Mở ra cơ hội phát triển mới từ tiềm năng kinh tế hộ gia đình, những năm qua, đồng bào các dân tộc huyện Phước Sơn ngày càng có thêm nhiều mô hình sinh kế hiệu quả, chất lượng cuộc sống ngày càng nâng cao.
Chuyện của chị Thảo
Gần 30 năm định cư ở vùng đất mới, vợ chồng Triệu Thị Thảo (SN1974, dân tộc Nùng, trú thôn 5, xã Phước Đức) từng trải qua chuỗi ngày nghèo khó. Bởi thời điểm đầu lập nghiệp, vùng đất nằm trên tuyến đường Hồ Chí Minh chỉ hoang hóa một màu rừng, dân cư thưa thớt.
Nhiều năm sau đó, hai vợ chồng quần quật làm ăn nhưng cuộc sống vẫn gặp nhiều khó khăn. “Mãi đến năm 2010, được sự động viên của chính quyền địa phương, vợ chồng tôi mạnh dạn vay 15 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Phước Sơn để đầu tư nuôi heo nái sinh sản và heo thịt.
Qua 2 năm đầu, gia đình thu về được số vốn và có thêm ít lãi. Nhưng vài năm sau đó, do kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi chưa tốt nên đàn heo bị dịch bệnh, chết gần hết” - chị Thảo nhớ lại.
Quyết tâm tìm hướng thoát nghèo, sau đợt dịch năm đó, vợ chồng chị Thảo vay thêm 30 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH huyện Phước Sơn. Lần này, chuyển sang đầu tư chăn nuôi gà thả vườn - mô hình đầu tiên được triển khai tại địa bàn xã Phước Đức nhưng vẫn thất bại.
Không nản chí, vợ chồng chị Thảo tìm cơ hội tham gia các lớp tập huấn về khoa học - kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi do Hội Nông dân huyện tổ chức; đồng thời học hỏi thêm kinh nghiệm từ những hộ chăn nuôi khác nên đã bổ sung thêm nhiều kiến thức và tự tin hơn trong sản xuất.
“Năm 2019, vợ chồng tôi quyết định đầu tư mở rộng thêm chuồng trại phát triển đàn gia cầm, với hơn 100 gà mái cho ấp nở, bình quân mỗi tháng cho ra 1.200 - 1.500 gà con.
Thực hiện các quy trình chăm sóc và cho uống vắc xin phòng chống dịch bệnh theo đúng lứa tuổi nên đàn gà phát triển tốt. Sau thời gian bán giống gà con cho các hộ dân trong xã, thu nhập dần khá hơn, mỗi tháng thu về 14-15 triệu đồng” - chị Thảo chia sẻ.
Ngoài chăn nuôi đàn gà, vợ chồng chị Thảo còn nuôi thêm hơn 600 con vịt giống, phát triển đàn heo rừng lai giống, trồng hơn 3ha cây keo, nuôi giun quế làm thức ăn cho gia cầm… giúp mỗi năm thu về hơn 350 triệu đồng.
Việc chăn nuôi thuận lợi giúp gia đình chị trả hết số vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện và đầu tư thêm 300m2 chuồng nuôi trên đất vườn làm nơi chăn thả gia cầm.
Mạnh dạn cung cấp gà giống cho các xã trên địa bàn huyện, không lâu sau, mô hình của chị Thảo trở thành điểm đến của nhiều hộ nông dân địa phương, họ cùng nhau bàn chuyện làm ăn, phát triển kinh tế. Năm 2019, gia đình chị Thảo đã được xét chọn nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh.
Giúp nhau thoát nghèo
Ở Phước Sơn, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế những năm qua không chỉ riêng hộ Triệu Thị Thảo. Qua thống kê, sau 5 năm triển khai thực hiện Quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số huyện lần thứ III, có hàng nghìn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm bình quân 6,25%.
Tiêu biểu như hộ ông Nguyễn Đăng Quyết (thôn 2, xã Phước Năng) với mô hình chăn nuôi vịt giống; hộ A Xia (thôn Lao Đu, xã Phước Xuân) trồng vườn keo kết hợp chăn nuôi trâu lấy thịt; hộ Hồ Văn Trường (thôn 1, xã Phước Chánh) đầu tư mở rộng mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi gia súc; hộ bà Hồ Thị Nhung (thôn 2, xã Phước Lộc) với mô hình chăn nuôi bò, trồng bời lời dưới tán rừng… cho thu nhập ổn định mỗi năm hàng trăm triệu đồng, trở thành “người bạn đồng hành” của cộng đồng trong phát triển kinh tế nhóm hộ.
Ông Vũ Đình Cuối - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phước Sơn nói, các nguồn lực hỗ trợ đầu tư của Nhà nước những năm gần đây, đã giúp đồng bào địa phương ổn định đời sống, cùng giúp nhau vươn lên thoát nghèo bền vững.
Nếp nghĩ cũ dần được thay thế bởi cách làm mới, thông qua các mô hình sinh kế hiệu quả, nhất là sau thời gian triển khai thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững” theo Chỉ thị số 27 của Huyện ủy Phước Sơn.
Bên cạnh các mô hình đầu tư phát triển sản xuất, thời gian qua, nhiều hộ dân địa phương, đặc biệt là hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn đầu tư phát triển dịch vụ nông nghiệp mua bán hàng nông sản, ươm cây giống, chế biến chuối khô, quế ống, thịt heo đen hun khói và phát triển nghề tiểu thủ công nghiệp... giúp giải quyết được lao động tại chỗ, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho cộng đồng miền núi.
Ngoài ra, tại một số địa phương, người dân tập trung nguồn lực đầu tư hình thành vùng trồng cây ăn quả, cây dược liệu kết hợp bố trí sắp xếp dân cư.
Đồng thời chuyển đổi cơ cấu cây trồng truyền thống sang một số loại cây trồng, con vật nuôi có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít thái, bò 3B, heo đen... tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.
“Để thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi liên kết với các ngân hàng tăng cường hỗ trợ vốn vay, giúp người dân có cơ hội cũng như điều kiện phát triển kinh tế, ổn định định cuộc sống.
Trên cơ sở quản lý nguồn vốn, hằng năm chúng tôi phối hợp tổ chức các lớp học nghề; tập huấn, hướng dẫn người dân về cách làm, cách chăm sóc cây trồng, con vật nuôi hiệu quả. Nhiều hộ dân cải tạo vườn tạp, chuyển đổi mô hình sản xuất mới, xây dựng các mô hình nhóm hộ cùng giúp nhau làm giàu” - ông Vũ Đình Cuối nhấn mạnh.