Chính trị

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng: "Phải vào cuộc giải quyết rốt ráo kiến nghị của doanh nghiệp"

DIỄM LỆ (diemle288@gmail.com) 24/02/2025 08:44

Trong các cuộc thăm, làm việc với doanh nghiệp vào cuối tuần qua, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng yêu cầu “phải vào cuộc giải quyết rốt ráo kiến nghị của doanh nghiệp” bằng cách ấn định thời hạn giải quyết cụ thể, dám chịu trách nhiệm trong giải quyết công việc vì một Quảng Nam phát triển.

anh3.jpg
Ông Nguyễn Lành - Giám đốc UID kiến nghị UBND tỉnh tháo gỡ vướng mắc để KCN Điện Nam - Điện Ngọc thuận lợi hơn trong thu hút đầu tư. Ảnh: DIỄM LỆ

Lắng nghe từ doanh nghiệp

Tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn), Công ty CP Phát triển đô thị & khu công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng (UID) trong cả 2 giai đoạn đã thu hút 76 dự án đầu tư, tổng vốn đăng ký hơn 3.763 tỷ đồng và 585,9 triệu USD. Công tác quản lý bảo vệ môi trường tại đây đã được thanh tra và kết luận thực hiện tốt.

Tại cuộc làm việc của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng, ông Nguyễn Lành - Giám đốc UID kiến nghị: “Nay đến hạn làm lại giấy phép môi trường, UID cần phải điều chỉnh quy hoạch, giảm quy mô KCN từ 390ha xuống còn 357ha theo chủ trương của Chính phủ và UBND tỉnh.

Chúng tôi sợ sự chồng chéo luật mới luật cũ, quá trình chuyển giao sắp xếp sẽ ảnh hưởng đến tiến độ nên mong lãnh đạo tỉnh quan tâm tháo điểm nghẽn này. Điều khác, Đồn Công an KCN Điện Nam - Điện Ngọc nay đã thành đồn của phường, nay ngành công an có chủ trương rút đồn này.

Trong khi công nhân lao động năm 2025 sẽ tăng lên thành 35 nghìn lao động, khi Công ty Quốc Quang tăng thêm 10 nghìn lao động sản xuất ở dự án đang xây dựng. Chúng tôi lo vấn đề an ninh trật tự sẽ phức tạp khi không có Đồn công an. Mong lãnh đạo tỉnh có ý kiến với ngành công an để đồn tiếp tục duy trì, đảm bảo an toàn của KCN trọng điểm phía Bắc của tỉnh”.

Ông Lành cũng lo lắng thủ tục rườm rà sẽ ảnh hưởng đến việc kêu gọi thu hút đầu tư. Trong tháng 3, có 3 nhà đầu tư từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc đến khảo sát để xúc tiến các dự án làm ống mềm ngành cấp nước xuất khẩu, phụ tùng ô tô.

Chủ đầu tư chú trọng đến nhà đầu tư ổn về tài chính, quản trị, công nghệ, tiêu thụ sản phẩm để kêu gọi, nhưng nếu thủ tục chậm họ sẽ rời đi đến một tỉnh thành khác hoặc đất nước khác, nên mong tỉnh hỗ trợ tích cực để chủ đầu tư thu hút được các dự án tiềm năng.

Ở TP.Tam Kỳ, KCN Tam Thăng có quy mô 197,1ha được triển khai đầu tư từ năm 2015. Đến nay, KCN Tam Thăng đã có 25 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký 356,6 tỷ đồng và khoảng 763,5 triệu USD.

Hiện nay, do chưa xác định được giá đất nên một số dự án đầu tư ở KCN Tam Thăng chưa thể cho các doanh nghiệp thuê đất đầu tư dự án. Như dự án Panko Plaza do Công ty Panko E&D làm chủ đầu tư; hay dự án mở rộng giai đoạn 2 của Công ty TNHH HS Hyosung.

Ông Park Jung Kon - Tổng Giám đốc Công ty TNHH HS Hyosung kiến nghị: “HS Hyosung đã đầu tư và vận hành 2 dự án, diện tích gần 40ha và quy mô đầu tư đạt 452 triệu USD. HS Hyosung có kế hoạch mở rộng quy mô đầu tư hiện hữu, đồng thời sẽ xúc tiến các dự án trong năm 2025 như dự án vải mành, vải túi khí, nội thất, đưa tổng quy mô đầu tư tại Quảng Nam đạt 1.340 triệu USD, nhu cầu tuyển dụng các vị trí nhân sự cũng tăng cao trong năm này. Nhưng việc mở rộng đang gặp khó trong xác định giá đất công nghiệp cho thuê nên chưa thực hiện được. Các kiến nghị liên quan đến Chính phủ thì chúng tôi đã kiến nghị giải quyết trong đợt làm việc của Thủ tướng tại Quảng Nam”.

Giải quyết dứt điểm

Làm việc với các doanh nghiệp (DN), Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng khẳng định: Quảng Nam luôn vào cuộc, đồng hành, hỗ trợ DN giải quyết khó khăn, vướng mắc để phát triển bền vững cùng với tỉnh.

anh1.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng cùng đoàn công tác tìm hiểu về sản phẩm của Công ty TNHH HS Hyosung. Ảnh: DIỄM LỆ

Đặc biệt trong năm này đã có sự khởi động khả quan khi ngay từ đầu năm, Thủ tướng Chính phủ đã đến thăm, làm việc, lắng nghe kiến nghị của Quảng Nam và có thông báo kết luận yêu cầu các bộ, ngành phối hợp với tỉnh giải quyết.

“Trong phần trách nhiệm của tỉnh, nếu vấn đề thuộc thẩm quyền, UBND tỉnh sẽ có quy định cụ thể trong việc giải quyết kiến nghị của DN, chủ đầu tư. Vấn đề cần ý kiến sở, ngành thì sẽ quy định trong vòng 7 ngày từ khi nhận được văn bản phải giải quyết để DN tiến hành các công việc liên quan, không để chậm trễ.

Nếu cần cấp Giấy phép đầu tư mà liên quan đến việc xin ý kiến Trung ương thì tỉnh cũng quy định chỉ trong vòng 1 tháng phải cấp phép đầu tư khi không có vướng mắc, đúng quy định pháp luật, tuyệt đối không để qua tháng thứ 2. Hệ thống cơ quan của tỉnh khi làm việc phải nhiệt huyết, quyết liệt, khẩn trương, không cố tình chậm trễ làm phiền hà, khiến nhà đầu tư nản chí” - Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Đối với các kiến nghị của Công ty CP Phát triển đô thị & Khu công nghiệp Quảng Nam - Đà Nẵng, ngay trong tuần làm việc này, UBND tỉnh sẽ yêu cầu sở, ngành liên quan giải quyết vấn đề giấy phép môi trường.

Về việc kiến nghị để lại Đồn Công an tại KCN Điện Nam - Điện Ngọc, lãnh đạo UBND tỉnh sẽ trao đổi với Giám đốc Công an tỉnh để tháo gỡ. Riêng 3 dự án của các nhà đầu tư mà UID đã báo cáo, nếu chắc chắn, làm nhanh các thủ tục khảo sát, thì trước khi tỉnh tiến hành hội nghị xúc tiến đầu tư, UID báo cáo cụ thể, nếu đủ điều kiện thì đưa vào chương trình hội nghị để ký kết thỏa thuận đầu tư, khởi động tạo khí thế sôi nổi hơn.

Kiến nghị về các dự án liên quan đến xác định giá đất tại KCN Tam Thăng và KCN Tam Thăng mở rộng, UBND tỉnh giao sở, ngành liên quan phối hợp giải quyết. Khung giá đất sẽ được ban hành trước tháng 6/2025, làm cơ sở để kịp thời giải quyết các vướng mắc của DN. Những dự án lớn đang xúc tiến đầu tư vào tỉnh được khởi động sẽ tạo bước chuyển mạnh mẽ trong thu hút đầu tư của tỉnh năm 2025.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Văn Dũng: "Phải vào cuộc giải quyết rốt ráo kiến nghị của doanh nghiệp"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO