đồng. Ngược lại, chi ngân sách sẽ không giảm mà còn có thể gia tăng, khi năm 2025 có quá nhiều sự kiện cần rất nhiều nguồn lực để thực hiện.
Bên cạnh đó, Quảng Nam điều tiết về Trung ương 18%, địa phương phải tự cân đối, bảo đảm nguồn để trả nợ, thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo... Khoản kinh phí tự đảm bảo ấy rất lớn, sẽ tạo sức ép không nhỏ trong việc quản lý, điều hành, cân đối ngân sách địa phương.
Ông Nguyễn Văn Tiếp cho hay, sẽ thường xuyên theo dõi diễn biến thị trường, tiến độ thu ngân sách. Đồng thời phân tích, đánh giá tác động của các chính sách thuế, cũng như các tác động của thị trường ảnh hưởng đến nguồn thu ngân sách nhà nước, nhất là thu từ ô tô, thủy điện, Nam Hội An... kịp thời tham mưu UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo phù hợp. Các địa phương đã được yêu cầu thu ngân sách gia tăng tối thiểu khoảng 5-7% so thực hiện năm 2024.
Cơ quan thuế đã “hiến kế” cho UBND tỉnh kiến nghị Trung ương về việc tiếp tục thực hiện các chính sách (gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm tiền thuê đất, lệ phí trước bạ ô tô...). Tháo gỡ khó khăn bất động sản, điều chỉnh giá đất phù hợp, chống thất thu thuế bất động sản, khoáng sản, vận tải, xây dựng, giao dịch liên kết, thương mại điện tử, kinh doanh ban đêm...
Gỡ gánh nặng cân đối ngân sách
Áp lực cân đối luôn đè nặng lên vai ngân sách địa phương. Đứng trước sức ép này, Quảng Nam đã buộc rà soát, cân đối ngân sách. Các chương trình, kế hoạch, nghị quyết đều được cân nhắc, chỉ dành đầu tư cho những dự án cấp thiết, khả thi.
Tái cơ cấu các khoản chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang đầu tư phát triển. Các ngành, các cấp, địa phương phải chủ động rà soát nguồn lực tài chính, ngân sách, phải biết lượng hóa công trình, dự án, không để phát sinh dự án, đề án ngoài kế hoạch.
Một cơ chế quản lý, điều hành ngân sách đã được ban bố. Các địa phương được yêu cầu bố trí dự phòng ngân sách tối thiểu bằng 2%/tổng chi ngân sách mỗi cấp. Số thu không đạt dự toán thì xây dựng phương án điều chỉnh giảm chi tương ứng, cắt giảm hoặc giãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết.
Các sở, ngành, đơn vị căn cứ dự toán được phân bổ để thực hiện các chương trình, kế hoạch, dự án. UBND tỉnh xem xét, giải quyết những khoản chi thật sự bức xúc, vượt quá khả năng cân đối trong dự toán ngân sách đã giao cho đơn vị.
Các hội nghị, hội thảo, khánh tiết sắp xếp hiệu quả, tiết kiệm. Giám sát chặt trong quản lý chi ngân sách, chủ động sắp xếp chi thường xuyên, ưu tiên các nhiệm vụ quan trọng, bảo đảm nguồn lực thực hiện các chính sách an sinh xã hội, điều chỉnh tiền lương.
Không để xảy ra tình trạng nợ lương cán bộ, công chức, viên chức, các khoản chi cho con người và chính sách đảm bảo xã hội theo chế độ. Chủ động tiết kiệm chi thường xuyên để bổ sung cho các địa phương đầu tư xây dựng các dự án bức thiết, định hướng giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng chi đầu tư.
Các địa phương đẩy mạnh thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi, nhất là chi sự nghiệp có tính chất đầu tư, để bố trí cho đầu tư. Ngày 17/2/2025, UBND tỉnh có văn bản yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường quản lý thu ngân sách.
Điều hành chi ngân sách chủ động, tiết kiệm, siết chặt kỷ cương, nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Kiên quyết cắt giảm các khoản chi thường xuyên không cần thiết để dành cho chi đầu tư phát triển và an sinh xã hội...
Ông Đặng Phong cho hay, chi ngân sách sẽ được bám sát theo dự toán, tiến độ thu. Hàng tháng, hàng quý đánh giá khả năng thu để chủ động điều hành, cân đối chi ngân sách. Nền kinh tế dù có diễn biến bất kỳ tình huống nào thì địa phương cũng sẽ cân đối được ngân sách, không cắt giảm khoản chi tiêu nào trong dự toán đã được duyệt.
Nếu bất khả kháng, thu cân đối ngân sách dự kiến giảm thì sẽ chủ động xây dựng phương án điều chỉnh giảm chi tương ứng. Chỉ cắt giảm, giãn những nhiệm vụ chi chưa thực sự cấp thiết. Các địa phương, cơ quan không đề xuất ban hành các chính sách thiếu, không đúng, không sát với thực tế và thiếu nguồn lực thực hiện.