Chính trị

Chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đúng đối tượng và đảm bảo hiệu quả, an toàn đồng vốn

HOÀNG ĐẠO 02/07/2024 14:31

(QNO) - Sáng 2/7, Tỉnh ủy Quảng Nam tổ chức hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

NHCS 1
Quảng Nam tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH. Ảnh: H.Đ

Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn - Trưởng ban Đại diện HĐQT Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) tỉnh đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có ông Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, thành viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam; ông Hoàng Minh Tế - Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng CSXH Việt Nam.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn cho biết, hiện nay trên địa bàn Quảng Nam triển khai 21 chương trình tín dụng chính sách và các chương trình do địa phương ủy thác thực hiện. Tổng doanh số cho vay từ năm 2015 đến nay đạt 15.362 tỷ đồng với gần 410 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn.

Tính đến 30/4/2024, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 7.653 tỷ đồng, tăng 4.439 tỷ đồng so năm 2014. Có gần 142 nghìn hộ nghèo và các đối tượng chính sách còn dư nợ, bình quân một hộ dư nợ gần 54 triệu đồng, tăng gần 38 triệu đồng so với năm 2014.

NHCS 2
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn báo cáo công tác tín dụng CSXH giai đoạn 2014 - 2024. Ảnh: H.Đ

Trong đó, dư nợ tín dụng chính sách phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tạo sinh kế và hỗ trợ tạo việc làm đạt 5.670 tỷ đồng, chiếm 74,1%/tổng dư nợ. Dư nợ tín dụng chính sách phục vụ đời sống, sinh hoạt đạt 1.983 tỷ đồng, chiếm 25,9%/tổng dư nợ.

Vốn tín dụng CSXH góp phần thu hút, hỗ trợ tạo việc làm cho gần 68 nghìn lao động; tạo điều kiện cho hơn 30 nghìn học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng gần 107 nghìn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn.

Ngoài ra, hỗ trợ xây dựng hơn 3.000 căn nhà ở cho hộ nghèo; gần 48 nghìn hộ gia đình vùng khó khăn được vay vốn sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập nhằm cải thiện cuộc sống; hỗ trợ xây dựng gần 2.000 căn nhà ở xã hội theo Nghị định 100/NĐ-CP; hơn 4.700 hộ dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn…

20220323_102513.jpg
Gần 410 nghìn lượt hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn ưu đãi. Ảnh: H.Đ

“Tín dụng CSXH được thực hiện thông qua Ngân hàng CSXH có quy mô tăng trưởng tín dụng không ngừng mở rộng, số lượt người được thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi ngày một nhiều, chất lượng tín dụng được nâng cao. Đồng thời, tín dụng CSXH đã góp phần ngăn chặn nạn cho vay nặng lãi, “tín dụng đen”, nhất là vùng nông thôn.

Đây là một trong những đòn bẩy kinh tế kích thích người nghèo và các đối tượng CSXH có điều kiện phát triển sản xuất, cải thiện cuộc sống, tự vươn lên khẳng định vị thế của mình trong xã hội” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói.

nhcs-5(1).jpg
Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết phát biểu tại hội nghị. Ảnh: H.Đ

Thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết biểu dương các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng chỉ ra một số tồn tại, khó khăn như vẫn còn một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách; nhiều người dân chưa mạnh dạn vay vốn, chủ động và tự lực vươn lên thoát nghèo; thiếu cán bộ làm công tác giảm nghèo; huy động nguồn lực xã hội bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng CSXH chưa được nhiều…

NHCS 4
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện tín dụng CSXH. Ảnh: H.Đ

Để tín dụng chính sách thực sự là công cụ hữu hiệu trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, đồng chí Lương Nguyễn Minh Triết yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền và Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh khắc phục những hạn chế trong quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động tín dụng CSXH.

Nâng cao năng lực hoạt động, chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng và đảm bảo hiệu quả, an toàn đồng vốn. Quan tâm mở rộng đối tượng thụ hưởng, nhất là công chức, viên chức có thu nhập thấp.

nhcs-3(1).jpg
Ông Ngô Văn Cương - Bí thư Trung ương Đoàn, thành viên HĐQT Ngân hàng CSXH Việt Nam (bên trái) trao tặng Bằng khen cho Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh Quảng Nam. Ảnh: H.Đ

Hằng năm, HĐND, UBND các cấp quan tâm ưu tiên dành một phần nguồn vốn từ ngân sách địa phương để bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng CSXH trên địa bàn. Phấn đấu đến năm 2025 nguồn vốn địa phương ủy thác đạt 1.000 tỷ đồng và đến năm 2030 nguồn vốn ủy thác từ ngân sách địa phương chiếm 15%/tổng nguồn vốn của Ngân hàng CSXH trên địa bàn tỉnh.

Ngoài ra, phải làm tốt công tác hướng dẫn người vay sử dụng hiệu quả vốn vay; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh điển hình, giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững và làm giàu…

“Tôi tin tưởng rằng, hoạt động tín dụng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian đến sẽ góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đưa Quảng Nam trở thành tỉnh khá của cả nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đã đề ra” - Bí thư Tỉnh ủy Lương Nguyễn Minh Triết nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyển tải vốn tín dụng ưu đãi đúng đối tượng và đảm bảo hiệu quả, an toàn đồng vốn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO