Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở Điện Bàn đã mang lại những kết quả bước đầu khá khả quan.
Nhiều sản phẩm OCOP
Năm 2018, “Dầu phụng Đất Quảng” của Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Quang và “Gạo sạch hữu cơ Phong Thử” của Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn được UBND tỉnh công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh. Đó là cơ sở và động lực để năm 2019 Điện Bàn tiếp tục đăng ký 6 sản phẩm của 5 chủ thể tham gia thực hiện Chương trình OCOP, gồm: Giá treo và bảo chúng nhỏ của Công ty TNHH Làng đúc Phước Kiều (Điện Phương), đèn nhật nguyệt của Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Phong), bộ thờ cúng gia tiên của Công ty TNHH Mộc mỹ nghệ Nguyễn Văn Tiếp (Điện Phương), bột ngũ cốc của Cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương Bột (Vĩnh Điện), nước mắm Hà Quảng, mắm ruốc Hà Quảng của Cơ sở Trần Thị Thuận (Điện Dương).
Ông Nguyễn Đức Chơi - Trưởng phòng Kinh tế Điện Bàn cho biết, để thực hiện Chương trình OCOP mang lại hiệu quả cao, năm 2019 ngành liên quan và chính quyền các địa phương của thị xã nỗ lực triển khai nhiều phần việc. Bên cạnh tham mưu UBND thị xã chỉ đạo các xã, phường tập trung củng cố, kiện toàn bộ phận tổ chức thực hiện Chương trình OCOP, Phòng Kinh tế phối hợp sản xuất 6 phóng sự cho 6 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP năm 2019 để phát trên sóng Đài Truyền thanh - truyền hình Điện Bàn và Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam. Cùng với đó, tổ chức 2 lớp tập huấn nhằm nâng cao năng lực hỗ trợ, tư vấn trực tiếp cho các tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP. Đồng thời tạo điều kiện cho các cơ sở tham gia trưng bày, giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ thương mại Festival Di sản Quảng Nam do Sở Công Thương tổ chức tại TP.Hội An vào tháng 9.2019.
Ngoài gần 247 triệu đồng do các chủ cơ sở tự bỏ ra, trong năm 2019 UBND thị xã Điện Bàn đã giải ngân 608 triệu đồng hỗ trợ theo cơ chế của Chương trình OCOP cho các chủ thể đăng ký tham gia thực hiện 6 sản phẩm nêu trên. Cả 2 nguồn kinh phí đó, các cơ sở chủ yếu đầu tư nâng cấp và mở rộng nhà xưởng, lắp đặt thêm hệ thống máy móc và thiết bị phục vụ sản xuất. Đặc biệt là, hoàn thiện mẫu mã, bao bì, nhãn mác cũng như đăng ký kiểm định chất lượng, công bố chất lượng sản phẩm, xây dựng các trang thông tin điện tử...
“Nhờ nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều khâu, qua các bước chấm chọn ở cấp thị xã và cấp tỉnh, cả 6 sản phẩm của 5 chủ thể đăng ký tham gia chương trình đều được UBND tỉnh xếp hạng sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao năm 2019” - ông Chơi nói.
Đồng bộ nhiều giải pháp
Theo mục tiêu đặt ra, năm 2020 Điện Bàn tiếp tục hỗ trợ 6 chủ thể phát triển 7 sản phẩm OCOP mới. Đó là, bộ đèn “thôn nữ” của Công ty TNHH Gỗ nghệ thuật Âu Lạc (Điện Phong), sữa bắp Thu Bồn của Hợp tác xã Nông nghiệp Điện Phước 2 (Điện Phước), ly gỗ lưu niệm của Cơ sở Uy Long (Điện Phương), trà đậu rang mộc của Cơ sở sản xuất sản phẩm xanh Hương Bột (Vĩnh Điện), bánh khô mè của Cơ sở Bà Ly (Điện Phương), chả nấm bào ngư và snack nấm bào ngư của Cơ sở Chương Nguyễn (Điện Thắng Nam).
Ông Nguyễn Đức Chơi cho biết, để mang lại thành công lớn trong năm 2020 và những năm tiếp theo, bên cạnh tích cực tư vấn, hỗ trợ củng cố bộ máy của các tổ chức kinh tế tham gia chương trình, những đơn vị liên quan của thị xã sẽ phối hợp tổ chức tuyên truyền về chương trình OCOP trên các phương tiện thông tin đại chúng.
“Thị xã cũng sẽ kiện toàn, hoàn thiện và vận hành hiệu quả hệ thống tổ chức thực hiện Chương trình OCOP từ thị xã đến xã, phường nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế cộng đồng phát triển và thương mại hóa sản phẩm truyền thông. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho cán bộ phụ trách Chương trình OCOP của các phòng, ban, ngành cấp thị xã và các hội, đoàn thể cấp xã, phường về chu trình OCOP thường niên; kỹ năng tuyên truyền - hỗ trợ - tư vấn trực tiếp cho các tổ chức kinh tế tham gia chương trình xung quanh khâu hoàn thiện sản phẩm, lập hồ sơ OCOP; công tác quản lý, triển khai chương trình; cách đánh giá, xếp hạng sản phẩm OCOP hàng năm” - ông Chơi nói.
Ông Nguyễn Đức Chơi cho biết thêm, đối với 7 sản phẩm đăng ký tham gia Chương trình OCOP năm 2020 và 8 sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP 3 sao cấp tỉnh trong 2 năm 2018 - 2019 cần tiếp tục nâng hạng sao, các đơn vị liên quan sẽ phối hợp hỗ trợ nhiều phần việc cụ thể. Trong đó, hỗ trợ hoàn thiện phiếu đăng ký sản phẩm, phương án kinh doanh; hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động sản xuất - kinh doanh; tư vấn hoàn thiện nhà xưởng, máy móc, thiết bị; hỗ trợ đánh giá sản phẩm, điều chỉnh sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu thị trường; tư vấn củng cố hoàn thiện hồ sơ sản phẩm khi tổ chức đánh giá; tư vấn hoàn thiện bộ nhận diện thương hiệu sản phẩm…
Cạnh đó, linh hoạt bố trí sử dụng nguồn vốn sự nghiệp khoa học - công nghệ hàng năm nhằm hỗ trợ các tổ chức kinh tế nghiên cứu và ứng dụng khoa học - công nghệ trong phát triển sản xuất sản phẩm. Đồng thời hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã thực hiện việc xây dựng, quản lý nhãn hiệu, mẫu mã bao bì sản phẩm hàng hóa, đăng ký bảo hộ, sở hữu trí tuệ nhãn hiệu sản phẩm. Đặc biệt, đẩy mạnh việc hỗ trợ quảng bá các sản phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng và các loại hình khác, tổ chức kết nối thị trường và hỗ trợ tham gia các hội chợ triển lãm tại những tỉnh, thành trên toàn quốc.