Sau 50 năm giải phóng, đặc biệt là sau 28 năm trực thuộc Trung ương (1/1/1997 - 1/1/2025), TP.Đà Nẵng đã có những bứt phá mạnh mẽ, vươn lên trở thành đô thị đầu tàu của miền Trung. Hiện nay, trước yêu cầu phát triển mới, Đà Nẵng cần thực hiện định hướng chiến lược, tăng tốc và bứt phá hơn để vững bước cùng cả nước tiến vào kỷ nguyên mới.
Dấu ấn 50 năm phát triển
Trong 18 năm TP.Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997 - 2015), tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 10,5%/năm và có những bước phát triển vượt bậc, toàn diện với nhiều sáng tạo, linh hoạt. Tiêu biểu là các chính sách sáng tạo, đột phá như: khai thác quỹ đất tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng, đổi đất lấy cơ sở hạ tầng; “Nhà nước và nhân dân cùng làm”...
Không gian đô thị Đà Nẵng từ hướng “quay lưng ra sông, ra biển” đã được quy hoạch theo hướng “mặt tiến hướng ra sông, ra Biển Đông” ngoạn mục. Sông Hàn trở thành trục cảnh quan ý nghĩa của Đà Nẵng. Nối hai bờ sông Hàn xinh đẹp có tới 9 cây cầu tiêu biểu như cầu quay sông Hàn, cầu dây văng Thuận Phước, cầu thép Rồng vàng, cầu cánh buồm Trần Thị Lý… Mỗi cây cầu đều mang trong mình một vẻ đẹp, nét lịch sử riêng.
Đặc biệt, TP.Đà Nẵng đã 2 lần được Tổ chức du lịch thế giới (WTA) vinh danh là “Điểm đến, sự kiện và lễ hội hàng đầu châu Á” (năm 2016 và 2022). Trong đó, Lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng trở thành thương hiệu đặc trưng của Đà Nẵng, cuốn hút du khách trong nước và nước ngoài hàng năm. Ngành dịch vụ, du lịch phát triển mạnh mẽ, đến năm 2024 chiếm tỷ trọng hơn 71% cơ cấu kinh tế của Đà Nẵng, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội của thành phố.
Từ một đô thị trực thuộc tỉnh và xuất phát điểm thấp, sau gần 30 năm thành phố trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng có quy mô và trình độ nền kinh tế thuộc nhóm phát triển của Việt Nam.
Theo số liệu của Chi cục Thống kê Đà Nẵng, tốc độ tăng trưởng kinh tế Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2025 ước tính đạt 6,82%, thấp hẳn so với giai đoạn 5 năm đầu mới giải phóng (12,95%) song quy mô kinh tế (theo giá so sánh 2010) giai đoạn 2021 - 2025 ước đạt 698,4 nghìn tỷ đồng, cao gấp 34,4 lần quy mô 5 năm đầu giải phóng.
Diện mạo đô thị Đà Nẵng thay đổi theo hướng văn minh, hiện đại, kết nối khu vực miền Trung với nhiều dự án mang tính động lực, quy mô lớn được đầu tư.
Giai đoạn 2021 - 2025, vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trên địa bàn đạt hơn 175 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 46 lần so giai đoạn 1990 - 1996. Đáng kể, từ năm 1995 đến hết quý I/2025, Đà Nẵng đã thu hút 1.202 dự án FDI, với gần 5,4 tỷ USD vốn đăng ký, vốn thực hiện đạt 3,8 tỷ USD (đạt tỷ lệ 70,37%).
Đến hết năm 2024, chính quyền Đà Nẵng đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 41 dự án nhà ở xã hội với 10.687 căn hộ và 1.146 phòng ký túc xá sinh viên. Đây là con số ấn tượng, khi thành phố đang dẫn đầu cả nước về quỹ chung cư nhà ở xã hội thuộc tài sản công, với tỷ lệ 67%.
Cũng vào thời điểm này, toàn thành phố chỉ còn 1.869 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,62% tổng số hộ dân cư. Hiện nay, Đà Nẵng đang triển khai đồng bộ các chính sách giảm nghèo bền vững và bảo trợ xã hội, hướng đến mục tiêu không còn hộ nghèo còn sức lao động vào cuối năm 2025.
Vững tin trước vận hội mới
Hiện nay so với yêu cầu trở thành trung tâm kinh tế của vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ, TP.Đà Nẵng vẫn còn một số mặt hạn chế như: Đà Nẵng có diện tích nhỏ, đất đai ít.
Quy mô nền kinh tế còn nhỏ (chiếm 1,5% GDP của cả nước) chưa tương xứng với tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh, năng suất lao động chưa cao; thu hút đầu tư nước ngoài chủ yếu ở lĩnh vực du lịch, dịch vụ, chưa có nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ nguồn. Đặc biệt là vai trò “đầu tàu” dẫn dắt của TP.Đà Nẵng với tỉnh Quảng Nam và các địa phương khác ở miền Trung chưa thực sự mạnh và hiệu quả.
Có thể nói, năm 2024 với TP.Đà Nẵng là năm xây dựng cơ chế, chính sách. TP.Đà Nẵng đã nỗ lực tham mưu và được Trung ương quan tâm ban hành nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội làm nền tảng cho sự phát triển của thành phố trong giai đoạn mới.
Đó là Bộ Chính trị ban hành Kết luận số 79 ngày 13/5/2024, thì tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 136 ngày 26/6/2024 “Về tổ chức chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.Đà Nẵng”; trong đó cho phép thành phố triển khai phát triển ngành công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo và đặc biệt là thành lập Khu thương mại tự do.
Trong bài phát biểu tại lễ kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng bộ TP.Đà Nẵng (28/3/1930 - 28/3/2025), 50 năm Ngày giải phóng Đà Nẵng (29/3/1975 - 29/3/2025), Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, việc hợp nhất Quảng Nam - TP.Đà Nẵng thành đơn vị hành chính mới là cơ hội lịch sử và vận hội mới, để TP.Đà Nẵng phát triển với tầm nhìn mới, trở thành cực tăng trưởng của Việt Nam và là một thành phố có năng lực cạnh tranh cao của quốc gia và khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng chí Nguyễn Văn Quảng - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy TP.Đà Nẵng chia sẻ, trước vận hội mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP.Đà Nẵng sẽ tập trung một số định hướng lớn, giải pháp trọng tâm.
Đầu tiên, xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy tối đa cơ hội nổi trội, vai trò tiên phong, đi đầu của TP.Đà Nẵng trong vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Trong đó, chủ động, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Khu thương mại tự do Đà Nẵng và Trung tâm tài chính quốc tế khu vực tại Đà Nẵng để trình Quốc hội thông qua, dự kiến trong tháng 5/2025.
Bên cạnh đó, thành phố phát triển kinh tế trên cơ sở đổi mới tư duy, đẩy mạnh các mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, lấy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số làm động lực và nguồn lực chủ yếu để phát triển nhanh, bền vững.
Phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, có trọng điểm, kết nối miền Trung -Tây Nguyên, phát triển Hành lang kinh tế Đông - Tây, Tiểu vùng Mê Kông; đẩy mạnh hợp tác, liên kết vùng và quốc tế.
Tổng kết thực tiễn, xây dựng mô hình xã hội chủ nghĩa và con người xã hội chủ nghĩa tại TP.Đà Nẵng; phát triển văn hóa - xã hội đồng bộ với phát triển kinh tế, chú trọng xây dựng và phát triển toàn diện con người Đà Nẵng, làm nền tảng cho TP.Đà Nẵng phát triển bền vững, hướng đến xây dựng và nâng cao chất lượng thương hiệu “Thành phố đáng sống”.
Chú trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; bảo đảm quốc phòng - an ninh; phát huy dân chủ, sức mạnh đoàn kết, tính tiên phong, gương mẫu của người đứng đầu; dám nghĩ, dám làm, nỗ lực vươn lên; tranh thủ sự hỗ trợ của Trung ương, phát huy sức mạnh của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp.
Năm 2024, quy mô kinh tế TP.Đà Nẵng đạt 151.307 tỷ đồng, xếp thứ 17/63 địa phương và dẫn đầu khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ. GRDP bình quân đầu người là 118,6 triệu đồng, đứng thứ 12/63 tỉnh, thành phố. Cơ cấu kinh tế thành phố chuyển mạnh theo hướng tăng trưởng tỷ trọng các ngành dịch vụ. Năm 1976, tỷ trọng các ngành dịch vụ: 46%, công nghiệp - xây dựng: 33%, nông lâm - thủy sản: 21%; đến năm 2024 các ngành dịch vụ: 77,8%, công nghiệp - xây dựng: 20,3%, nông lâm - thủy sản: 1,9%.