(QNO) - Thiếu kiểm soát, quản lý trong công cuộc chuyển đổi số sẽ gây nhiều tác động, ảnh hưởng đến đời sống, kinh tế, sức khỏe của nhân dân... là những vấn đề đại biểu Quốc hội Đặng Thị Bảo Trinh đặt ra trong phiên thảo luận chiều qua 1/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.
Phát biểu trong phiên thảo luận chiều qua 1/11 về nội dung chuyển đổi số, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng: Hiện nay tồn tại quá nhiều phần mềm, ứng dụng quản lý, ít nhiều gây phiền hà cho người dân; đồng thời nhiều thông tin độc hại trên các nền tảng mạng xã hội chưa được kiểm soát làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, sức khỏe của nhân dân...
Để chuyển đổi số gần gũi và thiết thực với người dân
Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số (CĐS) trên các lĩnh vực, nhất là trong quản lý nhà nước đã đạt được rất nhiều thành tựu, thúc đẩy cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư và cải thiện hiệu suất trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.
Có thể nói, tiến trình CĐS trong nước đã và đang diễn ra hết sức mạnh mẽ, nhất là sự thành công trong việc thực hiện Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS.
Các cơ sở dữ liệu lớn về đất đai, tài chính, doanh nghiệp… đã và đang dần hoàn thiện, góp phần rất lớn trong việc đánh giá chính xác tình hình kinh tế - xã hội của cả nước và điều tiết các chính sách vĩ mô liên quan.
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đóng góp một số kiến nghị nhằm hoàn thiện hơn công cuộc CĐS, đưa việc CĐS trở nên gần gũi và thiết thực với người dân.
Đại biểu cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy, hiện nay tồn tại quá nhiều phần mềm, ứng dụng quản lý được các cơ quan, ban, ngành, hội đoàn thể triển khai đến người dân, ví dụ như VNeID, VSSID, Sổ sức khỏe điện tử…
Các hình thức triển khai có thể là bắt buộc, khuyến khích hoặc tuyên truyền người dân tham gia. Tuy nhiên, vì mỗi lĩnh vực đều có phần mềm, ứng dụng riêng nên trong quá trình tương tác, hướng dẫn có ít nhiều gây phiền hà cho người dân và gây nên tình trạng quá tải phần mềm, ứng dụng.
Một số phần mềm, ứng dụng trong quá trình triển khai, vận hành chưa thật thông suốt, hiệu quả không cao, chỉ cài đặt mang tính “số lượng” chứ chưa thể hiện được “hiệu quả” đáp ứng nhu cầu phục vụ nhân dân trong cuộc sống. Chính vì vậy, chưa nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của người dân và gây khó khăn cho công tác quản lý, sử dụng ứng dụng số.
"Về vấn đề này, đề nghị Chính phủ chỉ đạo thống kê, rà soát hiện nay có bao nhiêu phần mềm đang được xây dựng, đã được triển khai có nguồn lực đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước.
Chỉ đạo đánh giá về tính hiệu quả, thiết thực của các phần mềm, ứng dụng này, đồng thời kiểm soát chặt chẽ để tránh lãng phí nguồn lực đầu tư; chỉ đạo xây dựng một phần mềm, ứng dụng thống nhất, có khả năng tích hợp tất cả nội dung quản lý nhà nước của các ngành, lĩnh vực để người dân chỉ cần cài đặt một lần, sau đó cập nhật và sử dụng.
Bên cạnh đó, cùng với tình trạng có quá nhiều phần mềm, ứng dụng triển khai đến người dân sẽ dẫn đến nhiều cơ quan, đơn vị lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin của công dân, như thông tin về nhân thân, địa chỉ, số điện thoại… Nên việc quản lý, bảo mật các thông tin này cần hết sức được quan tâm. Đề nghị Chính phủ có chỉ đạo và quản lý chặt chẽ vấn đề này" - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh kiến nghị.
Cần kiểm soát thông tin xấu độc
Vấn đề thứ hai đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề cập là, hạ tầng về công nghệ thông tin tại các huyện miền núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, khu vực biên giới còn rất khó khăn.
Các hạ tầng công nghệ thông tin còn chưa đáp ứng như chưa có trụ sóng hoặc sóng internet chập chờn, chưa đảm bảo, hay người dân chưa thể trang bị điện thoại thông minh hoặc nếu có trang bị thì dung lượng bộ nhớ của thiết bị còn hạn chế để đáp ứng tải khá nhiều phần mềm, ứng dụng đang được triển khai hiện nay. Bên cạnh đó, việc sử dụng của bà con cũng còn rất hạn chế.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá thật kỹ lưỡng vấn đề này để có chiến lược phát triển công nghệ thông tin, CĐS phù hợp với các địa phương, khu vực vùng miền còn nhiều khó khăn trong từng giai đoạn nhất định.
Theo đó, kính đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành chủ quản các hệ thống thông tin quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành do Trung ương đầu tư mở rộng hệ thống, nâng cấp đường truyền kết nối để đảm bảo truy cập cho các địa phương trên phạm vi toàn quốc, tránh tình trạng nghẽn mạng khi kết nối lớn làm ảnh hưởng đến triển khai các phần mềm liên thông.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh nêu: Thời gian vừa qua, các nền tảng thương mại điện tử như Tiktokshop, Shoppee, Lazada và các nền tảng mạng xã hội như Tiktok, Facebook, Youtube được rất nhiều người sử dụng với lượng thông tin khổng lồ, lan truyền rộng rãi, nhanh chóng đến mọi tầng lớp nhân dân.
"Nhiều thông tin độc hại không được kiểm duyệt đã được truyền tải đến người dân; nhiều sản phẩm y tế, hàng hóa kém chất lượng được quảng cáo sai sự thật, công khai mua bán trao đổi dẫn đến “Người dân phải bỏ tiền ra mua bệnh vào” như tôi đã từng phát biểu ở các kỳ họp trước nhưng đến nay vẫn chưa được kiểm soát, làm ảnh hưởng rất lớn đến đời sống kinh tế, sức khỏe của nhân dân" - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh phát biểu.
Ngoài ra, tình trạng lừa đảo qua mạng cũng ngày càng tinh vi dưới nhiều hình thức đa dạng như tặng quà, giới thiệu việc làm, cho vay vốn, kết bạn… hoặc sử dụng các ứng dụng, sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) thay đổi khuôn mặt, thu hút người dùng hòng đánh cắp các thông tin cá nhân, chiếm đoạt tài khoản ngân hàng hoặc sử dụng hình ảnh của người dân với mục đích xấu...
"Nhiều cử tri bày tỏ lo ngại và đề nghị cơ quan an ninh mạng cần kiểm soát tốt, có những kênh tiếp nhận thông tin chính thống, thuận tiện trên chính các nền tảng đó để người dân khi phát hiện thông tin mang dấu hiệu lừa đảo thì có thể thông báo ngay để kiểm tra, ngăn chặn. Kính đề nghị Chính phủ quan tâm hơn nữa về vấn đề bức xúc này của cử tri" - đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh kiến nghị.