Câu chuyện của các gia đình quân nhân được lần giở. Bức tranh về truyền thống lịch sử quân sự của Việt Nam trong 80 năm qua, có những mảnh ghép từ từng câu chuyện của cá nhân cụ thể, với tình yêu gia đình - cội nguồn thiêng liêng nuôi dưỡng tình yêu lớn hơn - tình yêu Tổ quốc.
Chính sách dành cho hậu phương quân đội không ngừng hoàn thiện từng ngày. Đây chính là những hoạt động mang ý nghĩa củng cố “thế trận lòng dân” vững chắc, chăm sóc tốt hơn mọi mặt của đời sống gia đình cán bộ, chiến sĩ, để những người lính Cụ Hồ yên tâm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chỗ dựa của người lính
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Kim Sinh (Nhân viên Văn thư - bảo mật, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh) là vợ Trung tá Đỗ Quang Vinh (SN 1978), hiện là Đồn trưởng Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang). Đây là đơn vị xa nhất tuyến biên giới đất liền của tỉnh. Vượt qua đặc thù công việc, vợ chồng chị Sinh vẫn luôn miệt mài gieo niềm tin bằng câu chuyện tình yêu của người lính biên phòng.
“Tháng 12/2024 này, vợ chồng mình kỷ niệm 18 năm ngày cưới. Nhìn lại quãng thời gian qua, ai cũng nói bên nhau thì ít mà xa nhau thì nhiều. Nhưng dù vậy, chưa lúc nào mình nản lòng. Bởi mình cũng là người lính nên thấu hiểu công việc của chồng” - chị Sinh chia sẻ.
Nhớ lại cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 bùng phát, anh Vinh lúc ấy đang công tác tại Đồn Biên phòng Cửa Đại (TP.Hội An). Thời điểm này, đơn vị biên phòng Cửa Đại là điểm tiếp nhận và đón tiếp cách ly của tỉnh. Với cương vị Đồn phó, nằm trong Ban chỉ đạo phòng chống COVID-19 của đơn vị nên gần như lúc nào anh Vinh cũng bận rộn với công việc phòng chống dịch bệnh. Tuy Hội An và Tam Kỳ không xa nhưng có thời điểm rất dài anh Vinh không được về nhà.
Tròn 18 năm cưới nhau thì hết gần 14 năm anh Vinh công tác và học tập xa nhà. Biết bao nhiêu câu chuyện, biết bao nhiêu biến cố mà nhiều lúc tưởng chừng như mình không trụ được. Nhưng rồi mọi chuyện cũng qua đi với hai chữ yêu thương ở lại...
Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Trần Thị Kim Sinh
Khoảng vài tháng sau, anh Vinh được phân công về cơ quan nhận nhu yếu phẩm phục vụ phòng chống dịch, 2 mẹ con đã đèo nhau ra gần cổng cơ quan Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh nhưng cũng chỉ được nhìn nhau qua màn kính xe ô tô...
Thấu hiểu sự vất vả của vợ, anh Vinh luôn dành thời gian gọi điện chia sẻ cùng vợ xoay xở việc nhà và tìm cách kết nối tình cảm, dạy dỗ con cái trong những thời điểm xa nhà.
Chị Sinh nói, lợi thế của mình cũng là... chiến sĩ biên phòng nên ngay từ thời điểm đầu đến với nhau cả hai đã xác định rõ tư tưởng, với quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Công việc của một nhân viên văn thư - bảo mật đòi hỏi sự tỉ mỉ, cường độ công việc cao, nhưng chị luôn tìm cách để chu toàn cả việc nhà và nhiệm vụ.
“Mình luôn chia sẻ với các con rằng, tuổi thơ các con dù lớn lên trong sự vất vả của mẹ, dù bóng dáng của cha ít xuất hiện thường ngày nhưng đó không phải là thiệt thòi. Bởi công việc của người chiến sĩ quân đội, đặc biệt là biên phòng năm tháng bám giữ biên cương, họ dành tuổi thanh xuân cho nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Nhờ vậy, hình ảnh người chiến sĩ mang ngôi sao năm cánh trên mũ với bộ quân phục màu xanh núi rừng và nụ cười hiền rạng rỡ, luôn là niềm tự hào với các con và gia đình. Ký ức của các con về ba, về “Bộ đội Cụ Hồ” luôn trở nên đẹp đẽ hơn bao giờ hết” - chị Sinh nhấn mạnh.
Chu đáo cho hậu phương
Đại tá Hoàng Văn Mẫn - Chính ủy Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh chia sẻ, nhiều năm qua, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh phối hợp cùng các cấp ngành tổ chức nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, thăm, tặng quà cho cán bộ và nhân dân biên giới biển đảo; đặc biệt quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ gia đình cán bộ, chiến sĩ. Công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2017-2021 được triển khai sát với đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ, đồng bộ các mặt công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội trong BĐBP tỉnh.
Trong 5 năm, BĐBP tỉnh đã tổ chức 20 đợt tình nguyện, tặng hơn 1.855 suất quà, trị giá hơn 1 tỷ đồng, hỗ trợ trang thiết bị nghe nhìn, sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cán bộ chiến sĩ các đơn vị trị giá hơn 200 triệu đồng.
“Nổi bật là, đã chủ động khảo sát, nghiên cứu, đề xuất, giải quyết chế độ, chính sách đối với các đối tượng bị bệnh hiểm nghèo, bệnh cần được chữa trị dài ngày; huy động được các nguồn lực hỗ trợ điều trị hoặc nhận nuôi con nuôi đối với người hiếm muộn, vô sinh đang công tác trong BĐBP tỉnh; từng bước thực hiện tốt công tác xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ gia đình quân nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Các đơn vị phối hợp thực hiện tốt chương trình “Quân - dân y kết hợp”, tổ chức khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho nhân dân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng khó” - Đại tá Hoàng Văn Mẫn nói.
Tuy nhiên, chính sách hậu phương quân đội trên địa bàn Quảng Nam hiện vẫn còn một số khó khăn nhất định. Báo cáo tổng kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/ĐU, ngày 18/1/2017 của Đảng ủy BĐBP tỉnh về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội giai đoạn 2017-2021, cho biết, hiện công tác xác lập hồ sơ, giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách, người có công ở một số đơn vị cơ sở còn chậm. Việc chăm sóc, hỗ trợ người có công, người tham gia kháng chiến, người có hoàn cảnh khó khăn và gia đình cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ ở biên giới, biển, đảo, vùng sâu, vùng xa… có nội dung chưa thiết thực.
Giai đoạn 2017 - 2021, BĐBP tỉnh đã nhận phụng dưỡng 11 Mẹ VNAH; vận động đóng góp Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” hơn 600 triệu đồng; thăm tặng quà cho hàng trăm lượt đối tượng chính sách ở địa phương trị giá 650 triệu đồng. Ngoài ra, BĐBP tỉnh còn tham mưu, giải quyết chế độ xuất ngũ cho 744 đồng chí; giải quyết chế độ hưu cho 61 đồng chí, phục viên cho 13 đồng chí; chuyển vùng cho 61 trường hợp; giải quyết chế độ thai sản cho 1 trường hợp, giải quyết chế độ tử tuất cho 3 trường hợp; đề nghị cấp 8.575 thẻ BHYT cho thân nhân tại ngũ; đề nghị cấp sổ BHXH cho 35 đồng chí.
Đại tá Hoàng Văn Mẫn cho biết, thời gian tới, BĐBP tỉnh sẽ chú trọng bảo đảm chính sách cho lực lượng làm nhiệm vụ ở địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo, tuần tra song phương bảo đảm để họ yên tâm công tác, cống hiến cho BĐBP tỉnh và đất nước. Đồng thời kịp thời hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình quân nhân, công nhân và viên chức quốc phòng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và những cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi khó khăn, gian khổ, vùng sâu, vùng xa, biên giới, biển, đảo; chú trọng giải quyết tốt chế độ, chính sách đối với người bị mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh cần chữa trị dài ngày, nhằm tạo chỗ dựa tinh thần vững chắc để người lính vượt qua khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Đồng đội quen nhìn thấy chị với lỉnh kỉnh thiết bị quay phim, tận tụy và trách nhiệm trong rất nhiều lần tác nghiệp. Miền xuôi, miền ngược, theo chân những cựu binh đi tìm mộ liệt sĩ hay lăn xả cùng lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch, tìm kiếm cứu nạn trong thiên tai, bộn bề công việc, chị tự làm “hậu phương” cho chính mình, cho con.
Chị là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp Bùi Thị Thùy Trang - nhân viên phát thanh - truyền hình chuyên mục Quốc phòng toàn dân (Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ CHQS tỉnh Quảng Nam).
Yêu nghề và dấn thân
Tròn 15 năm công tác trong môi trường quân đội, chị có rất nhiều chuyến đi. Đi để tác nghiệp, vừa phục vụ thông tin tuyên truyền, vừa làm “cầu nối” giữa lãnh đạo, chỉ huy với cán bộ, chiến sĩ.
Nhận nhiệm vụ là đi. Chị nói, ở bất kỳ địa bàn nào, đồng bằng hay miền núi, Cù Lao Chàm hay tít tận các xã vùng biên, chị đều sẵn sàng chấp hành mệnh lệnh. Công việc cứ như một guồng quay, nhưng không “êm đềm” như một lịch trình định sẵn.
Những chuyến công tác gắn liền với kỷ niệm. Có lúc phải dầm mình trong mưa bão, lúc trèo đèo, khi lội suối cùng các đoàn công tác đi tìm mộ liệt sĩ… Nhiều đêm trắng trong rừng sâu, hay những khi tham gia đoàn công tác dân vận, chị cùng bộ đội đi bộ cả ngày đường để đến, cùng ăn, cùng ở với bà con, phục vụ cho việc tác nghiệp.
“Công việc nào cũng có khó khăn, vất vả riêng. May mắn, những chuyến đi luôn tạo nguồn cảm hứng, giúp mình tìm được sự đồng cảm, sẻ chia với bà con, với bộ đội, dân quân. Cũng từ đó mà có những tác phẩm hay, khuôn hình đẹp, phản ánh sinh động, kịp thời hoạt động của lực lượng vũ trang tỉnh” - chị Trang chia sẻ.
Mười lăm năm, một hành trình đủ dài. Nếu không yêu nghề, dấn thân, hẳn sẽ khó hoàn thành và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Hàng ngàn tin bài, phóng sự truyền hình được xuất bản, phát sóng từ lao động miệt mài của chị và đồng nghiệp, đưa hình ảnh, câu chuyện của người lính đến gần hơn với công chúng. Trong số đó, có rất nhiều tác phẩm xuất sắc, được ghi lại bằng sự tinh tế và góc nhìn đầy cảm xúc của một người làm báo nữ…
Đầu năm 2020, khi dịch COVID-19 bùng phát, dù được Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh ưu tiên cho nữ quân nhân có con nhỏ nghỉ tại gia đình, nhưng nghĩ đến nhiệm vụ công tác chuyên môn, chị đề xuất xin ở lại làm việc.
Công việc ngày thường đã nhiều, khi có dịch, càng bộn bề thêm. Bộ phận Phát thanh - truyền hình của đơn vị phải làm gấp đôi, vừa duy trì chuyên mục, tuyên truyền trên các báo đài, vừa sản xuất mỗi ngày thêm 4 bản tin nội bộ tuyên truyền phòng chống dịch. Nhiều thời điểm, buổi sáng chị ở khu cách ly này, chiều lại đi khu cách ly khác để làm tin, phóng sự. Chiều 30 Tết, chị vẫn còn mang đồ bảo hộ quay phim ở khu cách ly, để những câu chuyện nơi tuyến đầu chống dịch kịp thời được phản ánh…
Hậu phương cho… chính mình
Nhiều người luôn nhìn thấy một nữ quân nhân dịu dàng, cần mẫn, nhưng ít ai biết rằng, đằng sau hình ảnh ấy là những gánh nặng riêng tư mà chị âm thầm mang gánh...
Nhiều năm rồi, chị Trang là hậu phương cho... chính mình. Căn nhà chỉ có chị và cậu con trai 9 tuổi bị rối loạn phổ tự kỷ từ nhỏ. Vừa lo cho con, vừa miệt mài chạy với tin tức, công việc, chị giữ vững cả hai vai trò với sự điềm tĩnh và nghị lực rất lớn của một bà mẹ. Chị làm tất cả công việc, một mình.
Năm 2019, chị Trang được Quân khu 5 điều động tập luyện tham gia Liên hoan Tuyên truyền viên giỏi phụ nữ Quân đội khu vực phía Nam. Đã từng đoạt giải tuyên truyền viên giỏi cấp Quân khu năm 2018, chị cũng nhanh chóng bắt nhịp với yêu cầu nhiệm vụ của một tuyên truyền viên đa năng trên sân khấu. Thương cậu con trai, chị nhờ bà ngoại chăm sóc, từ chối ở lại căn phòng do Cục chính trị bố trí để tập luyện, xin phép lãnh đạo đơn vị được cơ động đi về trong suốt quá trình luyện tập.
Những buổi tối đầu tiên, chị tranh thủ bắt xe dịch vụ về với con. Tiền xe đi lại khá nhiều, lại không chủ động thời gian, gần một tháng ròng sau đó, chị đều đặn đi về hai chiều Tam Kỳ - Đà Nẵng bằng xe máy. Con ngủ, chị lại đèn đuốc tranh thủ học kịch bản, 5 giờ sáng lại chạy xe ra Đà Nẵng kịp giờ tập luyện.
Con nuôi gia đình liệt sĩ
Chị Trang kể, năm 2010, trong lần đi tìm mộ liệt sĩ tại thôn 7 (xã Tiên Lãnh, huyện Tiên Phước), chị được nghe kể chuyện về liệt sĩ Tạ Thị Kim Thoa, đơn vị Công binh Z11 (Tỉnh đội Quảng Nam), hy sinh tháng 7/1970, lúc đó cô vừa tròn 19 tuổi. Suốt 2 ngày tìm mộ cùng gia đình, ngoài nhiệm vụ của một phóng viên, việc gì của gia đình chị cũng xông xáo phụ giúp. “Sự mất mát đau thương của gia đình liệt sĩ là quá lớn, không có gì bù đắp nổi. Tôi giúp gia đình như người nhà chính vì xuất phát từ tình cảm của mình, cũng là để bù đắp sự mất mát đau thương của gia đình. Từ chuyến đi đó, gia đình liệt sĩ nhận tôi làm con nuôi. Đó là niềm hạnh phúc mà tôi không thể nào nguôi quên” - chị kể lại.
Kịch bản thay đổi liên tục, đến tận đêm trước ngày khai mạc hội thi ở Khánh Hòa, chị cùng một bạn diễn phải xuyên đêm học luyện. Chuyến đi đó, đơn vị Quân khu 5 đoạt giải chương trình xuất sắc và được chọn công diễn bế mạc Liên hoan. Chị Trang cũng vinh dự được công nhận Tuyên truyền viên giỏi phụ nữ quân đội.
Chị không kể nhiều. Có lẽ, đi qua những gian lao, vất vả suốt nhiều năm ròng, chị đã quen với việc phải mạnh mẽ, tự mình đối diện và vượt qua mọi việc. Nhẹ nhàng mà kiên định, như lần tất tả đưa mẹ và con trai vào đơn vị để trú bão, còn mình thì lặng lẽ khoác ba lô, mang máy quay theo chân đoàn bộ đội tiến về phía núi trong đêm, để cứu lấy đồng bào trong cơn thảm nạn sạt lở.
Tôi thường hay đùa chị là “mẹ đơn thân”. Một mình tất tả đưa đón con học hành, chăm con ốm đau. Một mình quán xuyến việc nhà hai bên nội ngoại. Chị là vợ người lính Việt Nam đang đóng quân tại Lào.
Đã từng là bộ đội, chị Phan Quế Hà (hiện công tác tại Hội VHNT Quảng Nam) nói, chị hiểu những nguyên tắc mà một người lính biên phòng phải tuân thủ. Vậy nên khi chồng có quyết định công tác tại Lào cách đây hơn 4 năm, chị Hà chọn cách động viên chồng. Mọi việc ở nhà, một tay chị quán xuyến.
Khi ấy, đứa con nhỏ vừa bước vào THCS. Con trai lớn chuẩn bị thi đại học. Những ngày mấy mẹ con gồng mình với lịch học kín đặc. Năm 2019 là thời điểm chồng chị - thầy thuốc quân y làm nhiệm vụ trên đất Lào. Vị thầy thuốc quân y lo tròn vo cho từng bệnh nhân người Lào ở tuyến biên giới. Thì, ngay trong gia đình, những “bệnh nhân đặc biệt” của anh phải tự chăm nhau.
Nhớ lại những ngày gồng gánh một mình trong hoàn cảnh đặc biệt, chị Hà nói, hình như... cũng không vất vả mấy. Vì chị đã quen như vậy! Ngày dịch giã, một tay người phụ nữ toan lo cho sinh hoạt khép kín của những bệnh nhân COVID-19, khi ấy, khu nhà chị ở là nơi bị buộc phải cách ly.
Từng câu chuyện như một thước phim quay chậm. Nói không để tâm, không chạnh lòng sẽ không đúng với tâm lý của phụ nữ. Nhưng bởi, người vợ bộ đội này đã xa chồng từ những ngày... mới cưới. Khi ấy, anh công tác tại Tây Nguyên, chị lại sống ở Quảng Nam. Những chuyến đi đi về về của vợ chồng trẻ trở thành niềm mong đợi mỗi cuối tuần. Nhưng từng đứa con ra đời, mỗi chuyến đi, có lẽ xen cả tiếng thở dài.
Hà nói, mọi thứ rồi cũng qua. Ngày anh ở Lào, trong thời điểm mọi di chuyển giữa cơn dịch bệnh buộc phải được kiểm soát, thì cha ruột chị Hà mất. Người phụ nữ quen với gánh gồng khi ấy gục ngã, khóc nấc lên ở hành lang bệnh viện. Bên cạnh chị lúc này, là người mẹ và đứa em cũng đang mắc bệnh, cô em gái thì cách ly trong Sài Gòn. Quế Hà nói, chỉ duy lúc ấy, chị thấy mình thật đơn độc!
Chồng chị không về được để tang cha vợ - vì nhiệm vụ ở biên cương. Sau này, khi COVID-19 trở thành một bệnh truyền nhiễm, người con rể bộ đội mang theo lời xin lỗi trong những lần giai tiết, nhang khói trên bàn thờ cha. Chị Hà nói, ba chị cũng là một người lính. Trong chiến trận, sự sống và cái chết chỉ cách nhau gang tấc. Sau này yên bình, trong số những con rể, ông vẫn quý nhất anh lính bộ đội. Và thương nhất cô con gái làm vợ bộ đội. Vì ông, có lẽ là người tỏ tường nhất những cam chịu thầm lặng của phía hậu phương.
Người phụ nữ tôi hay đùa là “mẹ đơn thân”, vẫn ánh lên những tia nhìn rạng rỡ khi ai đó nhắc chuyện người lính. Với chị, đó là niềm tự hào. Không quá nhiều những khó khăn trong cuộc sống hằng ngày được người vợ bộ đội kể ra.
Chỉ toàn những chuyện vui ríu rít về cuộc sống của người lính Việt Nam ở vùng biên giới hai nước. Chị nói, những lúc ổn ổn, tầm 4 tháng anh có phép về thăm vợ con. Hơn nửa tháng, người đàn ông là bộ đội này quanh quẩn sửa từng góc nhà, chăm chuốt cho từng góc bếp. Hình như, căn nhà ấm và rộn tiếng cười vì có người đàn ông ở xa về.
Câu chuyện của người vợ bộ đội xứ Quảng, hình như cũng là tâm tình của rất nhiều “phên giậu” của người lính biên cương. Nếu bộ đội biên phòng là hàng rào vững chắc của Tổ quốc, thì những người thân gia đình lại chính là chỗ tựa chắc chắn, là “phên giậu” ngăn những lo toan từ phía sau, với đúng nghĩa hậu phương của những người ngày đêm vì Tổ quốc.
Vài tháng nữa, người chồng bộ đội của bạn tôi sẽ... xuất ngũ, về hưu. Tuổi ngoài 50, trọn 30 năm anh dành ở các vùng biên viễn, cho những người dân nghèo khó vùng sâu vùng xa của nước Việt và Lào. Những ngày sau này, cuộc đời dành lại cho vợ con. Hà nói, hai vợ chồng kịp chắt chiu dành dụm để làm một căn nhà khang trang vùng ngoại ô thành phố. Anh sẽ trồng rau, nuôi gà và có khi làm một phòng khám tại nhà, dành cho người nghèo.
Sẽ có những bữa cơm thật nóng từ bàn tay người lính, chờ chị về...
Vài năm trước, con trai đầu của Thượng tá Zơrâm Thức - Chính trị viên Đồn Biên phòng Bình Minh (Thăng Bình) thi đỗ vào Học viện Biên phòng. Chặng đường chờ đón người đồng đội trẻ, lại bắt đầu...
Anh Thức nói, sự đồng hành của mình không nhằm nhò gì so với những hy sinh thầm lặng của người vợ trong suốt nhiều năm, vừa chăm lo công việc gia đình, chăm sóc con cái, vừa hoàn thành nhiệm vụ của một giáo viên tiểu học. “Nếu không thấu hiểu công việc của chồng, không yêu thương gia đình, chồng con thì rất khó để làm tốt trách nhiệm hậu phương quân đội. Điều trân quý hơn cả, là bây giờ vợ của mình vừa làm hậu phương cho chồng và con” - Thượng tá Zơrâm Thức nói.
Theo bước con đi
Thượng tá Zơrâm Thức kể, từ nhỏ Zơrâm Trọng Thái đã rất thích màu áo xanh của lính biên phòng. “Vài năm trước, trong một lần về phép, lúc ấy Trọng Thái vừa học xong cấp 2 đã nói với mình về dự định sẽ theo học ở một trường đào tạo quân đội. Lúc đó, mình động viên con cố gắng học hết cấp 3, nếu có nguyện vọng thì đăng ký dự thi. Không ngờ, vài năm sau, Trọng Thái thi thật” - anh Zơrâm Thức chia sẻ.
Ngày Trọng Thái nhập trường, anh Thức theo con ra Hà Nội để làm thủ tục. Hành trình theo bước chân con khiến anh gợi nhớ câu chuyện của chính mình vào năm 1999, thời điểm ấy anh trúng tuyển tại Đại học Biên phòng (nay là Học viện Biên phòng). Từ Đồn Biên phòng 661 (Đắc Pring, Nam Giang) anh Thức xin phép đơn vị về thăm nhà, trước khi nhập học. Đường núi hiểm trở, anh đi bộ xuyên đêm, lúc đến nhà đã 2 giờ sáng.
Vừa đến nhà, anh Thức vội báo tin vui cho gia đình. Ngay trong đêm, cha anh mổ heo, tổ chức bữa tiệc liên hoan con trúng tuyển Đại học Biên phòng. “Ngày hôm sau mình lên đường, vì phải ra Hà Nội nhập học. Thịt heo liên hoan được cha chế biến thành lương khô, đưa cho mình mang ra mời bạn bè, đồng đội. Rồi ông cùng mình men theo đường rừng xuống tận TP.Đà Nẵng” - anh Thức nhớ lại.
Sau này, khi Zơrâm Thức ra trường và công tác ở đơn vị biên phòng, lần lượt những người em trong gia đình gồm Zơrâm Thất, Zơrâm Thượt, Zơrâm Moan đều nối nghiệp anh tham gia nghĩa vụ quân sự. Điều khá trùng hợp, là tất cả 3 người em của Zơrâm Thức đều được bố trí rèn luyện ở môi trường biên phòng.
Biết ơn người đồng hành
Anh Zơrâm Thức kể về hành trình của mình, luôn miệng nhắc đến người vợ. Hơn ai hết, anh biết rõ sự hy sinh thầm lặng của “hậu phương” để anh hoàn thành nhiệm vụ người lính. Dù chị Zơrâm Thị Hồng - Tổng Phụ trách đội của Trường Tiểu học Zơ Nông (Thạnh Mỹ, Nam Giang) không nói ra nhưng trong tâm thâm của mình, anh Thức luôn biết ơn sự đồng hành.
“Năm 2004, vợ mình sinh con đầu lòng. Lúc ấy chưa có điện thoại thông minh như bây giờ. Trước lúc sinh nở, vợ chồng mình đều đặn trao đổi thông tin qua thư. Trong một bức thư, mình có nhắn vì công việc khả năng sẽ không về chăm vợ được. Bẵng một thời gian sau, mình về thăm phép, thật bất ngờ và xúc động khi hay tin vợ đã hạ sinh con trai đầu lòng” - anh Thức kể.
Câu chuyện của anh Thức làm chúng tôi liên tưởng đến Trung tá Bríu Na - Trợ lý Ban Dân vận (Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh). Anh Bríu Na nói, là chiến sĩ quân đội, anh thường xuyên công tác xa nhà. Mặc dù đơn vị rất quan tâm đến chính sách hậu phương quân đội nhưng mỗi lần về chỉ khoảng thời gian ngắn ngủi.
Với Bríu Na, kỷ niệm không thể nào quên chính là lúc vợ sinh con đầu lòng. “Tôi chỉ có thể về nhà vài ngày rồi lại phải lên đơn vị. Căn nhà nhỏ, nơi vợ chồng tôi mới bên nhau, từ khi động thổ đến ngày hoàn thiện chỉ mình vợ cáng đáng. Bên cạnh công việc của người chồng là sự hy sinh thầm lặng của người vợ. Đó là những kỷ niệm đẹp, là sự đóng góp nhỏ bé của nhà mình cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc” - Bríu Na chia sẻ.
Tri ân với người đồng hành đã, đang và sẽ là hậu phương kiên cường cho những người lính trên tuyến đầu là cách mà các chiến sĩ và các đơn vị quân đội đang triển khai thực hiện. Phía sau những thành công, chiến công của người lính luôn có bóng dáng của gia đình, hậu phương vững chắc. Họ không chỉ là nguồn sức mạnh mà còn là niềm tin, là tình yêu mãnh liệt giúp người lính vượt qua mọi thử thách trên hành trình bảo vệ Tổ quốc.
Nội dung: ĐĂNG NGUYÊN - YÊN CHI - THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC - ĐĂNG GIANG
Trình bày: MINH TẠO