Du lịch

Đài Loan thiết lộ ký

TRẦN ĐỨC ANH SƠN 02/09/2024 08:08

Thiết lộ (鐵路) là đường sắt. Đó là mạng lưới giao thông đồ sộ và đóng vai trò quan trọng trong giao thông, kinh tế và xã hội của Đài Loan ngày nay.

Anh 04
Cửa vào ga MRT Trung Chính kỷ niệm đường, ở trung tâm tâm Đài Bắc.

1. Vận tải bằng đường sắt ở Đài Loan do nhà Thanh (1644 - 1912) khai lập vào năm 1891. Nhưng người Nhật mới là những người có công đưa vận tải đường sắt trở thành dịch vụ giao thông công cộng và vận chuyển hàng hóa phổ biến ở Đài Loan.

Ngày nay Đài Loan có mạng lưới đường sắt dài 1.691,8km, kết nối tất cả đô thị trọng yếu của quốc đảo từ bắc xuống nam, từ đông sang tây, mỗi ngày vận chuyển gần 3 triệu lượt hành khách.

Mạng lưới đường sắt ở Đài Loan bao gồm: đường sắt thông thường (TRA), tàu điện ngầm (MRT), đường sắt cao tốc (HSR), cùng một số tuyến đường sắt đặc biệt dành cho du lịch và công nghiệp ở một số địa phương.

Anh 07
Tàu TRA đón khách ở ga La Đông

Phần lớn cư dân Đài Bắc, hàng ngày sử dụng xe bus và MRT để lưu thông nội thị hoặc đi đến các thư viện, viện nghiên cứu, trường đại học, đi mua sắm, tham quan các di tích, thắng cảnh, các điểm giải trí… ở Đài Bắc và phụ cận.

Từ Academia Sinica, nơi tôi nghiên cứu, bước ra khỏi cổng là có trạm xe bus. Sau khi bắt xe bus đến nhà ga, có thể đi khắp các quận của Đài Bắc, sang các thành phố lân cận như Đào Viên, Tân Bắc bằng MRT.

Mỗi ga MRT là một tổ hợp công trình kiến trúc nửa ngầm, nửa nổi. Tùy theo vị trí và vai trò của từng ga mà phần ngầm được xây dựng quy mô hơn phần nổi hay ngược lại.

2. Giữa tháng 3/2024, tôi có chuyến đi Đài Nam để dự hội thảo khảo cổ học tại Đại học Quốc lập Thành Công. Từ Đài Bắc xuống Đài Nam có rất nhiều phương tiện: xe bus, uber, TRA và HSR.

Tôi tra Google, thấy vé đi Đài Nam bằng tàu TRA là 800 NTD (New Taiwan Dollar - đô la Đài Loan), còn đi bằng tàu HSR là 1.400 NTD nên quyết định đi bằng tàu TRA cho rẻ.

6 giờ 30 sáng, tôi bắt xe bus Academia tới ga Nam Cảng, vào quầy vé hỏi mua vé tàu Poyuma (TRA) đi Đài Nam. Nhân viên bán vé gõ lách cách trên bàn phím, nhìn vào màn hình, bảo tôi: “Hết vé tàu Poyuma đi Đài Nam chuyến 7 giờ 42 rồi. Chỉ còn chuyến 8 giờ 22 trở đi. Tới Đài Nam lúc 12 giờ 30. Nếu đi tàu HSR thì có chuyến khởi hành lúc 7 giờ 40, tới Đài Nam lúc lúc 9 giờ 30. Ông muốn đi tàu HSR thì đi vòng ra phía sau. Quầy vé tàu HSR ở đó”.

Anh 01 (1)
Một đoàn tàu MRT dừng ở ga Bắc Môn để đón khách. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Vì sợ trễ giờ họp vào buổi chiều, tôi đành đi qua quầy bán vé tàu HSR, trả 1.400 NTD (hơn 1,1 triệu đồng) mua vé chuyến HSR 205 đi Đài Nam.

HSR là loại tàu dựa trên thiết kế và vận hành của tàu Shinkansen ở Nhật Bản nên hình dáng bên ngoài và nội thất bên trong đoàn tàu giống như Shinkansen. Tốc độ từ 300 đến 350 km, nên tàu chỉ chạy 1 tiếng 50 phút là đến ga Sa Luân (Shalun) ở ngoại ô thành phố Đài Nam. Từ đó, tôi bắt MRT đi thêm 30 phút nữa thì tới ga Đài Nam.

Ga Đài Nam nằm ngay trước cổng Đại học Quốc lập Thành Công nên tôi đi bộ mất 10 phút là tới chỗ nơi tổ chức hội thảo, kịp đăng ký, nhận tài liệu, rồi ăn trưa cùng các đồng nghiệp, trước khi tham gia phiên họp buổi chiều.

3. Gần 5 tháng ở Đài Bắc, tôi tranh thủ những ngày nghỉ cuối tuần để đi thăm các thành phố lân cận như Cơ Long (Keelung), Đạm Thủy (Tamsui) và La Đông (Luotong), là những nơi có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh và phong cảnh hữu tình.

Anh 02
Khu ẩm thực ở tầng ngầm trước lối vào MRT ở ga Nam Cảng. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Tôi đã đến Đạm Thủy, một cảng thị cổ ở cực bắc Đài Loan, rất giống với Hội An ở Quảng Nam; thăm Cơ Long, hải cảng lớn thứ hai của Đài Loan và là quân cảng quan trọng bậc nhất của quốc đảo này hiện nay.

Cả Đạm Thủy và Cơ Long là nơi có rất nhiều pháo đài cổ, được xây dựng từ thời người Hà Lan chiếm đóng Đài Loan, các thành lũy do nhà Thanh xây dựng và những khu phố cổ có thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng những nơi này.

Còn La Đông là một vùng ngoại ô trù phú của huyện Nghi Lan (Yilan), nơi đang đô thị hóa cực nhanh, nên cần nhiều nhân công hành nghề xây dựng. Vì thế, đây là nơi có rất nhiều lao động Việt Nam đến định cư, làm việc và mưu sinh.

Anh 03
Tiệm cắt tóc ở tầng ngầm trong ga Nam Cảng. Ảnh: Trần Đức Anh Sơn

Từ Đài Bắc đến các địa điểm này có nhiều tuyến shuttle bus rất tiện lợi, nhưng vì muốn trải nghiệm tàu TRA, nên tôi chọn loại tàu này để đi. Từ ga Nam Cảng đi tàu communer (tàu chậm) mất 35 phút là tới Cơ Long; hoặc lên tàu đi về hướng Hoa Liên (Hualien), đi 1 tiếng 50 phút thì tới ga La Đông thì xuống.

Riêng với Đạm Thủy, từ Nam Cảng, bắt tàu MRT đường màu lam đi tới ga Đài Bắc xa trạm, đổi qua local train đường màu đỏ đi 1 tiếng 15 phút thì tới Đạm Thủy. Các chuyến tàu này chạy cách nhau 20 - 35 phút/chuyến; vé từ 55 - 150 NTD (tới ga La Đông). Tàu sạch sẽ, tiện nghi, chạy tốc độ 80km/giờ.

Đi vào ngày thường thì có chỗ ngồi, nhưng vào những ngày cuối tuần khách đi chơi, tham quan, ngoạn cảnh nhiều, thì thường hết chỗ ngồi, phải đứng suốt hành trình, như chuyến đi La Đông sáng thứ 7 (24/8/2024) của tôi chẳng hạn. Được cái, tàu chạy đúng giờ, trong tàu tuy đông đúc nhưng người Đài Loan văn minh, lịch sự, không chen lấn ồn ào, nên cũng dễ chịu.

Tàu dừng, tôi xuống tàu, quẹt thẻ ở cửa ra ga, rồi đến Information Center ở ngay cửa ga, hỏi xin một tờ bản đồ địa phương, một tờ pamphlet chỉ dẫn những địa điểm tham quan nổi danh trong vùng, rồi túc tắc đi tham quan danh lam thắng tích, thưởng ngoạn ẩm thực, đi chợ đêm…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đài Loan thiết lộ ký
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO