(VHQN) - Hơi gió nồng vị biển. Giữa đất trời lồng lộng, biển khơi ban tặng con người những thức quà quý. Cùng cá tôm, hạt muối biển không dưng nồng đượm.
Hạt muối mặn. Mồ hôi của diêm dân còn mặn hơn. Cả trăm năm xoay giữa biển trời nắng gió, họ vẫn bám nghề - dẫu khi sung túc, lúc vất vả, tùy theo thời. Vùng làm muối ở Việt Nam nhiều và đa dạng cách làm, từ Bắc chí Nam, tùy theo thổ nhưỡng từng miền.
Nhọc nhằn đội nắng giữa đồng. Cả lưng đàn ông hay đàn bà, đẫm ướt vị mặn mồ hôi. Nhìn từ trên cao, khung cảnh như một bức tranh nghệ thuật. Nhưng thực tế, những vùng muối ngàn đời của cư dân Việt, vẫn đang nổi nênh bởi thị trường tiêu thụ hẹp dần. Tìm đường cho hạt muối biển trở thành đặc sản thương hiệu của Việt Nam, rồi ước mơ vươn ra thế giới, vẫn còn mơ hồ.
Con đường muối không chỉ hằn những vết dấu trên bãi. Hột muối đi vào vị mắm mặn mòi. Con cá cơm than ủ chượp cùng muối biển, làm nên chai mắm truyền thống, thơm hương qua từng ngày tháng.
Trong lịch sử, nhắc tới “con đường muối”, người xứ Quảng còn liên tưởng đến một cung đường đi dọc theo dãy Trường Sơn, là dấu tích của sự giao lưu buôn bán của người Cơ Tu.
Muối, là sản phẩm quý giá nhất trong cuộc trao đổi giữa miền ngược và miền xuôi. Những dấu tích về các điểm cúng muối hay những ký tự cổ được cho là chữ Phạn trên vách đá ở Achia (xã Lăng, Tây Giang), hồ như là di sản còn lại trên “con đường muối” đặc biệt này.
Dưới nắng trời và gió biển, đổ bóng những dáng hình của “muối”...