Các tổ tiết kiệm và vay vốn là những “cánh tay nối dài” góp phần phát huy hiệu quả nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Hiệp Đức.
Người tổ trưởng trách nhiệm
Có được cơ nghiệp như hôm nay, anh Trần Quốc Hiệp và chị Ngô Thị Ngọt (trú thôn Bình Kiều, xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức) không thể quên được những ngày gian khó, khi vợ chồng chuyển ra ở riêng vào năm 2005. Thời điểm đó, gia sản lớn nhất của vợ chồng chỉ có mảnh đất nhỏ được Nhà nước cấp để xây dựng nhà.
Sau này, thông qua Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV) thôn Bình Kiều, gia đình anh Hiệp tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi từ các chương trình cho vay trồng rừng sản xuất, phát triển chăn nuôi; giải quyết việc làm; nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn của Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH).
Với 170 triệu đồng vốn vay ưu đãi từ các chương trình, gia đình đã đầu tư trồng rừng, chăn nuôi…, đến nay đã có trong tay cơ ngơi với 2ha keo, 1ha cao su cùng trang trại chăn nuôi heo lúc cao điểm lên đến 60 heo thịt, gần 10 heo nái.
Ngoài ra, gia đình còn đầu tư máy xay xát, kinh doanh dịch vụ bi-a, nấu rượu… phục vụ người dân địa phương, mỗi năm cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Anh Hiệp chia sẻ: “Nguồn vốn vay ưu đãi CSXH đã tiếp sức, giúp vợ chồng tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, mang lại thu nhập ổn định. Nhờ đó, chúng tôi đã mua đất, xây dựng được nhà mới và chăm lo các con ăn học” - anh Hiệp chia sẻ.
Gia đình anh Hiệp là một trong hàng chục hộ tiếp cận nguồn vốn CSXH qua Tổ TK&VV thôn Bình Kiều. Với sự tận tụy, hết lòng vì người dân, trong 15 năm đảm nhận công việc, bà Trần Thị Đa - Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Bình Kiều đã hỗ trợ nhiều gia đình tiếp cận vốn vay, góp phần thoát nghèo, có cuộc sống khá giả.
Đến nay, Tổ TK&VV thôn Bình Kiều quản lý có 57 hộ vay vốn, dư nợ hơn 7,1 tỷ đồng (dư nợ bình quân 126 triệu đồng/hộ); không có nợ quá hạn. Số dư tiền gửi tiết kiệm của tổ viên đến nay hơn 301 triệu đồng, với 100% tổ viên tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng.
Chia sẻ về công việc, bà Đa cho biết: “Tôi cũng không giỏi gì, chỉ là làm bằng uy tín và trách nhiệm nên được ngân hàng, hộ vay tin tưởng, giúp quá trình thu lãi dễ dàng. Khi người dân có nhu cầu thì tôi tạo điều kiện, hỗ trợ tối đa.
Ngoài ra, tôi cũng phải nắm bắt, hiểu rõ từng trường hợp, hoàn cảnh để quản lý vốn tốt; đặc biệt là không để vốn “chết”, khi có hộ trả vốn thì giới thiệu để hộ khác vay. Thấy người dân được vay vốn, sau đó kinh tế phát triển đi lên là niềm vui để tôi tâm huyết và gắn bó với công việc”.
Những “cánh tay nối dài”
Thời gian qua, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức chủ động tham mưu Huyện ủy, UBND huyện chỉ đạo Đảng ủy, UBND các xã, thị trấn quán triệt, triển khai thực hiện Chỉ thị số 40, ngày 22/11/2014 và Kết luận số 06, ngày 10/6/2021 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH.
Qua đó, nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương trong lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động tín dụng chính sách.
Từng chương trình cho vay theo chỉ định của Chính phủ được tổ chức triển khai kịp thời. Đồng vốn tín dụng được phân bổ đến 46/46 thôn, khối phố và được tập trung đầu tư vào những ngành nghề, cây trồng, con vật nuôi phù hợp với định hướng phát triển kinh tế - xã hội của huyện.
Ông Ngô Quang Đô - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Đức cho biết, trên địa bàn hiện có 141 tổ TK&VV, đây là những “cánh tay nối dài” của Ngân hàng CSXH.
Tổng dư nợ đến 24/6/2024 của địa phương đạt hơn 383,7 tỷ đồng với 18 chương trình cho vay, có 5.883 hộ vay vốn (dư nợ tăng hơn 15,6 tỷ đồng so với 31/12/2023, tỷ lệ tăng trưởng dư nợ đạt 4,25%).
Doanh số cho vay 6 tháng đầu năm đạt hơn 72,6 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt hơn 55,5 tỷ đồng; nợ quá hạn chiếm 0.025% tổng dư nợ; tổng doanh số thu lãi từ đầu năm đến 24/6 hơn 13,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 100%.
Công tác giải ngân được đơn vị xây dựng kế hoạch hàng tuần, hàng tháng để chủ động khi có thông báo giao vốn của cấp trên và giải ngân nguồn vốn thu nợ quay vòng.
Qua đó đã cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho 1.124 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác đầu tư sản xuất, kinh doanh, xây dựng nhà ở, xây dựng công trình nước sạch...
Ông Ngô Quang Đô đánh giá, tín dụng CSXH trên địa bàn huyện được triển khai hiệu quả, có vai trò, đóng góp quan trọng của đội ngũ cộng tác viên phụ trách các tổ TK&VV.
Nếu không có sự nhiệt tình, nhiệt huyết của cộng tác viên thì các chương trình tín dụng CSXH khó thành công. Qua đó, góp phần đảm bảo phát huy nguồn vốn của Nhà nước trong giảm nghèo bền vững, giúp người dân có cuộc sống tốt hơn.