ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MTTQ VIỆT NAM HUYỆN TÂY GIANG LẦN THỨ XIII (NHIỆM KỲ 2024 - 2029)Thắt chặt tình đoàn kết

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 26/06/2024 08:18

Dẫu chưa hết khó nghèo, dẫu dặm dài cách trở, người vùng cao huyện Tây Giang vẫn luôn đoàn kết, hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống.

f72e4387e11842461b09.jpg
Ông Briu Quân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang bàn giao nhà đại đoàn kết cho 5 hộ dân tại thôn A Rầng (xã A Xan). Ảnh: CÔNG - NGƯỚC

Còn nhớ đợt dịch COVID-19 lao đao bao phận người, đồng bào Cơ Tu ở Tây Giang đã dè sẻn từng mớ rau, quả bí, gửi cái tình ấy về xuôi. Bớt chút nhọc nhằn, lại tiếp tục giúp nhau xóa từng căn nhà tạm. Tình người vùng cao mộc mạc và luôn tròn đầy...

Gửi tấm lòng về xuôi

TP.Đà Nẵng những ngày phong tỏa vì dịch COVID-19, hẳn bao người còn hằn in ký ức lẫn những ám ảnh khó có thể kể hết bằng lời. Sinh hoạt đảo lộn, thiếu lương thực thực phẩm, chính quyền phải tìm mọi cách để lo cho bao phận người phải cách ly tại nơi ở để phòng ngừa dịch bệnh.

Tin tức về dịch bệnh lan nhanh, đồng bào vùng cao Tây Giang khi hay tin, đã âm thầm gom góp từng mớ rau xanh, quả bí, đốt lửa nấu từng cặp bánh sừng trâu gửi xuống phố, tiếp sức cùng chung tay chống dịch.

b37544940682a5dcfc93.jpg
Đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang làm cơm lam, bánh sừng trâu gửi tặng người dân thành phố chống dịch. Ảnh: CÔNG - NGƯỚC

Chị Yđêl Mlát (ở xã A Nông) còn nhớ như in những ngày tháng 8/2021, khi trẻ già ở thôn, ở xã cùng nhau đi đốn lồ ô, đốt lửa nướng cơm lam gửi theo các chuyến xe nghĩa tình cho miền xuôi. Ai có gì mang nấy, cơm lam, măng rừng, từng chút thịt bò, thịt heo, rau xanh... gói ghém bằng tất cả tấm lòng của đồng bào vùng cao.

Chỉ trong ba ngày đầu tiên phát động, vùng cao Tây Giang đã huy động được 12 tấn nông sản, nhiều thực phẩm tươi sống, vượt quãng đường hơn 100 cây số để về xuôi. Từ biên giới, đồng bào đã tiếp sức cho tuyến đầu bằng tất cả những gì mình có...

“Dịch COVID-19 xuất hiện, ai cũng lo sợ. Vùng biên ngày ấy may mắn không phải trải qua những ngày thiếu lương thực thực phẩm, thiếu thuốc chữa bệnh, dịch chưa bùng phát mạnh như ở dưới xuôi, nên đồng bào ai cũng muốn góp sức.

Từng nhà, từng người hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận, ai có gì góp nấy, để chia bớt khó khăn cho miền xuôi chống dịch. Các ban ngành của thôn, của xã cùng vào cuộc, thu gom món quà tình cảm của người dân miền núi để gửi tặng đồng bào” - chị Yđêl Mlát chia sẻ.

e4ad4732e5ad46f31fbc.jpg
Rất nhiều ngôi nhà được hình thành từ tinh thần đoàn kết cộng đồng. Ảnh: CÔNG - NGƯỚC

Ông Briu Quân - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang cho hay, trong giai đoạn căng thẳng nhất của dịch COVID-19 (khoảng giữa năm 2021 và đầu năm 2022), Mặt trận huyện và các tổ chức thành viên từ huyện đến khu dân cư đã phát huy hiệu quả vai trò tập hợp sức mạnh đoàn kết trong việc đồng lòng chống dịch, phát huy mạnh mẽ tinh thần tương thân, tương ái của đồng bào.

Vừa tập trung tuyên truyền các chỉ đạo, chủ trương của trên về chống dịch, Mặt trận huyện cũng đồng thời vận động nhân dân chung tay chia sẻ với các tỉnh, thành.

Huyện Tây Giang đã ủng hộ 12 tấn nông sản gồm măng rừng, chuối, bầu, bí; hơn 700 ống cơm lam, hàng trăm kilogam thịt bò, thịt heo cho Đà Nẵng. Từ vùng biên, hơn 18 tấn rau củ, măng, thực phẩm tươi được quyên góp cho TP.Hồ Chí Minh…

“Trong đại dịch COVID-19, các cấp ngành và người dân Tây Giang đã ủng hộ TP.Hồ Chí Minh, TP.Đà Nẵng và TP.Hội An rất nhiều lương thực, thực phẩm, với tổng trị giá hơn 167 triệu đồng.

Ngay sau khi tiếp nhận, Mặt trận huyện đã có thư cảm ơn gửi đồng bào các xã, tri ân bà con đã cùng chung tay, góp sức. Mặt trận trở thành cầu nối để những nghĩa tình đi muôn phương, để tấm lòng người vùng biên đến được với những nơi khốn khó, đau thương nhất trong đại dịch...” - ông Briu Quân cho hay.

Ấm êm dưới những mái nhà

Ngày căn nhà của mình cùng 4 hộ dân khác ở thôn A Rầng (xã A Xan) bị lửa thiêu rụi vào cuối năm 2023, ông Alăng Zang đã không thể đứng vững.

Phút chốc trắng tay, gia đình ông Zang và 4 hộ còn lại chông chênh, chẳng thể nghĩ được gì khi tất cả tài sản đã hóa thành tro bụi. Nhưng rồi, những mất mát nhanh chóng được xoa dịu bằng rất nhiều chia sẻ của người vùng cao.

z3853765567337_811cc4278012933fa01590d3e3e06ffb.jpg
Rất nhiều hoạt động đoàn kết được tổ chức trong cộng đồng. Ảnh: CÔNG - NGƯỚC

Bước qua bao gian khó, thứ sức mạnh trường tồn và lớn lao nhất mà họ có, là tình đoàn kết. Rất nhanh, sau những hỗ trợ ban đầu của chính quyền, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang đã chủ động thành lập ban vận động, tiếp nhận tiền, hàng cứu trợ hộ gia đình có nhà ở bị hỏa hoạn, kêu gọi hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân giúp đỡ Alăng Zang cùng 4 hộ gia đình ở thôn A Rầng. Sau hơn 6 tháng triển khai, 5 nhà ở đại đoàn kết do Mặt trận xây dựng đã thành hình.

Ông Pơloong Năng - Bí thư Đảng ủy xã Ch’Ơm tâm sự, không có nguồn hỗ trợ nào nhanh, hiệu quả như nguồn của Mặt trận làm nhà đại đoàn kết. Ở heo hút vùng giáp biên, đời sống bà con còn nhiều khốn khó, địa phương đã nỗ lực triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát.

“Nguồn hỗ trợ chưa đến, người dân lo sợ nợ nần nên càng chậm trễ, không dám làm nhà. Chính sách hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết với phương thức hỗ trợ nhanh, kịp thời đã giúp dân tin tưởng, mạnh dạn xóa nhà tạm, làm nhà kiên cố để ổn định cuộc sống.

Hiện nay, trên địa bàn xã Ch’Ơm đa số các hộ dân đều hưởng chính sách nhà ở đại đoàn kết của Mặt trận. Trong đó, thôn Cha’lăng là thôn được hưởng nhiều nhất, trở thành thôn kiểu mẫu của xã” - ông Năng chia sẻ.

Ông Bhling Mia - Bí thư Huyện ủy Tây Giang cho hay, hiện nay địa phương còn hơn 900 nhà tạm bợ, dột nát cần được xóa. Giai đoạn 2019 - 2024, Mặt trận huyện đã kêu gọi, vận động ủng hộ xây dựng Quỹ vì người nghèo và Quỹ nghĩa tình biên giới, cùng với nguồn của tỉnh chuyển về, kịp thời cứu trợ, trợ cấp cho hộ nghèo, hộ khó khăn.

Qua đó, hỗ trợ 102 nhà ở đại đoàn kết, tiếp nhận và trao hàng nghìn suất quà, vận động hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn huyện với tổng kinh phí gần 5,7 tỷ đồng.

“Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp đánh giá cao công tác triển khai hỗ trợ nhà ở đại đoàn kết cho người dân khó khăn trên địa bàn huyện. Các nguồn lực thông qua Mặt trận đã được triển khai có hiệu quả, phát huy ý nghĩa thiết thực.

Nhà đại đoàn kết trở thành minh chứng cho sự đồng lòng, tinh thần và lối sống sẻ chia, thân ái của người vùng cao. Những gia đình được hỗ trợ sau khi ổn định cuộc sống lại tiếp tục chung sức, tiếp nối để hỗ trợ cho các gia đình khác, đưa tình người vùng cao đi xa, đến với những người cần cứu giúp” - ông Mia nhấn mạnh.

Nhiệm kỳ qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tây Giang tổ chức 28 cuộc giám sát chuyên đề, 5 hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, cùng 325 hội nghị với hơn 9.550 lượt người tham gia về nội dung cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Ngoài ra, phối hợp duy trì 63 tổ an ninh thôn và tổ hòa giải thôn; tổ chức thăm hỏi, động viên và trao hỗ trợ cho 306 hộ gia đình bị thiên tai, hỏa hoạn với kinh phí hơn 12,2 tỷ đồng; vận động hơn 622 triệu đồng hỗ trợ lương thực, thực phẩm cho các cụm bản của Lào...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU MTTQ VIỆT NAM HUYỆN TÂY GIANG LẦN THỨ XIII (NHIỆM KỲ 2024 - 2029) Thắt chặt tình đoàn kết
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO