(Xuân Ất Tỵ) - Trong hành trình đổi mới, sáng tạo của đất Quảng và người Quảng nửa thế kỷ sau chiến tranh, không thể không nhắc đến cái tên một thời nức tiếng cả nước: Đại Phước.
Câu chuyện thần kỳ về Đại Phước gắn với đỉnh cao năng suất lúa 21,6 tấn/ha/năm những năm 80 của thế kỷ trước vẫn chưa hề phai mờ trong tâm trí những người trong cuộc.
Hướng đi thâm canh
Đại Phước (tiền thân của thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc hiện nay) là xã được thành lập vào tháng 7/1975, trên cơ sở lấy toàn bộ thôn Ấp Nhì của xã Lộc An và một phần thôn Hoán Mỹ của xã Lộc Hưng.
Ông Đinh Văn Tới - nguyên Bí thư Chi bộ xã Đại Phước kể, thực hiện chủ trương cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, sau một thời gian vận động, ngày 18/9/1978, HTX Nông nghiệp Đại Phước chính thức ra đời.
Toàn HTX có 217ha đất tự nhiên, trong đó có 84ha lúa, 19ha trồng màu và cây công nghiệp. Lúc này, năng suất lúa bình quân cả năm mới chỉ đạt 8 tạ/ha. Tổng sản lượng lương thực ở mức 671 tấn, bình quân lương thực đầu người chỉ có 211kg.
Trong cái thế quá khó ấy, Chi ủy xã và Ban Quản trị HTX Nông nghiệp Đại Phước xác định chỉ có con đường thâm canh tăng năng suất lúa mới thực hiện được bài toán nâng cao đời sống xã viên và người dân. HTX mạnh dạn đầu tư xây dựng, mở rộng hệ thống kênh mương thủy lợi để đưa nước tưới vào đồng ruộng, nhờ đó đã tăng 46ha đất lúa sản xuất 3 vụ/năm và nâng tổng diện tích đất gieo cấy lên 216ha.
Năm 1981, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 100 về cải tiến công tác khoán, mở rộng khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động trong HTX nông nghiệp. “Khoán 100” ngay khi ra đời đã tạo ra luồng sinh khí mới cho đồng ruộng đất Quảng.
Lúc này, năng suất lúa của HTX Điện Thọ 3 đã đạt 18 tấn/ha. Từ kết quả này, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng phát động phong trào thi đua xây dựng cánh đồng thâm canh có sản lượng cao trong toàn tỉnh.
Ở Đại Lộc, Huyện ủy tổ chức họp tất cả chủ nhiệm và đội trưởng sản xuất của các HTX trong toàn huyện phát động phong trào xây dựng cánh đồng cao sản đạt năng suất 15 tấn/ha/năm.
HTX Đại Phước được huyện chọn làm điểm vì các lý do: quy mô đất lúa vừa phải (84ha), địa bàn sản xuất lúa tập trung. Mặt khác, tại đây đã xuất hiện những nông dân thâm canh giỏi như Hứa Cự, Trương Tá, Huỳnh Chuồng, Huỳnh Cơ… đạt năng suất trên dưới 18 tấn/ha.
Trong khi đó, dẫu đã nhiều kinh nghiệm về đầu tư thâm canh lúa trong ba năm (1978 - 1981) nhưng năng suất lúa bình quân ở Đại Phước cũng mới chỉ đạt 11,65 tấn/ha/năm.
Sau khi bàn đi tính lại nhiều lần, vượt qua những e ngại, do dự ban đầu, Chủ nhiệm Nguyễn Sơn và Ban Quản trị HTX mạnh dạn đăng ký mức năng suất 20 tấn/ha/năm. Thế là, từ đây mở ra chặng đường mới cho Đại Phước thi đua quyết liệt nhưng thầm lặng với HTX Điện Thọ 3 trên hành trình chinh phục đỉnh cao năng suất lúa.
Nhà báo Tạ Xuân Linh, một cây bút năng nổ theo dõi mảng nông lâm - thủy lợi của Báo Quảng Nam - Đà Nẵng thời bấy giờ, cho hay, các biện pháp thâm canh được HTX áp dụng rất nghiêm ngặt.
Đại Phước đã kiểm nghiệm và hình thành bộ giống lúa cơ cấu thích hợp cho từng vụ mùa: NN3B (vụ đông xuân), 6A (vụ xuân hè), 6A và MTL32 (vụ ba). Giống lúa 3B và các giống lúa trên có khả năng chịu được phân, kể cả phân hữu cơ và phân vô cơ được cân đối trên một mức độ nhất định.
Chuyên gia Hà Minh Trung (Viện Bảo vệ thực vật), khi đến thăm Đại Phước lần thứ ba rất phấn khởi vì giống NN3B do viện tuyển chọn đã trụ vững ở đây, năng suất cao và ít sâu bệnh. Đại Phước còn mạnh dạn đưa giống lúa mới nhập nội 13/2 (IR17494) vào khảo nghiệm ở vụ đông xuân, cho năng suất khá cao, lên đến 9 tấn/ha.
Điển hình cả nước
Trò chuyện với chúng tôi, ông Phan Văn Em - nguyên Phó Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Đại Phước, nhấn mạnh: Một trong những yếu tố thành công của Đại Phước những năm 80 của thế kỷ trước phải kể đến là tinh thần làm việc rất cần cù của xã viên, ngày đêm bám ruộng, lội đồng.
Họ động viên nhau rằng, xưa một nắng hai sương, giờ ba sương một nắng cũng sẵn lòng; mình thương hòn đất thì đất sẽ thương mình. Tiêu biểu là ông Hứa Cự, từng được xã viên mệnh danh là “kiện tướng lao động”.
Đất không phụ công người. Vụ đông xuân 1980 - 1981, năng suất lúa của Đại Phước đạt 50 tạ/ha, vượt qua Điện Thọ 3. Vào vụ xuân hè lại tiếp tục lập kỷ lục mới với 70 tạ/ha, liền đó vụ ba: 50 tạ/ha. Năm 1982, Đại Phước đã đưa năng suất lúa cả năm lên 20,2 tấn/ha. Rồi sau đó cán mốc 21,6 tấn/ha/năm. Đây là đỉnh cao năng suất lúa gây chấn động cả tỉnh, cả nước!
Với thành tích ấn tượng này, HTX Nông nghiệp Đại Phước vinh dự được Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Trường Chinh tặng Huân chương Lao động hạng Ba và Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng thưởng 1 chiếc máy cày hiệu MTZ 50. Ngày 29/3/1983, chính tại HTX Đại Phước, UBND tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tổ chức Hội nghị phát động phong trào thi đua “Thâm canh, tăng năng suất lúa; học tập, đuổi kịp và vượt Đại Phước”.
Trong năm 1983, các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước như Võ Chí Công, Tố Hữu khi về thăm Đại Lộc đều trực tiếp đến kiểm tra tình hình thực tế năng suất lúa của Đại Phước. Nói chuyện với cán bộ và xã viên HTX, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Tố Hữu nhận định: “Đây là bài học lớn trong vấn đề thâm canh lúa mà các địa phương cần nghiên cứu, học tập”.
Đặc biệt, vào tháng 4/1985, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đến thăm HTX Đại Phước và căn dặn: “Cả nước vui mừng vì Đại Phước. Các đồng chí hãy cố gắng nhiều hơn nữa, giành thắng lợi lớn hơn nữa”.
Vĩ thanh
Do sự thay đổi cơ chế quản lý, HTX Nông nghiệp Đại Phước không còn, song ý chí và khát vọng Đại Phước ngày ấy vẫn đang hiển hiện ở hậu thân của nó.
Sau khi thị trấn Ái Nghĩa được thành lập (1984), HTX Đại Phước nhập với các HTX khác thành HTX dịch vụ nông nghiệp - kinh doanh tổng hợp Ái Nghĩa. Đến năm 2013 thì chuyển sang hoạt động theo Luật HTX với danh xưng: HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa cho đến nay.
Ông Trương Cảm, từng là một lao động của HTX Đại Phước, nay là Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa, “bật mí” với chúng tôi: “Trong biểu trưng (logo) của HTX, chúng tôi thể hiện hình tượng chiếc máy cày hiệu MTZ50 - phần thưởng của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng, như nhắc nhớ về một thời vang bóng của cha anh mà các thế hệ cán bộ HTX hôm nay phải tiếp nối xứng đáng”.
Theo ông Trương Cảm, ở chuỗi giá trị sản xuất gạo an toàn Ái Nghĩa, các dịch vụ đầu vào như phân bón, giống, vật tư, dịch vụ làm đất... được HTX cung cấp đảm bảo chất lượng, giá cả phù hợp với từng thời vụ sản xuất, nông dân được trả chậm, thể hiện sự gắn kết giữa HTX và xã viên.
HTX là đầu mối tổ chức liên kết sản xuất giữa các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và bao tiêu toàn bộ sản phẩm, qua đó giúp giảm chi phí sản xuất, tăng thu nhập cho thành viên. Bên cạnh gạo an toàn Ái Nghĩa được gắn hạng 3 sao OCOP cấp tỉnh, HTX còn có sản phẩm bánh tráng Đại Lộc được gắn 4 sao OCOP cấp tỉnh...
Nhạy bén, năng động, đổi mới trong hoạt động, HTX Nông nghiệp Ái Nghĩa đạt doanh thu hằng năm 25 - 30 tỷ đồng, trở thành một trong những HTX điển hình tiêu biểu trong loại hình kinh tế tập thể của tỉnh. Năm 2023, vị “thủ lĩnh” HTX - Trương Cảm vinh dự được tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.