Chuyển đổi số và tư duy người lãnh đạo

VINH ANH 25/11/2022 08:25

“Tư duy người lãnh đạo đóng vai trò quyết định đến chuyển đổi số (CĐS). Người lãnh đạo phải nhận thức đúng đắn tầm quan trọng của CĐS, mạnh dạn, đi đầu thay đổi tư duy, ứng dụng CĐS trong lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện công việc hàng ngày”.

TS.Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: VINH ANH
TS.Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: VINH ANH

Đó là những chia sẻ của TS.Trần Quý - Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam khi tham gia báo cáo viên tại Hội nghị trực tuyến tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng số cho lãnh đạo, cán bộ cơ quan đảng, nhà nước từ tỉnh đến cơ sở do UBND tỉnh vừa tổ chức.

Nhận thức đúng về chuyển đổi số

Theo TS.Trần Quý, trong 2 - 3 năm trở lại đây, ở Việt Nam đi đâu cũng nghe CĐS. Người người CĐS, nhà nhà CĐS. Tuy nhiên, để hiểu bản chất vì sao CĐS và CĐS như thế nào thì chưa nhiều người hiểu rõ. Hiện nay, CĐS tại cơ quan nhà nước, trong các ngành, lĩnh vực đã bắt đầu diễn ra nhưng chưa mang tính toàn diện.

TS.Trần Quý cho biết, CĐS là quá trình thay đổi tổng thể và toàn diện của cá nhân, tổ chức về cách sống, cách làm việc và phương thức sản xuất dựa trên môi trường số, công nghệ số.

CĐS có 3 cấp độ gồm số hóa thông tin, khai thác cơ hội và CĐS. Số hóa và CĐS có sự giống nhau về yếu tố con người và giá trị bền vững. Khác với số hóa, CĐS không đơn giản chỉ đòi hỏi áp dụng thật nhiều công nghệ tiên tiến vào quy trình vận hành.

“Nếu xem số hóa dữ liệu và số hóa quy trình là bước thứ nhất và thứ hai thì CĐS sẽ là bước thứ ba trong công cuộc bứt phá của doanh nghiệp trong nền kinh tế 4.0” - TS.Trần Quý nói.

Theo TS.Trần Quý, một trong những động lực của CĐS là xã hội 5.0 - thời kỳ của xã hội thông minh. Xã hội 5.0 là lấy con người làm trung tâm, tập trung phát triển kinh tế đi đôi với giải quyết các vấn đề xã hội bằng hệ thống tích hợp cao giữa không gian ảo và không gian thực.

Tại hội nghị tập huấn, báo cáo viên chỉ ra 5 trụ cột của năng lực số, đó là văn hóa và chiến lược số; tương tác công dân/khách hàng; quy trình và đổi mới; công nghệ; dữ liệu và phân tích.

Từ đó hướng đến 3 mục tiêu CĐS gồm: trải nghiệm người dân/khách hàng; quy trình điều hành/vận hành/kinh doanh; mô hình vận hành/kinh doanh.

TS.Trần Quý cho rằng, CĐS không chỉ là vấn đề công nghệ mà còn là vấn đề nhận thức và thói quen. Thay đổi thói quen là khó khăn lớn nhất của CĐS. Nhận thức và nhận thức đúng là thách thức lớn nhất với CĐS.

CĐS thực chất là một công cuộc thay đổi mang tính cách mạng, do đó nếu không có nhận thức sâu sắc thì không thể làm được.

Tư duy người lãnh đạo

Bên cạnh nhận thức đúng, để CĐS nhanh, hiệu quả thì đầu tiên phải từ người lãnh đạo. Cần phải chuyển đổi tư duy, nhận thức CĐS của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan, đơn vị.

“Mọi người vẫn nói muốn làm CĐS thì phải có kiến thức, hiểu sâu về IT, viễn thông, số… Không phải, để CĐS được phải từ tư duy lãnh đạo có muốn CĐS hay không. Người lãnh đạo phải hiểu được vai trò, quan trọng của CĐS. Họ không cần có kiến thức quá sâu về CĐS mà phải có tư duy CĐS. Nếu người lãnh đạo không dám thay đổi, không muốn thay đổi thì không ai muốn thay đổi” - TS.Trần Quý chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VINH ANH
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu phát biểu tại hội nghị. Ảnh: VINH ANH

Nói đến vai của người lãnh đạo trong CĐS, TS.Trần Quý lấy ví dụ, từ đầu năm đến nay, khi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đích thân làm Trưởng ban Chỉ đạo CĐS quốc gia thì rõ ràng quá trình CĐS thay đổi nhiều và tác động mạnh hơn so với trước. Điều đó càng khẳng định tư duy người đứng đầu về CĐS. Bởi vậy nhiều địa phương đã sớm tổ chức các lớp đào tạo CĐS cho lãnh đạo, cán bộ, trước khi tổ chức cho các đối tượng khác.

Phát biểu sau hội nghị tập huấn, bà Phạm Thị Ngọc Quyên - Phó Giám đốc Sở TT-TT chia sẻ, thời gian qua chúng ta nói nhiều, làm nhiều về CĐS. Theo chủ trương, chỉ đạo cứ “a vô” mà làm, tuy nhiên còn khá ít thời gian để nghe, nghiên cứu kỹ về CĐS. Mỗi lớp tập huấn, bồi dưỡng được triển khai là một lần được hiểu rõ hơn về CĐS và cách triển khai.

Nhấn mạnh ý nghĩa của các lớp tập huấn bồi dưỡng kỹ năng số, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết thời gian qua, Quảng Nam đã chủ trương tổ chức các lớp đào tạo online về nâng cao nhận thức CĐS cho công chức, viên chức, với quy mô hàng trăm người/lớp. Bên cạnh đó, Sở TT-TT cũng chủ trì phối hợp với các doanh nghiệp xuống cơ sở để tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng số cho người dân, cán bộ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu nhấn mạnh, CĐS là chủ trương được triển khai mạnh mẽ từ cấp cao nhất của tỉnh đến cấp xã. CĐS là xu thế, nếu không CĐS sẽ tụt hậu. Do đó, công tác tập huấn, bồi dưỡng về CĐS cần được thực hiện thường xuyên, liên tục ở từng cấp, ngành nhằm giúp cán bộ hiểu hơn, làm tốt công tác CĐS trong thời gian đến. 

“Theo kế hoạch, trong năm 2023, tỉnh sẽ giao Sở Nội vụ tiếp tục tổ chức các tập huấn, nâng cao nhận thức CĐS cho toàn bộ công chức, viên chức của tỉnh và dự kiến mở rộng ra cho tổ công nghệ số cộng đồng. Không chỉ mỗi cấp tỉnh làm, cấp huyện cũng cần tổ chức tập huấn cho huyện, xã, vì nó gắn với lợi ích từng địa phương” - ông Bửu cho hay.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển đổi số và tư duy người lãnh đạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO