“Nếu nhảy dù, chắc chắn tôi sẽ sống nhưng máy bay sẽ nổ tung. Nước mình còn nghèo, máy bay cũng quý giá như sinh mạng người lính, tôi không thể bỏ rơi”, lời nói của Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Quỳ khiến người khe không khỏi rưng rưng, cảm phục.
Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12), cùng các cựu chiến binh, cán bộ địa phương… đến thăm Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Quỳ - một trong 4 thành viên biên đội phi công tiêm kích đánh thắng không quân Mỹ trận đầu trên bầu trời miền Bắc (ngày 3/4/1965), lần đầu tiên qua không khí thân tình, ấm áp, chúng tôi nhận ra câu chuyện “vùng trời” của người lính bay xứ Quảng mở thêm nhiều điều mới lạ, vô cùng thú vị!
Lính bay xứ Quảng
Ông Hồ văn Quỳ hiện sống tại số nhà 26 đường Nguyễn Tri Phương, phường Chính Gián, TP.Đà Nẵng là thành viên duy nhất còn sống của biên đội phi công “Lan, Túc, Quỳ, Phương”.
Đáng chú ý, cả 4 thành viên đều sinh năm 1934, cùng là người miền Trung, trong đó hai người cùng quê Quảng Nam là Phạm Ngọc Lan (Điện Nam, Điện Bàn) và Hồ Văn Quỳ (Bình Hải, Thăng Bình).
Hai người còn lại sau đó lần lượt hy sinh trên bầu trời là Trần Minh Phương (Quảng Bình) hy sinh trong trận không chiến ngày 19/5/1967 và Phan Văn Túc (Nghệ An) hy sinh ngày 31/12/1967 sau thành tích bắn rơi 4 máy bay Mỹ.
Ngày ấy, họ là những phi công tiêm kích MiG-17 lứa đầu tiên được đào tạo suốt 9 năm ở nước ngoài. Riêng phi công Hồ Văn Quỳ tham gia khoảng 120 trận không chiến, bắn hạ 4 chiếc F-4 và F-8, những máy bay hiện đại của không quân Mỹ lúc đó, chỉ còn thiếu một chiếc nữa là ông Quỳ đạt cấp “Ách” (Ace), danh hiệu có từ Chiến tranh thế giới thứ nhất, vinh danh những phi công bắn hạ 5 máy bay đối phương trở lên.
Cùng đi với chúng tôi, Đại tá Hoàng Trọng Thanh (cựu chiến binh phi công - Tổ bay khu vực Miền Trung) nguyên công tác tại Phòng Thanh tra bay, Bộ tham mưu quân chủng không quân, từng có 1.000 giờ bay nói: “ Ông Hồ văn Quỳ là một trong 4 thành viên biên đội phi công tiêm kích đánh thắng không quân Mỹ trận đầu trên bầu trời Hàm Rồng (Thanh Hóa) ngày 3/4/1965.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, bộ đội không quân trẻ tuổi của ta đã “mở mặt trận trên không” thắng lợi, đánh thắng lực lượng không quân sừng sỏ của Mỹ. Và từ đó, ngày 3/4/1965 trở thành “Ngày truyền thống đánh thắng trận đầu vẻ vang của Không quân nhân dân Việt Nam”.
Năm 1979, ông Quỳ chính thức nghỉ bay, chuyển sang công tác chỉ huy, huấn luyện, là Sư đoàn phó Sư đoàn Không quân 370, mang quân hàm Đại tá. Sau đó chuyển ngành, ông về làm Tổng Giám đốc Cụm cảng sân bay miền Trung đến khi về hưu.
Nay ông đã ngoài 90 tuổi, trở lại địa phương sống rất chân hòa cởi mở với mọi người. Ông vẫn là tấm gương sáng của cựu chiến binh phi công Tổ bay khu vực Miền Trung. Chúng tôi luôn coi ông là thần tượng!”.
Trận không chiến đầu tiên
Bằng cách diễn đạt từ tốn, chậm rãi, nhưng khá minh mẫn, ông Hồ Văn Quỳ kể: Năm ấy, tôi được Bộ Tổng tham mưu chọn đi học lớp bổ túc văn hóa để chuẩn bị theo học lớp đào tạo phi công.
Cuối năm 1955, dưới danh nghĩa một đoàn thể thao ra nước ngoài du đấu (do Hiệp định Genève ràng buộc, không cho phép phát triển quân đội), tôi cùng 60 người nữa được chuyển đến học tại Trường Không quân số 3 (Liêu Ninh, Trung Quốc).
Tại đây, chúng tôi được bố trí ở chung với nhau trong một khu ký túc xá riêng. Hằng ngày, sau giờ huấn luyện trên thao trường, chúng tôi chụm lại nghe đài, nhiều anh em đã bật khóc khi nghe tin quê nhà bị giặc ném bom, thiêu đốt.
Chợt vào sáng 5/8/1964, khi chúng tôi đang ăn cơm thì nghe đài phát tin không quân Mỹ đánh phá miền Bắc. Anh em ai nấy cũng thẩn thờ, nóng lòng muốn được về thật nhanh để chiến đấu, ngăn chặn kẻ thù.
Và rồi, không phải chờ lâu, ngay sáng hôm đó, đoàn Sao đỏ nhận được lệnh hành quân bằng máy bay MiG-17 từ căn cứ ở Quảng Tây (Trung Quốc) về sân bay Nội Bài (Hà Nội). Những cánh én bạc (tên gọi máy bay MiG-17) đầu tiên của không quân Việt Nam lần lượt hạ cánh an toàn xuống Nội Bài.
Nắm rõ thông tin máy bay Mỹ sẽ đánh phá cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) vào sáng 3/4/1965, biên đội chúng tôi do Phạm Ngọc Lan chỉ huy nhận lệnh chuẩn bị chiến đấu, đánh chặn địch.
Vào thời điểm biên đội có mặt tại sân bay chờ lệnh xuất kích thì mây mù dày đặc, tầm nhìn hạn chế, biên đội phải chia tốp để tiếp cận máy bay địch. Khi phát hiện tốp máy bay địch xuất hiện, tôi nhận lệnh vứt hai thùng dầu phụ để tăng tốc đuổi theo.
Anh Lan và anh Túc bay chặn đầu, bấm nút khai hỏa tấn công chiếc F-8E đi đầu, nhưng không chính xác. Tôi và Phương bám càng bắn hỗ trợ. Bị tấn công bất ngờ nên đội hình bay của địch rối loạn, một chiếc lọt vào giữa gọng kìm của MiG-17 thì bị pháo của anh Lan bắn hạ.
Sau chiến thắng đầu tiên, biên đội tiếp tục gặp những trận đánh ác liệt, đối đầu với nhiều loại máy bay hiện đại của Mỹ như F-4, F-8, F-100 mang tên “Con ma”, “Thần sấm”…, nhờ lối đánh cận chiến linh hoạt, gan dạ, liều lĩnh nói trên.
Không thể bỏ máy bay rơi
Một lần khác, trong khi hướng dẫn đồng đội hạ cánh, máy bay của ông Quỳ bị trúng… tên lửa phòng không của ta, khiến máy bay mất thăng bằng, chao nghiêng.
Ông bị chấn thương nặng ở phần đầu, Trung tâm điều khiển mặt đất đã yêu cầu ông nhảy dù khẩn cấp để bảo toàn tính mạng. Nhưng trong thời khắc ấy, ông quyết ở lại điều khiển máy bay hạ cánh để bảo vệ chiếc MiG-17 yêu quý.
Ông Quỳ kể: “Lúc ấy cơ thể tôi mất máu trầm trọng, choáng váng. Hai mắt chỉ còn nhìn được lờ mờ phía trước. Nếu nhảy dù, chắc chắn tôi sẽ sống nhưng máy bay sẽ nổ tung. Nước mình còn nghèo, máy bay cũng quý giá như sinh mạng người lính, tôi không thể bỏ rơi”.
Nghe câu chuyện này, Đại tá Ngô Thanh Hải - nguyên Trưởng phòng Quản lý hành chính Công an Đà Nẵng hết sức cảm kích cho rằng “đó là hành động dũng cảm cao quý mà thế hệ ngày nay cần phải trân trọng và học tập”.
Từ “Phi đội ta xuất kích”…
Trong ký ức của ông Hồ Văn Quỳ, bên cạnh những câu chuyện về vùng trời oanh liệt cùng đồng đội một thời trai trẻ, ông cũng nhắc đến những kỷ niệm nho nhỏ bên lề sinh hoạt đời thường của người lính bay…
Chẳng hạn, ngay sau chiến thắng trận đầu ngày 3/4/1965, ông Hồ Văn Quỳ, được phân công viết một bản tin thuật toàn bộ trận đánh, chép tay lên báo tường của đơn vị (Phi đội 1, Trung đoàn Không quân 921), nhằm cổ vũ tinh thần anh em phi công trong những trận đánh tiếp theo.
Tình cờ, vài hôm sau, Đoàn Ca múa Tổng cục Chính trị đến biểu diễn, động viên bộ đội vì có thành tích xuất sắc, ca sĩ Trương Tường Vi (sau này là NSND Tường Vi) diễn viên của đoàn, vốn cùng quê Quảng Nam với các phi công Phạm Ngọc Lan, Hồ Văn Quỳ nên rất tâm đắc với bài báo tường, cẩn thận chép lại các thông tin trên, rồi không lâu sau trở lại đơn vị cho ra mắt ca khúc “Phi đội ta xuất kích” do chính Tường Vi sáng tác: “Rộn ràng tung cánh bay phi đội ta xuất kích/ Đại bàng vút cao lên trời mây/ Trận đầu ta đã mang chiến thắng/ Dâng Tổ quốc mẹ hiền mến yêu...”. Từ đó, bài hát “Phi đội ta xuất kích” đã lan tỏa mạnh mẽ trong đồng bào, chiến sĩ cả nước, đến tận hôm nay.
Đến nguyên mẫu nhân vật tiểu thuyết “Vùng trời”
Hỏi thăm về duyên cớ nào để ông trở thành nguyên mẫu của tiểu thuyết “Vùng trời” nổi tiếng của nhà văn Hữu Mai, ông Quỳ nói: “Thời ấy, hầu như ngày nào nhà văn Hữu Mai cũng sang đơn vị chúng tôi ở sân bay Gia Lâm, thân thiết lắm.
Cuộc chiến đấu đang diễn ra rất ác liệt. Lúc này, chuyện sống chết chỉ trong gang tấc. Hầu hết tất cả giấy tờ, thư từ anh em phi công đều để trong một chiếc hộp, nếu chẳng may hy sinh thì đơn vị sẽ chuyển về cho gia đình.
Tôi rất quý trọng và tin cậy nhà văn Hữu Mai cho nên đã giao chiếc hộp ấy nhờ anh giữ giúp. Từ những bức thư tâm tình của người lính, nhà văn Hữu Mai đã khắc họa nên những nhân vật của mình trong tiểu thuyết “Vùng trời” (ba tập, xuất bản năm 1971, 1975, 1980).
Tiễn chúng tôi ra về, ông Quỳ nói thêm, cuốn tiểu thuyết “Vùng trời” rất được nhiều người yêu thích, nhưng dĩ nhiên nhân vật truyện có khác với cuộc đời thật. Bởi vậy, những câu chuyện tôi kể cũng là nhiệm vụ bình thường của người lính thôi, anh em đừng cho là to tát nghe…