Mô hình Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự sẽ được áp dụng dựa trên Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng chống thiên tai và các quy định khác có liên quan trong công tác phòng chống thiên tai thời gian tới; Quảng Nam chủ động triển khai, đáp ứng nhiệm vụ đặt ra.
Duy trì “4 tại chỗ”
Thường xuyên đối mặt với thiên tai, các địa phương trên toàn tỉnh đã tích lũy được khá nhiều kinh nghiệm trong ứng phó.
Theo ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai (PCTT) và tìm kiếm cứu nạn (TKCN) tỉnh, nhờ triển khai sớm các kế hoạch, phương án ứng phó theo cấp độ rủi ro, nên khi thiên tai xảy ra, công tác chỉ đạo ứng phó rất kịp thời, có đầy đủ công cụ, lực lượng để tham gia.
Tuy nhiên, thời tiết diễn biến cực đoan, diễn biến khó lường của biến đổi khí hậu khiến Quảng Nam phải đối mặt với nhiều loại hình thiên tai khốc liệt hơn năm trước.
Bao gồm nắng nóng kéo dài gây hạn hán, xâm nhập mặn ở đồng bằng và thiếu nước sinh hoạt ở miền núi; mưa lớn kéo dài gia tăng tình trạng lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất...
“Vào 1/7 sắp tới, khi Luật Phòng thủ dân sự (PTDS) có hiệu lực, việc kiện toàn ban chỉ huy PTDS cần được thực hiện theo đúng quy định. Ban chỉ huy PTDS các cấp sẽ tập trung hoàn thiện kế hoạch PCTT và phương án ứng phó, trong đó duy trì phương châm “4 tại chỗ”.
Đối với một số nội dung khác, sẽ phải tính toán điều chỉnh, trong đó có cả quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn.
Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN sẽ tích cực tham mưu, kiện toàn để thành lập ban chỉ huy PTDS để đến ngày 1/7 có thể đi vào hoạt động ngay, thay thế cho mô hình hiện tại” - ông Trương Xuân Tý nói.
Theo Thượng tá Huỳnh Kim Ngọc - Phó Tham mưu trưởng Ban Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh, trong công tác PCTT&TKCN, thời gian qua Ban CHQS tỉnh luôn vận dụng tốt phương châm “4 tại chỗ”, xây dựng kế hoạch và tổ chức hiệp đồng chặt chẽ với 12 đơn vị quân đội của bộ, quân khu đứng chân trên địa bàn Quảng Nam và Đà Nẵng về công tác PCTT&TKCN.
Căn cứ tình hình từng địa phương, tính chất, nhiệm vụ của các đơn vị hiệp đồng, ban chỉ huy phân chia địa bàn cụ thể cho các đơn vị hiệp đồng sát với điều kiện của mỗi đơn vị. Đồng thời triển khai cho các địa phương trực tiếp bàn bạc thống nhất quân số và cách xử trí các tình huống xảy ra.
“Ban chỉ huy đã trang bị cho các địa phương thường xuyên xảy ra lũ, lụt các phương tiện ca nô, nhà bạt, phao cứu sinh, áo phao, phao bè, đủ điều kiện để thực hiện nhiệm vụ PCTT và dự trữ một số trang bị sẵn sàng giúp đỡ các địa phương vùng bị nạn.
Các đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng cơ động chuẩn bị sẵn tại kho mỗi người đủ dùng một tuần lương thực, thực phẩm, các địa phương dự trữ đầy đủ nguồn lương thực, thực phẩm đảm bảo cho nhân dân dùng trong một tháng” - Thượng tá Huỳnh Kim Ngọc cho hay.
Hiệp đồng chặt chẽ
Theo đánh giá, thời gian qua công tác PTDS đã được triển khai đồng bộ, đạt được những kết quả quan trọng trong phòng chống, khắc phục hậu quả sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa, góp phần quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Công tác chỉ đạo, chỉ huy và phối hợp giữa các lực lượng xử lý khi có tình huống được vận hành thông suốt, bảo đảm huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực của địa phương nhằm tăng cường khả năng phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do sự cố, thiên tai, dịch bệnh, thảm họa gây ra.
“Sắp tới đây, khi chuyển đổi, các đơn vị, ban ngành phải chủ động trong hiệp đồng triển khai nhiệm vụ, nắm thời cơ. Từng địa phương đơn vị, từng ngành phải sớm có kế hoạch, kịp thời ban hành văn bản để đề nghị ban chỉ huy PTDS điều động lực lượng, phương tiện. Trên địa bàn tỉnh hiện nay lực lượng tham gia PTDS rất mạnh, đầy đủ từ trên không, trên biển, trên bờ.
Song để điều động phải kịp thời, bám sát kế hoạch, có văn bản đầy đủ vì liên quan đến lực lượng quân sự. Các cấp, ngành cũng phải quan tâm tuyên truyền để nhiều ngành, đoàn thể, Mặt trận cùng tham gia, đảm bảo vật chất ở từng cấp để duy trì tính chủ động” - Thượng tá Huỳnh Kim Ngọc phát biểu tại cuộc làm việc của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh.
Ban chỉ huy PTDS được nhận định sẽ giúp phát huy hiệu lực, hiệu quả, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện, kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có; không để gián đoạn trong tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhất là những tháng tới là thời kỳ cao điểm về bão lũ.
Ông Hồ Quang Bửu - quyền Chủ tịch UBND tỉnh cho hay thời gian tới, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức trách nhiệm của các thành viên về PCTT&TKCN và của cả cộng đồng.
“Quảng Nam được Trung ương biểu dương về thực hiện “4 tại chỗ” trong PCTT, cần tiếp tục duy trì và có những tiếp thu, điều chỉnh phù hợp với mô hình mới.
Gốc của vấn đề hiện nay là giữ rừng. Kinh nghiệm cho thấy nhờ giữ rừng tốt, mức độ thiên tai đã được giảm nhẹ, các thủy điện chủ động phối hợp với địa phương để đa dạng sinh kế, kêu gọi người dân trồng các loại cây giữ nước, đem lại hiệu quả kinh tế song song với việc giữ rừng tự nhiên.
Về cơ sở dữ liệu, các cấp, ngành, đơn vị phải tham mưu cho ban chỉ huy PTDS cấp tỉnh một cách bài bản, thống nhất, phục vụ hiệu quả công tác PCTT trong mùa mưa bão năm nay và những năm đến” - ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.