Công an chính quy về xã bổ sung lực lượng để đấu tranh phòng chống tội phạm. Từ biên giới trập trùng mây đến những đô thị rực ánh đèn, vượt qua màn tối, các anh miệt mài theo dấu tội phạm, đưa ra ánh sáng...
Mở lối hoàn lương
Những hành trình lần theo dấu vết đối tượng truy nã bao giờ cũng mờ mịt với lượng thông tin khá ít ỏi, thậm chí gần bằng không. Đối tượng tinh vi giấu rất kỹ hành tung, cảnh giác cao độ, tạo vỏ bọc hiền lành, sống lương thiện, cắt đứt liên lạc với nhiều người thân, gia đình nên việc tìm kiếm như mò kim đáy bể
Nhưng việc “mò kim” ấy, lại trở thành đam mê kỳ lạ của Đại úy Trần Huy Phương - cán bộ Công an thị trấn Hà Lam (Thăng Bình).
“Ngoài những lúc bận công tác của cảnh sát khu vực, tôi dành thời gian nghiên cứu hồ sơ truy nã, lặn lội xác minh các kết nối và đi tìm đối tượng. Tôi đã đi rất nhiều lần, thậm chí có lần bỏ tiền túi của mình để trả vé máy bay, trả tiền xe, chỉ để tìm cho được đối tượng. Đó hình như là một cái duyên, vì đam mê công việc” - Đại úy Trần Huy Phương nói.
Những cuộc “tróc nã” lướt nhanh trong trí nhớ của anh khi chúng tôi gợi nhắc. Đại úy Trần Huy Phương nói, trong rất nhiều vụ, anh đều dành thời gian vận động đối tượng truy nã đầu thú, để mở cho họ sự khoan hồng, tìm thấy ánh sáng hoàn lương sau khi đã trót phạm lỗi lầm. Tâm lý tội phạm đã phức tạp, tâm lý của những kẻ phạm tội và quyết tâm bỏ trốn còn phức tạp gấp nhiều lần.
Tháng 4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP.Đà Nẵng ra Quyết định truy nã đặc biệt đối với Phan Văn Thuận (SN 1998, trú tại khối phố 6, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình) về tội “Giết người”.
Hồ sơ nhanh chóng được gửi đến Công an thị trấn Hà Lam và nằm trên bàn làm việc của cảnh sát khu vực Trần Huy Phương, khi đó đang mang hàm Thượng úy.
Tìm hiểu, anh biết được Thuận khá rành rõi về công nghệ thông tin, mọi dấu vết liên quan đến mạng xã hội đều bị xóa. Điều nghiên thêm, biết Thuận đã trốn đi Singapore, anh dành thời gian lên nhà đối tượng vận động gia đình, vì biết Thuận sẽ liên lạc về nhà.
Bằng sự mềm mỏng, kiên trì, thông qua gia đình, anh nói chuyện được với Phan Văn Thuận, phân tích những cơ hội để được khoan hồng nếu Thuận chấp nhận đầu thú.
Khi Thuận đã “xuôi”, đồng ý về đầu thú, Thượng úy Trần Huy Phương xin ý kiến cấp trên rồi trực tiếp vào làm việc với hải quan, công an cửa khẩu Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất để sẵn sàng tiếp nhận. Nhưng Thuận về đến Philippines thì đổi ý. Lại trò chuyện, đặt một vé máy bay khác, Thuận gật đầu, sau đó... lại tiếp tục đổi ý.
Ba lần “xé vé”, cũng là ba lần Thượng úy Trần Huy Phương phải bình tĩnh, khôn khéo tìm cách liên lạc, vận động và thuyết phục thành công. Đêm 9/7/2023, Phan Văn Thuận xuống sân bay Tân Sơn Nhất và được tiếp nhận, dẫn giải và bàn giao cho Công an TP.Đà Nẵng thụ lý theo thẩm quyền.
“Khó khăn lớn nhất, là phải đọc được tâm lý của đối tượng trong từng phút, hiểu được điểm yếu, điểm mạnh, đặc thù về tình cảm. Tội phạm truy nã, dẫu nấp trong bóng tối, nhưng vẫn có một sợi dây kết nối nào đó với người thân. Quan trọng là phải tìm được “sợi dây mỏng” ấy, giữ và lần tìm. Ít nhất 14 vụ liên quan đối tượng truy nã, tôi đều mở cơ hội để họ được đầu thú, nhận khoan hồng của pháp luật.
Trong vụ Phan Văn Thuận, gia đình đối tượng sau đó xuống tận nơi cảm ơn tôi, vì khi đưa ra xét xử, xét nhiều tình tiết, trong đó có việc đầu thú, Thuận được chuyển sang tội danh khác với mức án nhẹ hơn, có cơ hội làm lại cuộc đời” - Đại úy Trần Huy Phương tâm sự.
Dấu chân thầm lặng
Không chỉ gần dân, công an xã gieo thêm nhiều niềm tin nhờ sự tinh nhuệ, hiện đại. Chúng tôi gặp Thiếu tá Nguyễn Xuân Bằng - Trưởng Công an thị trấn Thạnh Mỹ (Nam Giang) khi anh vừa khép lại hồ sơ, chuyển giao đối tượng trộm cắp cho Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Nam Giang.
Đó là vụ việc mà Công an thị trấn Thạnh Mỹ tiếp nhận thông tin từ ứng dụng định danh điện tử VNeID của một phụ nữ đang điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Nam Giang trình báo bị trộm lấy cắp điện thoại.
Thiếu tá Nguyễn Xuân Bằng cùng một cán bộ công an xã lập tức tiếp cận xác minh thông tin từ bị hại, triển khai thu thập, nắm tình hình. Nguyên là trinh sát hình sự, chỉ khoảng 12 giờ sau khi tiếp nhận thông tin Công an thị trấn Thạnh Mỹ lần ra dấu vết, bắt giữ đối tượng Arất N.G, thu hồi tang vật.
“Ở mỗi địa bàn có mỗi đặc thù riêng. Trước khi công tác ở thị trấn Thạnh Mỹ, tôi từng có thời gian làm Trưởng Công an xã Chà Vàl, một xã vùng cao của Nam Giang. Ở đó, ngoài việc đảm bảo an ninh, còn phải vận động bà con từ bỏ hủ tục, chấp hành các chủ trương của Đảng, Nhà nước.
Tôi cùng anh em từng tự tay “khiêng ma”, tức khiêng quan tài của người “chết xấu” đi chôn cất để bà con thấy, nghe theo, từ bỏ sự cuồng tín với hủ tục. Về thị trấn, vẫn phải dốc sức cùng đồng nghiệp để xây dựng các mô hình an ninh, lan tỏa thông tin phòng chống tội phạm qua Facebook, Zalo, tiếng loa an ninh. Vất vả, nhưng đổi lại là yên bình cho dân, để bà con vững tin vào lực lượng công an, vào chính quyền” - Thiếu tá Nguyễn Xuân Bằng nói.
Ngày cũng như đêm, vẫn mải miết những hành trình của rất nhiều cán bộ chiến sĩ công an chính quy được điều động về các xã. Từ biên giới xuống miền xuôi, những ngôi làng biệt lập ở rẻo cao hay xã đảo nơi đầu sóng, công an xã miệt mài đến từng nhà, gặp từng người, cùng đi qua biết bao đợt cao điểm, vận động giao nộp vũ khí, trang bị bình chữa cháy...
Công an xã mang theo bộn bề đầu việc khi cùng ở với dân, nhưng vẫn luôn có mặt. Lúc nguy khó nhất, cũng chính là lúc người dân cần các anh nhất.
Tháng 5, người dân Cơ Tu ở làng Ahu (xã A Tiêng, Tây Giang) vẫn miệt mài công việc đan lát, dệt thổ cẩm sau mùa thu hoạch. Ngôi làng bình yên phía thung lũng Ahu trở nên xinh đẹp với cánh đồng ruộng lúa nước và hàng cây phủ xanh lối đi. Tất cả như được hồi sinh sau trận lũ quét bất ngờ vào 4 năm trước. Chính xác là vào tháng 9/2020.
Ông Abing Trái, một người dân ở làng Ahu vẫn nhớ như in trận lũ bất ngờ “đổ bộ” từ thượng nguồn sông A Vương khiến cả 7 hộ dân với gần 30 nhân khẩu của làng bị mắc kẹt. Sự việc ngay lập tức được báo về xã.
Lực lượng công an chính quy kịp thời có mặt tại hiện trường, phối hợp với đội cứu hộ Công an huyện Tây Giang bàn phương án cứu dân. Rất nhiều phương án được đưa ra, trong tình thế cấp bách, lực lượng chức năng quyết định giăng đường dây để đội cứu hộ đu qua không trung tiếp cận và đưa người dân thoát khỏi dòng lũ nguy hiểm.
“Lúc đó, khoảng cách hai bờ khá rộng, việc đu dây qua sông là điều không hề dễ, bởi lũ ngày càng chảy xiết. Nhưng, các chiến sĩ công an vẫn kiên trì và khẩn trương.
Họ bất chấp hiểm nguy, đu mình trên dây, mò mẫm tiếp cận, rồi dùng dây, áo phao đưa từng người dân chúng tôi bị mắc kẹt sang bờ an toàn. Nếu không có sự dũng cảm và quyết tâm của lực lượng công an sớm băng lũ để tiếp cận, kịp thời báo cáo lực lượng chi viện, chắc “chết xấu” đã đến với làng” - ông Abing Trái nhớ lại.
“Phấn đấu để Quảng Nam không phải là đất sống của tội phạm” - lời nhắn nhủ của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng tại hội nghị triển khai công tác công an năm 2024 được tổ chức vào đầu năm, vẫn đang được hiện thực bằng rất nhiều nỗ lực của lực lượng công an Quảng Nam nói chung, công an chính quy về xã nói riêng. Phía sau yên bình, vẫn còn đó những giọt mồ hôi và cả máu của các anh đổ xuống, vì xứ Quảng, vì Tổ quốc hôm nay...