Xã hội

Cung đường huyền thoại - Bài cuối: Sứ mệnh trong thời kỳ mới

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 17/05/2024 08:21

Vùng Tây xứ Quảng bừng thức ngày con đường Hồ Chí Minh mới được khởi công; miền đất từng một thời là tọa độ nóng với bao mưa bom, bão đạn đã hồi sinh. Cung đường huyền thoại gánh vác một sứ mệnh mới, trở thành gạch nối cho những đổi thay...

z5431021105603_fa5e454b92a9a414934292aa5fdc546c.jpg
Thị trấn Thạnh Mỹ đã được mở rộng đáng kể nhờ nỗ lực quy hoạch. Ảnh: C.N

Ngày khác, ở tọa độ nóng

Đại tá Phạm Văn Lý - Chủ tịch Hội Truyền thống Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh Sư đoàn 472 đứng hồi lâu ngay ngã ba cầu Thạnh Mỹ, mắt hướng xuống dòng sông Bung.

Nơi này, từng là “tọa độ nóng” trên cung đường Trường Sơn. Những xúc cảm dậy lên trong lòng người cựu chiến binh, khi một lần nữa được đặt chân trên vùng đất Bến Giằng.

Người cựu chiến binh già chẳng còn nhận ra miền đất mà mình đã một thời gắn bó máu xương trong quá khứ. Mọi thứ đã đổi khác. Một thị trấn sôi động nằm ngay trên đường Hồ Chí Minh, thay thế hoàn toàn u tịch hoang tàn của ngày nao rền tiếng bom nơi Thạnh Mỹ. Đó, có lẽ cũng là tâm trạng chung của biết bao nhân chứng đã hiện diện trong suốt 16 năm khai mở và tồn tại con đường Trường Sơn trong chiến tranh.

Những đổi thay đến âm thầm. Mỗi ngày mỗi khác, để rồi nhìn lại, Thạnh Mỹ hôm nay đã sáng rõ một hình hài đô thị. Nguyên Bí thư Huyện ủy Nam Giang - ông Chơrum Nhiên nói, Thạnh Mỹ đã có những bước chuyển mình ngoạn mục.

Những ngày chưa xa trong ký ức ông Chơrum Nhiên, Thạnh Mỹ là một chấm nhỏ trên bản đồ với duy nhất con đường len lỏi xuyên núi. Hai bên rậm rạp lau lách.

Chỉ rải rác vài ngôi nhà tụt sâu, cách xa mặt đường. Heo hút và hoang vắng. Duy nhất tuyến đường độc đạo 14B từ TP.Đà Nẵng lên Tây Nguyên được hình thành nhưng cũng đầy khoảng cách. Giằng (tên cũ của Nam Giang) cùng với huyện Hiên (tên cũ của Đông Giang và Tây Giang) trở thành biểu tượng của xa xôi biên thùy, nghèo khó và cách trở.

z4666058768201_81e3564bc9f409746e72d546b29632bd.jpg
Các huyện miền núi kỳ vọng sẽ tạo nên một cung đường du lịch với những điểm đến trên đường Hồ Chí Minh. Ảnh: C.N

“Những năm 2000, Chính phủ cho phép xây dựng đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1 từ Hòa Lạc (TP.Hà Nội) đến Ngọc Hồi (Kon Tum) và nhánh Tây từ Khe Gát của Quảng Bình đến Thạnh Mỹ (Nam Giang).

Nam Giang có 51 cây số từ thôn Pà Dấu 1 lên giáp điểm Thác Nước của Phước Sơn. Trước khi khởi công đường Hồ Chí Minh, đời sống người dân và cán bộ công chức vô cùng khó khăn. Chỉ sau khi đường được mở, mới thu hút dân cư đổ về, dần dà đông đúc hẳn lên” - ông Nhiên nhớ lại.

Ngày cung đường Hồ Chí Minh được khánh thành, đồng bào Cơ Tu ở dọc thị trấn Thạnh Mỹ lên đến xã Cà Dy xuống đường ăn mừng. Chỉ vài năm sau đó, từng khu dân cư mọc lên, giao thương thuận lợi càng thể hiện rõ hơn vai trò của tuyến đường huyền thoại và sự phát triển của một vùng đất mới.

Khi hạ tầng được đầu tư, đời sống người dân miền núi cải thiện rõ nét. Cung đường Hồ Chí Minh tạo nên dấu ấn mới trên hành trình phát triển của Nam Giang, góp phần giảm nghèo bền vững.

z5430590277773_427311f12d8dc1db5b6a51e23ea452d0.jpg
Lãnh đạo Đảng, Nhà nước thăm hỏi động viên các đơn vị thi công tuyến đường Hồ Chí Minh (ảnh chụp năm 2004). Ảnh: HUY ĐẰNG.

“Đường Hồ Chí Minh làm thay đổi mọi mặt. Bước ra chiến tranh, từ một nơi hoang vắng, bị tàn phá nặng nề bởi đạn bom, Thạnh Mỹ trở thành một trong những thị trấn ngay trên tuyến huyết mạch kết nối với Tây Nguyên, lại thông suốt sang Đông Giang, Tây Giang, đi Thừa Thiên Huế, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển.

Bằng việc xây dựng quy hoạch đô thị bài bản, từng bước nâng cấp hạ tầng, Thạnh Mỹ thay đổi ngoạn mục. Từ nhà tranh vách nứa, sau một thời gian ngắn đã chuyển sang nhà xây kiên cố; thu nhập tăng lên, người dân nay bắt đầu mua ô tô chở hàng hóa, làm chủ vùng đất bằng tinh thần tự lực tự cường.

Nhiều thanh niên đi xuất khẩu lao động, bắt nhịp với cuộc sống mới. Cư dân sống những ngày rất khác, so với thời trước” - ông Nhiên thông tin.

Mảng màu tươi mới

Một thời ồn ã “đá Nghệ An, vàng Khâm Đức”, cái tên của thị trấn nổi lên từ sau khi con đường Hồ Chí Minh khai mở. Miền rừng thôi hiu hắt từ những di dân ôm giấc mơ vàng, nhưng không thể phủ nhận, chính con đường Hồ Chí Minh mới thành hình đã mở ra “sinh đạo” cho thị trấn, để những đợi chờ được dịp bừng thức.

z4610595296010_33dc97c5e0fcd7d78cb14c801d5b7e05.jpg
Phố núi Khâm Đức đang phát triển nhanh. Ảnh: C.N

Khâm Đức phát triển khá nhanh. Nếu những thị trấn khác trên trục đường Hồ Chí Minh vẫn đang phải nỗ lực để kiến tạo hình hài, thì Khâm Đức đã kịp trở thành điểm dừng chân của nhiều du khách trên con đường thiên lý.

Phố sáng đèn, những người ở núi cũng dần thích nghi với cuộc sống của thị dân, trong sự đổi thay của miền đất gắn liền với cung đường huyền thoại. Khi gót chân du khách đã đặt lên phố núi, Khâm Đức càng có thêm cơ hội để giữ chân họ bằng những sắc màu văn hóa độc đáo và riêng biệt.

Ông Đỗ Hoài Xoan - Phó Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn nói, những đổi thay ở Khâm Đức và các địa phương nằm trên trục đường Hồ Chí Minh là minh chứng cho tinh thần “đồng cam cộng khổ” của đồng bào các dân tộc tại địa phương.

Đi qua khói lửa chiến tranh, từ những ngôi làng nằm chênh vênh trên các triền núi, cách xa đường Hồ Chí Minh hàng chục cây số, cộng đồng Bh’noong lần lượt di dân về sống tập trung dọc theo cung đường huyền thoại.

z5429847537019_57773c465a7b519dc7aa613b7ed7a528.jpg
Đường Hồ Chí Minh được kỳ vọng sẽ giúp các địa phương phát triển du lịch, dịch vụ. Ảnh: C.N

“Đường Hồ Chí Minh nối dài từ Nam Giang đến Đăk Glei (Kon Tum) được xem như trục xương sống phá thế cô lập của Phước Sơn, đặc biệt là Khâm Đức.

Vài năm trở lại đây, nhận thấy dấu hiệu tích cực từ du lịch, chúng tôi lần lượt khai thác các điểm danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử trên tuyến đường Trường Sơn, nhất là tượng đài Chiến thắng Khâm Đức - Ngok Tavak trở thành điểm dừng chân của du khách.

Theo đề án phát triển du lịch, những kết nối thông qua đường Hồ Chí Minh cũng luôn được kỳ vọng sẽ mang đến cho du khách sự trải nghiệm thú vị, độc đáo” - ông Xoan nói.

Nghĩ khác và sống khác, đồng bào các dân tộc huyện Phước Sơn góp sức cho mục tiêu phát triển quê hương bằng chính bản sắc của dân tộc mình. Lễ hội Tết mùa, qua những lần tổ chức đầu tiên, đã tạo được dấu ấn bằng một không gian đậm đặc sắc màu truyền thống.

Gần đây nhất, du khách đã đến và ở lại lâu hơn với Khâm Đức thông qua sự kiện Ngày hội văn hóa truyền thống Bh’noong, và sau đó là Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các huyện miền núi Quảng Nam.

_mg_2362.jpg
Nam Giang từng phục dựng một đoạn đường mòn Hồ Chí Minh vào năm 2013, tuy nhiên dự án sau đó không phát huy được hiệu quả. Ảnh: T.C

Không phải đến bây giờ, những lợi thế từ cung đường huyền thoại mới được chú ý để đầu tư, khai phá. Trước Phước Sơn, Nam Giang cũng từng phục dựng hơn 1,3km tuyến đường mòn Hồ Chí Minh để đón chân du khách, với kỳ vọng sẽ bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ, góp phần thúc đẩy quảng bá thương hiệu đường Trường Sơn. Vì nhiều nguyên nhân, dự án dần rơi vào quên lãng không lâu sau đó.

Dẫu còn một số ý kiến, nhưng trong ấp ủ của địa phương, “huyền tích Trường Sơn” vẫn đang được kỳ vọng đánh thức bằng tượng đài Huyền thoại Trường Sơn nhắc nhớ một cung đường lịch sử, bằng câu chuyện kết nối đa dạng những sản phẩm du lịch.

Chính quyền Phước Sơn, Nam Giang hay Đông Giang, Tây Giang đã cùng ngồi lại, dọn đường cho những tính toán để đường Hồ Chí Minh trở thành cung đường đưa du khách trải nghiệm nhiều điểm đến thú vị ở vùng Tây. Cung đường của du lịch.

Có thêm lý do để chờ đợi. Trường Sơn xanh lại những cánh rừng, cũng là lúc người hôm nay gieo ươm bao giấc mơ giữa đại ngàn. Những bản làng vẫn lặng lẽ phát triển, cuộc sống mới về với đồng bào bên con đường Trường Sơn ngày cũ, gợi lên khát vọng và nối liền những ước mơ, cho tương lai...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Cung đường huyền thoại - Bài cuối: Sứ mệnh trong thời kỳ mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO