Chuyển động để chuyển đổi số

TRƯỜNG ĐỒNG 26/07/2021 07:17

Quảng Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình, hoạt động thúc đẩy chuyển đổi số và xác định đây sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội trong thời đại công nghệ lên ngôi.

Với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, chuyển đổi số ở Quảng Nam bước đầu đạt được một số kết quả. Đặc biệt, việc triển khai cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho người dân, doanh nghiệp đã đạt 41%, hiệu quả được nâng cao.

Các đơn vị đã kết nối với hệ thống thanh toán trực tuyến Chính phủ, cho phép người dân, doanh nghiệp thực hiện các giao dịch trực tuyến mức độ 4 thuận tiện, tiết kiệm thời gian, chi phí giải quyết thủ tục hành chính.

Trong năm 2020, Quảng Nam đã chính thức triển khai các hệ thống quan trọng của Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh (IOC), nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh (LGSP), hệ thống thông tin báo cáo cấp tỉnh (LRIS), góp phần hoàn thiện nền tảng Chính quyền điện tử của tỉnh...

Đầu năm 2021 Quảng Nam triển khai ứng dụng Smart Quang Nam kết nối người dân với chính quyền; đưa vào hoạt động Tổng đài Thông tin dịch vụ công (1022) tiếp nhận, xử lý và trả lời thông tin của người dân, doanh nghiệp...

Tuy nhiên, chỉ có sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh chưa thể thực hiện thành công chuyển đổi số khi các ngành, địa phương thuộc tỉnh vẫn chưa thực sự vào cuộc, chưa chuyển động mạnh.

Điển hình là tuần qua UBND tỉnh có Công văn số 4516 yêu cầu các địa phương, đơn vị khẩn trương hoàn thành kế hoạch cung cấp 100% dịch vụ công (DVC) trực tuyến đủ điều kiện lên mức độ 4 năm 2021.

Đây là công văn đôn đốc thực hiện Kế hoạch số 2714/KH-UBND, ngày 11.5.2021 của UBND tỉnh, về cung cấp DVC trực tuyến lên mức độ 4 của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Nam năm 2021; đồng thời tăng cường tích hợp các DVC tỉnh vào Cổng DVC quốc gia tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ; tăng cường khả năng thanh toán phí, lệ phí qua môi trường mạng…

Một trong những chỉ tiêu quan trọng nhất của phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số là tỷ lệ DVC được cung cấp trực tuyến mức độ 4. Tuy nhiên, thời gian qua DVC trực tuyến mức độ 4 do tỉnh cung cấp đạt tỷ lệ rất thấp (khoảng 148 DVC), chất lượng DVC trực tuyến chưa cao, người dân vẫn phải cung cấp, kê khai thông tin nhiều lần, thủ công...

Và dù UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện, nhưng theo đánh giá tại Công văn số 4516 thì “hầu hết các nhóm công việc giao cho cơ quan, đơn vị, địa phương và Sở Thông tin - Truyền thông tại Kế hoạch 2714 triển khai chưa đúng tiến độ”.

Vậy nên, tại Công văn số 4516, lần này UBND tỉnh giao thời hạn cụ thể cho từng đầu việc. Riêng trong tuần này, chậm nhất đến 30.7, các sở, ban, ngành thuộc tỉnh và UBND địa phương cấp huyện phải đưa tối đa các thủ tục hành chính đủ điều kiện lên DVC trực tuyến mức độ 4; đồng thời ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào giải quyết thủ tục hành chính; chỉ đạo Bộ phận một cửa tiếp nhận hồ sơ trực tuyến do người dân, doanh nghiệp gửi đến Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh để xử lý. Sở Thông tin - Truyền thông tổng hợp danh sách DVC đủ điều kiện lên mức độ 4 gửi về Văn phòng UBND để rà soát trình UBND tỉnh phê duyệt trước ngày 30.7.2021...

Từ năm 2021 việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh xoay quanh “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.

Mỗi tập thể, cá nhân - nhất là người đứng đầu nếu luôn mang tinh thần “ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển”, khơi dậy được quyết tâm, nghị lực, góp phần vào sự phát triển của tỉnh bằng chính nội lực của mình... thì sẽ không còn những công văn nhắc việc hay phải thành lập các tổ kiểm tra đôn đốc thực hiện nhiệm vụ của UBND tỉnh.

Và có lẽ, cũng vì hy vọng vào “ý chí tự lực, tự cường” đó mà Công văn số 4516 của UBND tỉnh dù giao thời hạn hoàn thành nhiệm vụ cụ thể cho các sở ngành, địa phương nhưng không đề cập đến chế tài xử lý nếu không hoàn thành đúng tiến độ.

Ngày 30.7 đã cận kề...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển động để chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO