(QNO) - Chiều nay 30/5, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu chủ trì cuộc họp với các thành viên Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh. Cuộc họp được trực tuyến đến các địa phương.
Thiệt hại hơn 260 tỷ đồng
Theo thống kê, năm 2023, các địa phương trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng của 3 đợt mưa lớn: từ ngày 11/10 đến ngày 18/10, từ ngày 30/10 đến ngày 1/11 , từ ngày 12/11 đến ngày 17/11 .
Do ảnh hưởng của các đợt thiên tai và dông, lốc, sét, mưa lớn cục bộ đã gây thiệt hại về người, nhà ở, sản xuất nông nghiệp, kết cấu hạ tầng... Tổng thiệt hại ước tính khoảng 266 tỷ đồng.
Từ đầu năm 2024 đến nay, các địa phương Quảng Nam tiếp tục chịu ảnh hưởng của 4 đợt dông sét, mưa đá, gió giật mạnh gây thiệt hại tập trung trên địa bàn các huyện Hiệp Đức, Duy Xuyên, Đại Lộc, Bắc Trà My.
Theo đánh giá của Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, công tác phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả đã được các cấp, ngành và người dân thực hiện một cách chủ động, kịp thời và hiệu quả, góp phần giảm thiểu thiệt hại, đồng thời sớm khôi phục sản xuất, ổn định đời sống nhân dân ở các khu vực chịu ảnh hưởng.
UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đã kịp thời ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và đảm bảo thực hiện đầy đủ các biện pháp cơ bản, bao gồm sơ tán người, di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thủy sản, thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đối với cơ sở hạ tầng, sản xuất; vận hành hợp lý hồ chứa nước; kiểm tra phát hiện sự cố; hướng dẫn hạn chế người và phương tiện; đảm bảo giao thông, thông tin liên lạc; tuân thủ chỉ đạo, huy động khẩn cấp để kịp thời ứng phó thiên tai…
Các sở, ngành, địa phương, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ động huy động lực lượng, phương tiện, vật tư để ứng phó với thiên tai. Sau các đợt thiên tai, UBND tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tổ chức triển khai các biện pháp khắc phục hậu quả theo đúng các quy định hiện hành.
Tập trung ứng phó trong tình hình mới
Ông Trương Xuân Tý - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cho hay, hiện nay tổ chức bộ máy làm nhiệm vụ PCTT&TKCN ở các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh được thành lập và kiện toàn hàng năm, tuy nhiên hoạt động và làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, không có cán bộ chuyên trách nên một phần ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả tham mưu triển khai thực hiện; đặc biệt, đối với cán bộ địa phương cấp huyện, xã thường xuyên thay đổi vị trí công tác nên công tác phối hợp thực hiện còn nhiều hạn chế.
Ngoài ra, nguy cơ rủi ro sạt lở đất đối với người dân ở khu vực miền núi, ven sông, ven biển rất cao trong khi điều kiện sắp xếp dân cư còn rất khó khăn, nhất là về nguồn vốn, quỹ đất tái định cư và việc thay đổi phong tục tập quán sinh sống, sản xuất của người dân địa phương. Hệ thống cảnh báo, thông tin, truyền thông tới cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa còn hết sức khó khăn do địa hình chia cắt, dân cư phân tán.
Ông Trương Xuân Tý nhấn mạnh, từ tháng 7 sắp đến, công tác PCTT&TKCN sẽ thay đổi theo hướng thay thế ban chỉ huy PCTT&TKCN bằng ban chỉ huy phòng thủ dân sự. Các cấp sẽ tập trung kiện toàn tổ chức, hoạt động của ban chỉ huy phòng thủ dân sự và cơ quan tham mưu, hỗ trợ ra quyết định cho ban chỉ huy phòng thủ dân sự theo quy định của Luật Phòng thủ dân sự, Luật PCTT và các quy định pháp luật khác có liên quan.
"Mô hình mới này sẽ giúp phát huy hiệu lực, hiệu quả, kịp thời, tránh chồng chéo, lúng túng trong thực hiện, kế thừa, phát huy những điểm mạnh của tổ chức hiện có, không để gián đoạn trong tham mưu chỉ đạo, điều hành ứng phó sự cố, thiên tai, dịch bệnh, nhất là những tháng tới là thời kỳ cao điểm về bão, mưa lũ. Thời gian tới, toàn tỉnh tập trung đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các thành viên về PCTT&TKCN và của cả cộng đồng. Bên cạnh đó, các kịch bản ứng phó sẽ được rà soát, kiểm tra đôn đốc trước mùa mưa lũ, trước khi xảy ra bão, lũ" - ông Trương Xuân Tý thông tin.
Ông Hồ Quang Bửu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá cao sự chủ động ban đầu của các cấp, ngành và địa phương trong việc thực hiện chuyển đổi sang Ban Phòng thủ dân sự các cấp. Thời gian tới, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu yêu cầu chủ động rà soát lại kịch bản ứng phó thiên tai, sự cố, tìm kiếm cứu nạn; tổ chức giám sát, kiểm tra, đôn đốc công tác chuẩn bị phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn trước mùa mưa lũ và trước khi xảy ra bão, lũ.
"Cần xác định trọng điểm xung yếu, kịp thời khắc phục tồn tại, hạn chế, giảm thiểu nguy cơ rủi ro trước mùa mưa lũ. Ban Phòng thủ dân sự các cấp sau khi kiện toàn cần chủ động phòng ngừa từ sớm, từ xa và kiểm soát rủi ro thiên tai với phương châm “phòng là chính”. Đồng thời, cập nhật, bổ sung vào nội dung phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro để chủ động triển khai thực hiện. Trong đó, chú trọng nâng cao chất lượng dự báo, cảnh báo và theo dõi, giám sát thiên tai, dự báo sớm, kịp thời, chính xác nhất diễn biến thiên tai, nhất là mưa lớn, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để có thể ứng phó, từ đó giảm nhẹ thiệt hại, triển khai khắc phục hậu quả thiên tai nhanh chóng, kịp thời ổn định đời sống, sản xuất sau thiên tai" - ông Hồ Quang Bửu chỉ đạo.
Tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cũng khuyến nghị các địa phương tăng cường giữ rừng, tham vấn cho chính quyền, nhân dân lưu vực lòng hồ trồng các loại cây giữ nước, vừa giúp bảo vệ rừng, góp phần thích ứng biến đổi khí hậu vừa đa dạng sinh kế cho nhân dân.