Đại Hưng mong được kè chống sạt lở bờ sông Côn

TRIÊU NHAN 25/11/2022 15:47

(QNO) - Trước ảnh hưởng nặng nề của những đợt lũ lớn dồn dập năm 2022, người dân thôn Thái Chấn Sơn (Đại Hưng, Đại Lộc) đứng ngồi không yên khi tình trạng sạt lở bờ sông không chỉ làm mất đất sản xuất ven sông mà nguy cơ hình thành con lạch xé đôi làng quê hiển hiện.

Sạt lở bờ sông Côn vô cùng nghiêm trọng. Ảnh: H.LIÊN
Sạt lở bờ sông Côn vô cùng nghiêm trọng. Ảnh: H.LIÊN

Gần đây, tình trạng sạt lở bờ sông Côn tại thôn Thái Chấn Sơn diễn biến vô cùng phức tạp khi sông xâm thực hơn 20m đất của làng qua 3 trận lũ liên tiếp.

Theo người dân địa phương, hiện tượng sạt lở đã có lâu nay nhưng chưa khi nào sông Côn lại bị sạt lở nghiêm trọng như vậy. Chiều dài đoạn sông bị sạt lở trải dài 200m, ăn sâu vào làng, cuốn trôi cả héc ta đất sản xuất vòng 1 của dân. 

Các hộ dân như ông Nguyễn Trần Tuấn Tú, Nguyễn Hữu Lục, Nguyễn Luân, bà Trương Thị Nhơn… là những người sống sát khu vực bị sạt lở, mất đất sản xuất, thiệt hại nhiều diện tích cây ăn quả do hiện tượng lũ lụt từ thượng nguồn tràn về gây sạt lở, bồi lấp nặng cho làng quê.

Nhà cửa đã nằm sát sông. Ảnh: H.LIÊN
Nhà cửa đã nằm sát sông. Ảnh: H.LIÊN

Bà Trương Thị Nhơn cho biết, hơn 3 sào trồng cây ăn quả, chủ yếu là ổi Đài Loan của bà đã bị thiệt hại sạch khi ổi gần đến kỳ thu hoạch. Song bà Nhơn và những hộ dân ở Thái Chấn Sơn không chỉ rầu bởi chuyện mất năng suất của vùng cây ăn quả chuyên canh mà lo lắng không yên khi nguy cơ xé lạch hiển hiện khi con lạch đã xuất hiện và ngày càng khoét sâu, làm mất nhiều diện tích đất trồng lúa, trồng cây ăn quả của vùng.

Ông Đỗ Ngọc Khanh - cựu chiến binh thôn Thái Chấn Sơn bày tỏ, nơi đây là đầu sóng, là vùng hứng chịu đầu tiên của tình trạng lũ lụt từ thượng nguồn đổ về và tình trạng xả lũ nên nước chảy rất xiết, mọi thứ đều bị cuốn phăng tất cả. Nếu địa phương không có giải pháp xây dựng bờ kè chống sạt lở bờ sông Côn thì e rằng chuyện mất đất sẽ tiếp diễn, đồng nghĩa với toàn bộ đất sản xuất và thổ cư của những hộ sát sông sẽ bị “xoá sổ”.

Cũng theo nhiều người dân, đây là khúc cua của dòng sông, khi có mưa to, nước lớn, nhất là tình trạng xả lũ thì con nước đổ về ồ ạt khiến đất đai bị xâm thực nghiêm trọng. Hằng năm, chính quyền xã Đại Hưng huy động dân quân, thanh niên, các hội, đoàn thể… cùng với người dân trồng cây, làm bờ kè tạm để phòng, chống sạt lở nhưng không ăn thua. Không chỉ đất cát bồi, nhiều diện tích đất thịt, đất sét trồng cây keo lâu năm cũng bị đào xới, bờ sông hình thành những vách dựng đứng, sâu hoắm.

Theo ông Tăng Tấn Tịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Đại Hưng, để giảm thiểu tối đa tình trạng sạt lở bờ sông Côn ở khu vực khúc cua thôn Thái Chấn Sơn, địa phương đã kiến nghị huyện Đại Lộc sớm bố trí ngân sách đầu tư xây dựng bờ kè cứng bằng bê tông cốt thép để bảo vệ làng. Bởi chỉ có kè cứng mới ngăn chặn được tình trạng sạt lở bờ sông Côn ở khúc cua này.

UBND huyện Đại Lộc đã giao Phòng NN-PTNT huyện chủ trì, phối hợp với các ngành và địa phương liên quan, kiểm tra, tham mưu cho UBND huyện các giải pháp phòng, chống sạt lở bờ sông Côn của xã. Trong khi chờ đợi các phương án, giải pháp ứng phó thì ai nấy vẫn cứ lo lắng, thấp thỏm trước nguy cơ sạt lở sông Côn.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Hưng mong được kè chống sạt lở bờ sông Côn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO