Chuyện tình bên dòng sông Thu

Bút ký của PHẠM THÔNG 03/11/2023 09:29

Tháng 5 năm 1971, ngụy quân từ quận lỵ Hiệp Đức vượt sông Thu càn qua thôn Bình Hòa. Yến Nhi 18 tuổi, Bí thư đoàn xã Sơn Bình, nhà ở thôn Bình Hòa chạy xuống đuôi làng, phía hạ nguồn tránh trớ. Địch lại đổ quân án ngữ ở hạ nguồn, vây phía núi. Bí đường, Yến Nhi từ tả ngạn bơi sông qua thôn An Toàn, xã Sơn Tân phía hữu ngạn. Lính Mỹ lại đổ quân đánh phá Sơn Tân. Không còn chỗ, Yến Nhi tạt trở lại bãi cát bên bờ sông Thu, ẩn trong bụi tre xung quanh cỏ bói mọc um tùm. Ở đây thế bất ngờ, địch ít để ý.

Trời tháng 5 nắng gắt, trực thăng HU1A bay sát ngọn tre, Yến Nhi nhìn rõ thằng Mỹ mặt đỏ gay, lăm lăm đại liên bắn dọc bờ sông. Nhi nhắm mắt cầu may. Trực Thăng phóng hỏa đốt bãi bói. Lửa bén cháy bói rừng rực, cháy tới sát chỗ Yến Nhi ẩn mình. Lửa đột ngột dừng! Ừ thì nhờ gió nồm, ngọn lửa ập về phía đuôi gió, Nhi và bụi tre nằm ở đầu ngọn gió. May nữa, có con đường dân đi lấy nước dưới sông về làng ngăn bãi bói làm đôi bằng một lằn ranh nhỏ. Lửa dừng. Nhi thoát nạn hỏa, nạn giặc vẫn còn.

Tuy có bụi tre che chở nhưng nắng tháng 5 vẫn thiêu đốt Yến Nhi mỏng manh nằm bên bãi bói cháy dở. Miệng khô đắng nhìn dòng sông quê hương êm chảy, cơn khát, cơn đói lại càng cồn cào. Yến Nhi cô đơn kề cận với cái chết bên dòng sông Thu. Cô chờ trong dằng dặc thời gian trôi với hy vọng chiều tối giặc sẽ rút về quận lỵ Hiệp Đức. Vì đây là vùng nằm sâu phía đầu nguồn sông Thu, cận kề với chiến khu cách mạng. Đóng quân dã ngoại ở đây ban đêm, địch rất sợ quân chủ lực của ta tập kích tiêu diệt.

Mặt trời ngả sau núi Trà Linh, Đồng Làng. Chờ thêm tí nữa, khi hoàng hôn buông, Yến Nhi lần xuống phía hạ nguồn, nơi có thác nước cạn, lội bộ qua sông.

Bên kia sông, Trần Ngọc, người thương của Yến Nhi biết khi sáng cô bơi qua sông trớ địch lại trúng cuộc càn quét ác liệt hơn của chúng đột ngột ập tới. Ở bên ni sông ngó qua thôn An Toàn, máy bay quần như mắc cửi, hết trực thăng phóng rốc-kết đến phản lực thả bom tấn, bom tạ, bom chùm, bom xăng, cây cối ngã đổ, nhà cửa bốc cháy, khói lửa ngút trời. Vừa dứt hỏa lực, hàng bầy trực thăng ồ ạt ào tới chụp quân. Trần Ngọc vô cùng lo lắng cho thân phận mong manh của người thương. Trời vừa chập choạng, anh lội bộ qua sông tìm Yến Nhi. Hai người đi ngược nhau, cách 10 mét mới nhìn rõ mặt. Họ lao vào nhau, ôm cứng khóc ngon lành:

- Anh tưởng em không còn, chúng bắn dữ dội, anh lo quá em ơi!

Và hình như đôi uyên ương đã nở trên môi nụ hôn đầu đời giữa dòng sông Thu khi hoàng hôn buông xuống. Thế là trong khói lửa đạn bom, cuộc tình Yến Nhi - Trần Ngọc đã gấp gáp neo đậu giữa dòng sông quê hương yêu dấu.

Họ dìu nhau vào bờ, tấp lên phía làng Trà Ban, vào nhà dân trụ bám tá túc qua đêm. Hôm đó du kích Đội công tác xã Sơn Bình chống càn cả ngày, tối đến địch rút họ tập trung về ở cùng dân tại thôn Trà Ban. Dân cho gạo, Yến Nhi nấu cơm cho cả đội ăn tối, vắt mỗi người một gói để ngày mai mỗi người một hướng, tùy theo yêu cầu công tác.

Trần Ngọc - Yến Nhi có tình ý đã hai năm, nhưng chưa bao giờ được ở bên nhau, ngồi bên nhau hơn nửa tiếng đồng hồ, bởi nhiệm vụ cấp bách của thời chiến. Trần Ngọc là Phó ban An ninh huyện, đi công tác liên miên, có lúc phải vượt qua hiểm nguy tiềm nhập vùng địch, nằm hầm bí mật trong vùng địch chiếm nhiều ngày để điều nghiên tình hình, xây dựng mạng lưới cơ sở, ít có thì giờ cho tình cảm riêng tư.

Đêm nay như có điềm gì linh cảm anh được gần bên Nhi, thức trọn cùng Nhi để bày tỏ những nỗi niềm, những ý định và ước mơ cháy bỏng của một chiến sĩ cách mạng về ngày chiến thắng, về hòa bình, của một thanh niên mới chạm tình đầu về hạnh phúc riêng tư nồng ấm, trọn vẹn trong tương lai. Và tình yêu của đôi uyên ương Trần Ngọc - Yến Nhi đã quyện chặt trong tình yêu Tổ quốc, tình yêu quê hương thời binh lửa. Có lẽ ở trên kia có những ngôi sao sáng tỏ, ở ngoài kia có dòng sông Thu êm đềm gửi nước về xuôi và ngọn núi lứa đôi Hòn Kẽm - Đá Dừng chứng giám cho cuộc tình với những ước vọng sắt son này.

Sáng sớm Trần Ngọc với gói cơm của Yến Nhi trao, lên đường xuống quận lỵ Hiệp Đức thực hiện nhiệm vụ Ban An ninh huyện Quế Tiên giao. Sau 2 tiếng đồng hồ, Yến Nhi nghe súng nổ phía đường 16, quãng thuộc khu vực thôn Bình An. Từ sáng hôm đó, Yến Nhi không thấy Trần Ngọc trở về. Anh mất tích!

Yến Nhi cùng đồng đội đi tìm Trần Ngọc liên tục trong nhiều ngày vẫn không tăm tích. Cô gái 18 tuổi mới nhận nụ hôn đầu đời bươn tìm người thương, trăn trở: Không lẽ anh đã bị địch bắt; không lẽ anh trôi theo dòng sông Thu; không lẽ con người kiên cường, người yêu đầu đời của cô chạy theo giặc; không lẽ, không lẽ… xoắn trong đầu cùng bước đi vô vọng giữa bãi cát, dọc theo những con suối nhỏ lặng lẽ chảy, lặng lẽ buồn trong những hẻm núi phía đầu nguồn sông Thu. Yến Nhi ngước nhìn Hòn Kẽm - Đá Dừng. Ôi hai ngọn núi kia kết hôn từ bao giờ mà vẫn bên nhau đến nghìn đời, sao tình duyên của cô lại ngắn ngũi đến thế!

Bảy ngày sau, đi dọc đường 16, Yến Nhi phát hiện Trần Ngọc bị địch bắn chết giữa bãi dâu. Cô một mình lấy tay bới cát, lấy tay hốt cát lấp thi thể người thương, một mình lăn lộn khóc than giữa biền dâu xanh thẳm mà lòng héo đau đến tột cùng…

Bây giờ đã 52 năm trôi qua, Yến Nhi ngày xưa nay đã ngoài 70 tuổi vẫn luôn da diết hoài niệm về mối tình đầu, về nụ hôn trên dòng sông Thu khi hoàng hôn buông xuống. Yến Nhi 18 tuổi năm xưa vẫn luôn thuộc về Trần Ngọc, cô không mở lòng yêu ai được nữa. Cô mãi cô đơn trong hoài niệm một mối tình trong sáng, đầy lý tưởng giữa cái thời kháng chiến gian lao mà anh dũng năm xưa.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chuyện tình bên dòng sông Thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO