Câu chuyện khởi nghiệp

Chuyện hai người trẻ sáng tạo

MỸ LINH - HỒ QUÂN 13/02/2024 15:34

(QNO) – Áp dụng thành quả nghiên cứu của mình để giải quyết những vấn đề trong đời sống, phát triển thành những dự án kinh tế với khả năng mang lại doanh thu cao, rất nhiều dự án, mô hình của người trẻ xứ Quảng ra đời và mang hiệu quả tích cực. Hãy cùng Báo Quảng Nam làm quen với hai gương mặt trẻ tiêu biểu là anh Nguyễn Quốc Vương và Dương Quang Kiều.

cover-1-.png

Áp dụng thành quả nghiên cứu của mình để giải quyết những vấn đề trong đời sống, phát triển thành những dự án kinh tế với khả năng mang lại doanh thu cao, rất nhiều dự án, mô hình của người trẻ xứ Quảng ra đời và mang hiệu quả tích cực. Hãy cùng Báo Quảng Nam làm quen với hai gương mặt trẻ tiêu biểu là anh Nguyễn Quốc Vương và Dương Quang Kiều.

7-a-tit-2.png

Đây là dự án được anh Dương Quang Kiều (Cơ sở chế tạo máy Thủy Sơn Năng, phường Hòa Hương, TP.Tam Kỳ) thực hiện hơn một năm nay tại vùng cao Nam Trà My. Những bếp lửa đỏ rực trong đêm đông tạo ra nguồn nước nóng để phục vụ sinh hoạt của người dân vùng núi.

d_q_k_2.jpg
Anh Dương Quang Kiều đạt giải Nhì hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Quảng Nam năm 2022 - 2023 với dự án Bếp nước nóng miền quê Việt.
d_q_k_16.jpg
Hệ thống Bếp nước nóng miền quê Việt.

Anh Kiều nhớ lại, hơn một năm trước, trong một chuyến trải nghiệm thực tế trên vùng cao Nam Trà My, anh cùng những người bạn lưu lại vườn sâm Ngọc Linh để khám phá vẻ đẹp nơi đây. Nhưng điều làm mọi người e ngại nhất là cái giá rét về đêm, không còn cách nào khác phải tắm rửa với nguồn nước lạnh buốt từ khe núi chảy về.

8.png

Những ngày ở vùng núi Ngọc Linh, chàng kỹ sư điện - điện tử này luôn để tâm đi tìm chất liệu để tạo ra năng lượng. Anh nhớ lại bếp củi của mẹ ngày nào và nghĩ đến vệc phát huy công năng từ bếp củi truyền thống này. Sau thời gian tìm hiểu nguyên lý đối lưu nhiệt, anh Kiều hoàn thành hệ thống bếp củi tạo nước nóng Miền quê Việt (tên gọi khác là bếp nước nóng T-sona).

7-cum-2.png
Anh Dương Quang Kiều lắp đặt hệ thống bếp nước nóng.

“Bếp củi kiềng 3 chân của đồng bào mình trống xung quanh, khi đốt củi sinh ra lượng nhiệt thừa rất lớn. Tôi nghiên cứu tận dụng lượng nhiệt thừa này để làm nóng nước và đưa lên bồn trữ bằng cách thiết kế bếp kín và bồn chứa nước. Khi nấu ăn trên bếp này, nhiệt thừa trong bếp sẽ làm nóng nước. Khi đến nhiệt độ cần thiết thì nước nóng sẽ di chuyển ngược lên bồn, hòa chung với nước lạnh trên bồn và nước lạnh lại tự động cấp vào trong bếp. Cứ như vậy, nước trong bồn sẽ nóng dần lên và lưu trữ để sử dụng lâu dài” - anh Kiều nói.

9-cum-3.png
Chỉ cần nấu ăn, bếp sẽ tạo ra nước nóng để sử dụng.

Hệ thống bếp nước nóng T-sona gồm bếp đôi, bồn bảo ôn bằng inox với dung tích 75 lít và 150 lít, đường ống dẫn nước, bộ điều áp cấp nước, được lắp ráp một cách dễ dàng. Chỉ cần 3 phút đun nước đã có bồn nước nóng sử dụng trong 3 ngày liên tiếp. Đặc biệt, hệ thống bếp nước nóng T-sona còn trang bị thêm bộ lọc 3 cấp để có nguồn nước sạch sử dụng cho sinh hoạt.

11.png

Sản phẩm đầu tiên anh lắp đặt thử nghiệm tại vườn sâm Ngọc Linh, mọi người đều vui mừng khi lần đầu được tắm rửa thoải mái với nước nóng. Thành công này khiến anh thêm quyết tâm lan tỏa sản phẩm đến cộng đồng.

Được sự tiếp sức của thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ, anh Kiều lắp ráp hệ thống bếp nước nóng tại các điểm trường mẫu giáo Măng Liệt, Mang Dí, Mang Lùng và một số hộ trồng sâm tại huyện Nam Trà My.

10-cum-4.png
Người lớn, trẻ em ở vùng cao Nam Trà My được sử dụng nước nóng tạo ra từ hệ thống bếp nước nóng.

Nhìn học trò của mình được sử dụng nguồn nước sạch và nóng ấm, thầy giáo Nguyễn Trần Vỹ như vỡ òa cảm xúc, vì tâm nguyện bao lâu nay của người thầy gắn với học trò vùng cao là mang đến cuộc sống tốt đẹp hơn cho các con đã thành hiện thực.

12.png

Năm 2023, hệ thống bếp củi tạo nước nóng miền quê Việt của anh Dương Quang Kiều đạt giải Nhì (không có giải Nhất) cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật tỉnh Quảng Nam. Đây là một sự ghi nhận xứng đáng cho sự sáng tạo và trái tim nhân ái vì cộng đồng của anh.

Những vùng quê nông thôn, miền núi Quảng Nam nói riêng và Việt Nam nói chung vẫn còn rất khó khăn, để có được nguồn nước sạch sinh hoạt đã khó, nên có được nước ấm sử dụng càng khó hơn. Những gì hệ thống bếp nước nóng T-sona kỳ vọng sẽ giúp bà con thuận tiện nhiều hơn trong sinh hoạt hằng ngày và nâng cao chất lượng cuộc sống.

[VIDEO] - Anh Dương Quang Kiều chia sẻ về hệ hống bếp nước nóng làng quê Việt.

1-tit-1.png

Gặp gỡ Nguyễn Quốc Vương (ở xã Đại Tân, Đại Lộc) - người vừa xuất sắc đạt giải nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2023 với dự án “AWT-Carbon”, chúng tôi không khỏi ấn tượng bởi với tuổi đời 24, anh đã miệt mài theo đuổi dự án nhiều năm miệt mài ở Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng và đã áp dụng thực tế tại nhiều địa phương trong nước.

n_q_v_4.jpg
Dự án “AWT-Carbon” của Nguyễn Quốc Vương nhận giải Nhất Chương trình Phát triển dự án khởi nghiệp quốc gia năm 2023. Ảnh: Báo Diễn đàn doanh nghiệp
2-tit-phu-1.png

Chia sẻ hành trình đến với dự án, Vương nói cơ duyên bắt đầu từ niềm đam mê với hóa học. Khi trở thành sinh viên Khoa Hóa - Trường Đại học Bách Khoa Đà Nẵng, Vương có cơ hội tham gia sâu hơn những nghiên cứu ứng dụng của tảo. Năm 2019, dự án lớn đầu tiên của chàng trai này là nuôi tảo trong hầm biogas để tạo dầu diesel. Song kết quả thực tế lại không như mong đợi, Vương khép lại dự án này tìm hướng đi mới.

“Rút kinh nghiệm từ nghiên cứu trước, tôi bắt tay vào nghiên cứu các ứng dụng của tảo để giải quyết những vấn đề bức thiết của xã hội và tạo ra giá trị bền vững. Sau một thời gian ngắn, tôi nhận thấy tiềm năng lớn của việc nuôi trồng vi tảo xử lý nước thải thủy sản. Phương pháp này vừa giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vừa có thể thu sinh khối tảo tạo ra nhiều nguồn thu phụ khác, hoàn toàn phù hợp với xu hướng kinh tế xanh” - Vương nói.

4-cum-1.png

Manh nha lối đi mới, Vương dành toàn bộ thời gian cho các thí nghiệm với vi tảo. Mỗi lần kết thúc một thử nghiệm, Vương không quên gửi mẫu đến các trung tâm để kiểm tra, đánh giá, tìm ưu - nhược điểm. Suốt hai năm, từ thử nghiệm nuôi trồng trong nhà, ngoài trời cho đến các môi trường ô nhiễm khác nhau… chàng sinh viên này hoàn thành công trình nghiên cứu khoa học kỳ công của mình và tự tin đăng ký bằng sáng chế. Kinh phí cho công trình nghiên cứu này khoảng 1,5 tỷ đồng.

3.png

Vi tảo Chlorella Vulgaris có hàm lượng protein cao, khoảng từ 40-60%, phù hợp làm thực phẩm chức năng và thức ăn chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy hải sản. Tính về giá trị kinh tế, lượng protein/ha nuôi tảo tương đương với 8 ha đậu nành và 40 ha trồng các loại đậu. Mặt khác, trong 1 thời gian chờ thu hoạch 1 vụ đậu, người nuôi tảo có thể thu hoạch đến cả trăm vụ.

Dự án Vương hướng đến ban đầu đã thành công nửa chặng đường. Phần còn lại là sử dụng sinh khối để tạo sản phẩm cuối cùng, tạo ra vòng tròn khép kín. Năm 2022, Vương thành lập Công ty Tư vấn và phát triển công nghệ xanh Việt Nam, trụ sở đặt tại TP.Đà Nẵng nhằm phát triển công nghệ điện phân trong thu hồi tảo để nước thải ra môi trường đạt chuẩn loại A và sử dụng sinh khối làm thức ăn chăn nuôi.

n_q_v_5.png
Quốc Vương lắp đặt hệ thống tại một đơn vị.

Đề tài nghiên cứu về công nghệ này được Nguyễn Quốc Vương và Sở KH&CN TP.Đà Nẵng thực hiện ngay sau đó. Tin vui đến ngay sau đó khi một đơn vị chăn nuôi gà hữu cơ ở Bến Tre đề nghị hợp tác, triển khai xây dựng dây chuyền đáp ứng nhu cầu chăn nuôi khoảng 100 tấn thức ăn/tháng. Tiếp đà thành công, Vương cùng cộng sự mở rộng, áp dụng công nghệ này đến nhiều tỉnh, thành khác như Hà Nội, Bắc Ninh, Phú Yên, Cần Thơ, Bến Tre, TP.Hồ Chí Minh… Dự kiến, doanh thu trong năm 2024 của công ty có thể đạt khoảng 10 - 15 tỷ đồng.

5-tit-phu-2.png

Sở hữu và tự tin với công nghệ của mình, song trăn trở lớn nhất của Vương là chưa thể mang dự án về quê nhà. Vương nói, Quảng Nam có khá nhiều ao, hồ, đầm, các đoạn kênh, sông ứ đọng,… Dự tính của Vương là thuê lại những diện tích này, áp dụng công nghệ nuôi vi tảo để xử lý môi trường. Đồng thời xây dựng dây chuyền đáp ứng từ 100-200 tấn thức ăn chăn nuôi mỗi tháng.

6-1-.png

Đã có những lo lắng nhất định trong việc nuôi tảo với số lượng lớn sẽ ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Bởi, quá trình hô hấp của loại thực vật này ảnh hưởng đến lượng oxy trong nước nếu lượng tảo dày đặc. Vương nói, khi triển khai bất kỳ dự án nào đều có tính toán khoa học, điều này đều nằm trong cam kết thực hiện, mang lại hiệu quả xử lý môi trường tốt nhất.

n_q_v_12(1).jpg
Quốc Vương dự tính triển khai mô hình điểm tại Đại Lộc.

Cùng với phát triển chuỗi thức ăn chăn nuôi, một tiềm năng khác của tảo là tạo ra tín chỉ các bon. Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, quá trình sinh sôi của tảo sẽ trở thành hàng tỉ tỉ cỗ máy tí hon hoạt động bền bỉ như các nhà máy lọc không khí, đóng góp quan trọng vào việc hấp thụ khí CO2, tái tạo O2. Từ số liệu khoa học, Vương tính, 1 mét vuông tảo có thể hấp thu CO2 gấp 50 lần so với 1 mét vuông cây rừng. Nếu triển khai các ao hồ tại Quảng Nam và thực hiện dự án quy đổi, chứng nhận tín chỉ các bon cho tảo thì hoàn toàn có thể mang lại giá trị kinh tế cao.

n_q_v_2.jpg
Quốc Vương tìm hiểu về môi trường nước tại Bầu Dài (xã Đại Minh, Đại Lộc).

“Tôi luôn muốn đóng góp công sức và công nghệ để phát triển quê nhà và kiến tạo kinh tế xanh. Rất mong sự hỗ trợ, tạo điều kiện từ chính quyền các cấp, nhất là việc thuê lại các diện tích ao, hồ, sông suối để sớm khởi động dự án” - Vương bày tỏ mong mỏi của mình.

[VIDEO] - Quốc Vương chia sẻ về dự án xử lý nước thải bằng vi tảo

Quảng Nam - vùng đất mở, vùng đất của những trái tim nhiệt huyết trên hành trình khởi nghiệp sáng tạo và lan tỏa những giá trị nhân văn đến cộng đồng. Mong rằng ngày càng có nhiều những chàng trai như Nguyễn Quốc Vương, Dương Quang Kiều miệt mài nghiên cứu, sáng tạo và hiện thực hóa ý tưởng của mình, góp sức cho quê hương.

footer.png
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện hai người trẻ sáng tạo
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO