Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông: Giảm nhân lực, tăng tương tác

HOÀNG THƠ 20/06/2021 05:44

Truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông (CNTT-VT) ra đời đi cùng với lộ trình xây dựng chính quyền số, xây dựng chính quyền thông minh.

Cán bộ truyền thanh xã Duy Phước (Duy Xuyên) điều hành hệ thống truyền thanh IP.
Cán bộ truyền thanh xã Duy Phước (Duy Xuyên) điều hành hệ thống truyền thanh IP.

Ứng dụng nêu trên sẽ góp phần giúp người dân dễ dàng tương tác với chính quyền. Đồng thời chính quyền giải được bài toán khó về nhân lực. Tuy nhiên, mô hình này đòi hỏi người làm truyền thanh phải thay đổi tư duy, trình độ để đáp ứng công việc, phù hợp xu thế phát triển tất yếu.

Buộc phải chuyển đổi

Quảng Nam đặt mục tiêu đến năm 2023 đầu tư mới hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT 76 xã, trong đó có 55 xã có đài truyền thanh không dây băng tần 87 Mhz- 108Mhz hết hạn giấy phép sử dụng tần số giai đoạn 2020 - 2023 và không được cấp lại giấy phép, 7 xã chưa có đài truyền thanh và 17 xã có đài truyền thanh hư hỏng, xuống cấp. Xây dựng hệ thống quản lý thông tin nguồn của tỉnh, kết nối và chia sẻ dữ liệu với hệ thống thông tin nguồn Trung ương, các hệ thống thông tin khác của tỉnh và đồng bộ trên hệ thống đài truyền thanh của tỉnh, cấp huyện, cấp xã trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2021 - 2023.

Theo thống kê của Sở TT-TT, toàn tỉnh hiện có 233 đài truyền thanh cơ sở, trong đó có 14 đài truyền thanh hữu tuyến, 14 đài vừa hữu tuyến vừa vô tuyến, 201 đài truyền thanh vô tuyến FM, 9 đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT.

Triển khai thực hiện các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch truyền dẫn phát sóng, phát thanh truyền hình đến năm 2020; phê duyệt Đề án “Nâng cao hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở dựa trên ứng dụng công nghệ thông tin”; và Thông tư của Bộ TT-TT về việc Quy hoạch sử dụng kênh tần số cho phát thanh FM; các đài truyền thanh không dây không được cấp mới trong băng tần 87 Mhz-108Mhz.

Do đó từ năm 2019 - 2023, trên địa bàn tỉnh có 55 đài truyền thanh không dây đang hoạt động trong băng tần 87 Mhz-108Mhz sẽ không đủ điều kiện để gia hạn giấy phép và cấp mới giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện và sẽ không được tiếp tục hoạt động.

Vì vậy cần có kế hoạch chuyển đổi các đài truyền thanh không dây tần số cao sang phương thức truyền thanh ứng dụng CNTT-VT phù hợp theo Quyết định của Thủ tướng chính phủ. Trong đó, ưu tiên chuyển đổi trước cho các đài truyền thanh không dây băng tần 87Mhz-108Mhz theo thời hạn của giấy phép sử dụng tần số và thiết bị vô tuyến điện.

Hệ thống đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT hay còn gọi là truyền thanh thông minh (IP) ra đời là một phương thức thích hợp nhất. Giải pháp này giúp đài truyền thanh cơ sở tiết kiệm thời gian và nhân lực vận hành.

Chỉ cần ở tại một địa điểm có mạng internet, trên máy tính hoặc smart phone, cán bộ vận hành có thể kiểm tra được hoạt động của toàn bộ hệ thống, lập lịch tiếp âm phát sóng trước cho ngày, tuần, tháng.

Qua đó, cán bộ vận hành chủ động về thời gian, tổ chức vận hành tốt hoạt động của đài một cách thuận lợi. Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT là đáp số của bài toán đi tìm lời giải cho phương thức hoạt động của đài truyền thanh cơ sở và gỡ được nút thắt về nguồn nhân lực.

Đầu tư lâu dài

Hiện nay, trên địa bàn Quảng Nam có 9 xã đã triển khai giải pháp truyền thanh ứng dụng CNTT-VT. Bao gồm: Trà Sơn, Trà Giác (Bắc Trà My), Duy Thu, Duy Trung, Duy Hòa, Duy Phước  và Duy Nghĩa (Duy Xuyên), Cẩm Thanh, Tân An (Hội An) từ nguồn ngân sách Chương trình mục tiêu do tỉnh cấp và nguồn ngân sách huyện, xã. Năm 2020, xã Duy Hòa quyết định chuyển đổi phương thức hoạt động của Đài truyền thanh từ hữu tuyến sang ứng dụng CNTT-VT.

Trang thiết bị của đài được đầu tư gồm: bản quyền phần mềm; máy tính xách tay; bộ truyền thanh kỹ thuật số; 17 cụm loa phóng thanh - 34 loa cộng cộng; sim  3G gói cước hoạt động 2 năm. Qua gần 9 tháng đi vào hoạt động, hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT đã thực sự phát huy được hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Đình Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Duy Hòa: “Hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT của xã thực sự đã phát huy được hiệu quả, giúp địa phương gỡ khó việc thiếu cán bộ làm truyền thanh hiện nay. Mặt khác qua thời gian kiểm định cho thấy, hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT hoạt động thông suốt, ở đâu có sóng 3G/4G là ở đó có truyền thanh, chất lượng âm thanh tốt, hiệu quả thông tin, tuyên truyền cao”.

Hay như anh Nguyễn Tùng làm cán bộ truyền thanh xã Duy Trung hơn 30 năm nay, bày tỏ: “Đài truyền thanh ứng dụng CNTT-VT rất hữu hiệu, công việc bớt vất vả so với truyền thanh vô tuyến như trước đây”.

Dù không còn được chú trọng như trước đây, nhưng trong những tình huống đặc biệt, khó có loại hình truyền thông nào thay thế được vai trò của truyền thanh cơ sở. Điều dễ nhìn thấy rõ nhất là vai trò của đài truyền thanh cơ sở trong đại dịch Covid-19, trong bão số 9 năm 2020, hay mới đây nhất là cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp.

Theo đó, những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước; quá trình tuyên truyền của cấp ủy, chính quyền đến với người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, cổ vũ toàn dân đi bầu cử và chủ động phòng chống thiên tai được triển khai sâu rộng, kịp thời.

Với những ưu điểm nêu trên, Sở TT-TT và các sở ngành của tỉnh đã tích cực tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2021 - 2025.

Tại Kỳ họp lần thứ 23, HĐND tỉnh khóa IX ngày 19.4.2021 đã ban hành Nghị quyết số 29 về hỗ trợ xây dựng hệ thống truyền thanh ứng dụng CNTT-VT với kinh phí đầu tư gần 34,275 tỷ đồng từ nguồn Trung ương, tỉnh và huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hệ thống truyền thanh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông: Giảm nhân lực, tăng tương tác
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO