Với bàn tay tài hoa, khéo léo và sự cần mẫn, những nghệ nhân ở Xuân Tây (xã Đại Tân, Đại Lộc) đã biến những khối đá vô hồn trở thành sản phẩm thiết yếu phục vụ đời sống, sinh hoạt hàng ngày của con người. Song, làng nghề cũng đang đứng trước bao thăng trầm...
Làng nghề trăm năm
Đến làng nghề đá mỹ nghệ Đại Tân, theo sự hướng dẫn của người dân địa phương, chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Thành (62 tuổi, thôn Xuân Tây). Ông Thành trải qua gần 50 năm trong nghề làm đá mỹ nghệ và cũng là số ít người trong làng còn bám trụ với nghề nặng nhọc và vất vả này.
Ông Thành cho biết, làng đá mỹ nghệ Đại Tân đã hình thành cách đây hơn 200 năm. Sản phẩm làm ra chủ yếu là các loại cối giã gạo, xay ngũ cốc, giã các loại thức ăn phụ phẩm cho vật nuôi... Gia đình ông có mấy đời làm đá mỹ nghệ. Thợ lành nghề có thể làm được tất cả công đoạn, từ ra phôi, phác họa sản phẩm đến tiện đá, mài và đánh bóng…
“Thợ nào cứng nghề thì chỉ mất khoảng nửa ngày hoàn thiện được một cối giã gạo, còn những người mới thì phải mất nhiều thời gian hơn” - ông Thành nói.
Nghề làm đá mỹ nghệ Đại Tân hoạt động mạnh nhất từ sau ngày giải phóng đến nửa đầu thập kỷ 1990. Làng nghề trải qua thời kỳ dài khó khăn do đầu ra sản phẩm hạn chế, chỉ còn một số người cùng thời với ông Thành bám trụ cho tới nay.
Sản phẩm OCOP 3 sao
Chừng 10 năm trở lại đây, từ việc “dám nghĩ dám làm” của một vài người trẻ địa phương, làng đá mỹ nghệ có cơ hội hồi sinh.
Anh Trương Anh Thịnh (SN 1985), một thợ lành nghề quyết tâm trụ giữ nghề cha ông sau nhiều năm đi làm thuê cho các cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ. Anh cùng với một vài thợ lành nghề chuyên tâm chế tác các bộ chày cối, đá táng chân cột, bàn ghế đá, chế tác các loại đá bia mộ...
Qua bao lần thất bại, đến năm 2021, Tổ hợp tác sản xuất điêu khắc đá mỹ nghệ Đại Tân ra đời. Anh Thịnh mạnh dạn vay vốn đầu tư mở nhà xưởng chừng 600m2, trang bị đầy đủ các máy móc, xây dựng nhà trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ với hàng trăm sản phẩm các loại…
Tổ hợp tác là nơi hội tụ các thợ điêu khắc lành nghề địa phương có chung khát vọng giữ nghề. Sản phẩm làm ra được chở đi bỏ mối cho khách hàng tại Quảng Nam và các tỉnh, thành ngoài Bắc như Hà Nội, Thái Bình…
Năm 2024, “bộ cối chày đá mỹ nghệ Đại Tân” của xưởng đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao. Bộ cối chày được chế tác từ đá sa thạch tự nhiên tại địa phương.
Để làm ra sản phẩm, người thợ phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ nguyên liệu đá thô, chẻ, cắt, đưa lên máy tạo hình, sử dụng tay nghề thủ công trau chuốt lại cho đạt yêu cầu, hoàn thiện tinh xảo hơn...
Anh Thịnh chia sẻ, để biến những khối đá vô tri, sần sùi trở thành sản phẩm có hồn, giàu tính thẩm mỹ thì người thợ phải có năng khiếu, có thẩm mỹ và chịu khó trau dồi kinh nghiệm, không ngừng sáng tạo, học hỏi.
Hiện, cơ sở chú trọng phát triển các sản phẩm làm hoàn toàn bằng thủ công để đáp ứng yêu cầu của một lượng khách không nhỏ, chủ yếu đặt hàng phục vụ trang trí, trưng bày tại các không gian đậm sắc màu truyền thống.
Cơ hội hồi sinh đá mỹ nghệ Đại Tân dần mở ra. Song, làng nghề này đang đứng trước quy luật cạnh tranh khốc liệt của thị trường, của các làng nghề đá mỹ nghệ trên cả nước.
Những suy tư về tương lai của một làng nghề vẫn còn là dấu hỏi. Liệu họ, những người có khát vọng được sống một đời cùng với đá có tiếp tục đủ sức và lực để theo đuổi giấc mơ?