Covid thay đổi xu hướng tiêu dùng

VIỆT NGUYỄN 02/02/2021 06:37

Dịch bệnh Covid-19 khiến người tiêu dùng giảm chi tiêu hàng hóa không thiết yếu. Trong khi đó, thương mại trực tuyến đang lên ngôi trong mùa dịch.

Người dân mua hàng trực tiếp ở siêu thị Cop.Mart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN
Người dân mua hàng trực tiếp ở siêu thị Cop.Mart Tam Kỳ. Ảnh: VIỆT NGUYỄN

Thói quen tiêu dùng mới

Doanh thu bán các mặt hàng khẩu trang, nước sát khuẩn của các nhà thuốc trên địa bàn tỉnh lại được dịp tăng cao vào những ngày này. Chủ động, thận trọng phòng chống dịch bệnh Covid-19 nên các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bố trí, sử dụng các mặt hàng nói trên. Người dân cũng quan tâm hơn đến khẩu trang, nước sát khuẩn nên hầu như nhà nào cũng mua sắm, sử dụng.

“Khẩu trang, nước sát khuẩn là mặt hàng bắt buộc phải ưu tiên. Tết đang đến gần nên không chỉ mua dùng cho hiện tại mà còn dự trữ cho những ngày sắp đến” - chị Phan Thanh Nhàn (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết.

Một thay đổi khác trong tiêu dùng của người dân là chú trọng tìm mua các sản phẩm, hàng hóa được sản xuất với tiêu chuẩn an toàn và chất lượng cao, nhất là các sản phẩm có chứa chất dinh dưỡng bổ trợ, vitamin nhằm tăng sức đề kháng.  tận dụng cơ hội tốt này, các sản phẩm OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm) được bán rất chạy trong những ngày qua.

Chị Phạm Thị Thu Hiền - chủ cơ sở bánh tổ “Hiền Phạm” (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) cho biết, nhờ tin tưởng chất lượng bánh tổ nên các đơn hàng dồn dập trong những ngày qua. Mừng là có thể doanh thu tăng cao nhưng lo nếu dịch bệnh Coivd-19 không được kiểm soát, khống chế tốt thì khó có thể vận chuyển hàng hóa đến nơi tiêu thụ kịp thời. “Vừa mong dịch bệnh được khống chế vừa chạy đua với thời gian để sản xuất, kinh doanh bánh tổ cho vụ chính dịp cuối năm này” - chị Hiền nói.

Do tác động xấu của dịch bệnh Covid-19, thu nhập giảm nên người tiêu dùng tiết kiệm chi tiêu, chuộng mua sắm các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hạn chế tiêu dùng các mặt hàng không thiết yếu. Các nhà bán lẻ, các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn tỉnh đang chịu tác động trực tiếp do sụt giảm sức mua, khi người tiêu dùng có xu hướng cắt giảm mua sắm. Hệ lụy là với doanh số giảm, doanh nghiệp bán lẻ sẽ còn đối mặt với những bất ổn trong chuỗi liên kết, cung ứng, nhất là nguồn vốn duy trì hoạt động kinh doanh...

Mua hàng online

Hiện nay, trong khi các cơ quan chức năng triển khai đồng bộ giải pháp để tránh lây lan dịch Covid-19 thì người tiêu dùng đang có cách tự bảo vệ mình là ít đến, tụ tập chỗ đông người. Bởi vậy, nhiều người đã tận dụng các kênh bán hàng online để mua sắm. Ưu thế của loại hình thương mại này là dễ truy cập lại được giảm giá, khuyến mãi cao, nhất là các giờ vàng mua sắm trực tuyến.

Dịch bệnh Covid-19 đang đặt nhiều thách thức cho các doanh nghiệp bán lẻ. Cách thích nghi của siêu thị Co.opMart Tam Kỳ là cùng với duy trì kênh bán lẻ trực tiếp, tạo thuận lợi hơn để khách hàng mua sắm trực tuyến. Truy cập vào website bán hàng trực tuyến của Co.opMart Tam Kỳ, sản phẩm bán chạy là những sản phẩm tẩy rửa, vệ sinh nhà cửa, vệ sinh thân thể cũng như nhóm hàng thực phẩm công nghệ có thể bảo quản dài ngày. Đại diện siêu thị cho biết, các đơn hàng đều nhanh chóng được xử lý và giao trong thời gian sớm nhất. Khách hàng ngồi nhà, có thể đặt mua qua zalo, gọi điện thoại và nhận được ưu đãi về chi phí giao hàng tận nơi.

Có sự chuyển dịch lớn từ bán hàng trực tiếp ở các chợ dân sinh, cửa hàng tiện lợi, siêu thị sang kinh doanh trực tuyến. Thương mại online đang tận dụng lợi thế ở khu vực thành thị với đa dạng dịch vụ vận chuyển hàng hóa. Tuy vậy, đa số người dân Quảng Nam sinh sống ở nông thôn - địa điểm không thuận lợi cho thương mại trực tuyến nên bán hàng offline vẫn có nhiều đất sống.

Theo ông Nguyễn Quang Lâm - Trưởng phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương), ngành đang tạo mọi điều kiện để thúc đẩy các kênh bán hàng trực tiếp ở khu vực nông thôn, nhất là miền núi, vùng xa, hải đảo, biên giới. Ưu tiên tối đa là đầu tư hạ tầng thương mại hiện đại hơn, các chợ kinh doanh đa dạng các mặt hàng, nhất là các mặt hàng bán sỉ, quy mô lớn. Khác với mua bán trực tuyến, kinh doanh offline có thể phù hợp với tất cả mặt hàng, đặc biệt là các mặt hàng có giá trị cao như vàng, trang sức…, vì thế kênh bán hàng offline vẫn còn có dư địa lớn để phát triển.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Covid thay đổi xu hướng tiêu dùng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO