Qua phong trào thi đua yêu nước “Cựu chiến binh gương mẫu”, nhiều hội viên trong tỉnh đã phát huy bản lĩnh, ý chí trong sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế.
Cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Văn Kiệt ở xã Điện Thọ là điển hình tiêu biểu trong phong trào CCB làm kinh tế giỏi tại thị xã Điện Bàn. Được rèn giũa trong môi trường quân ngũ (từ 1992 - 1994), năm 1995 trở về địa phương, ông Kiệt bắt tay vào làm kinh tế với mô hình sản xuất nấm rơm.
Gần 30 năm qua, với đam mê và ý chí mạnh mẽ của người lính Cụ Hồ, CCB Nguyễn Văn Kiệt đã gặt hái nhiều thành công trên con đường sản xuất, kinh doanh.
Ông đã được Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Trung ương Hội CCB Việt Nam... tặng nhiều bằng khen trong lao động sản xuất.
Năm 2002, từ mô hình sản xuất nấm rơm quy mô nhỏ, ông Kiệt mạnh dạn thuê đất, đầu tư trang trại nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi gà, bò… trên diện tích 1,5ha. Đến năm 2016, ông kết hợp với một số cá nhân thành lập Công ty CP Giống nông nghiệp Điện Bàn. Trong đó, ông Kiệt được biết đến là một trong 2 người “cha đẻ” của sản phẩm OCOP 3 sao - Gạo Phong Thử nổi tiếng.
Lúc cao điểm, trang trại ông chăn nuôi gần 100.000 con gà, hơn 200 con bò cùng các ao nuôi cá nước ngọt mỗi vụ xuất bán 25-30 tấn cá các loại. Hiện nay, trung bình mỗi năm trang trại của ông Kiệt cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng, lợi nhuận 200-300 triệu đồng/năm.
Trên chặng đường xây dựng kinh tế, ông Kiệt gặp không ít thử thách, thất bại, những tưởng có lúc phải bỏ cuộc. Chẳng hạn như đợt dịch cúm A (H5N1) vào năm 2004 khiến toàn bộ trang trại gà phải tiêu hủy; hay đợt hỏa hoạn tại xưởng thu mua nông sản cách đây vừa tròn 1 năm…
“Với đam mê, kiên trì và niềm tin vào bản thân, đặc biệt nhờ được rèn giũa qua môi trường quân đội đã giúp tôi có bản lĩnh vượt qua những chông gai và thử thách” - ông Kiệt nói.
Ông Nguyễn Phước Sáu - Chủ tịch Hội CCB thị xã Điện Bàn cho biết, đến năm 2020, Hội CCB thị xã không còn hộ nghèo, cận nghèo; tỷ lệ hộ khá, giàu hiện nay hơn 68%.
Trong phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, toàn thị xã có 10 hợp tác xã, 1 tổ hợp tác sản xuất, 1 trang trại, 12 gia trại, 24 hộ kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ, đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 269 lao động.
Trên địa bàn toàn tỉnh, hiện có 80 doanh nghiệp vừa và nhỏ, 30 hợp tác xã, 31 tổ hợp tác sản xuất, 254 trang trại, 632 gia trại, 939 hội kinh doanh dịch vụ do hội viên CCB làm chủ, đã giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho 5.276 lao động. Hơn 50 CCB đạt danh hiệu “CCB sản xuất, kinh doanh giỏi” các cấp.
Tại Quảng Nam, các cấp hội CCB đứng ra tín chấp để hội viên được vay vốn vay ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội, số tiền dư nợ đến nay là hơn 1.088 tỷ đồng với tổng số 19.476 hộ vay. Toàn tỉnh có 482 tổ tiết kiệm vay vốn do CCB làm tổ trưởng.