Xã hội

Đại Lộc nỗ lực chăm lo cho người có công

TR.NHAN - B.LIỄU 27/07/2024 15:07

(QNO) - Những năm qua, công tác chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng được các cấp, các ngành của huyện Đại Lộc triển khai thường xuyên, bằng những việc làm thiết thực. Qua đó, đã phần nào xoa dịu nỗi đau chiến tranh, giúp các gia đình chính sách, người có công có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Tuổi già, sức yếu, mẹ Phạm Thị Hùng (trú thôn Thuận Hòa, xã Đại Thắng) được cán bộ, công đoàn xã Đại Thắng nhận phụng dưỡng, chăm sóc, mỗi tháng 1 triệu đồng. Tranh thủ thời gian rảnh rỗi, cán bộ, hội viên công đoàn lại đến thăm hỏi, trò chuyện để mẹ có thêm niềm vui lúc tuổi già. Đáng chú ý, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7 năm nay, cán bộ, hội viên Công đoàn xã đã đến nhà thăm hỏi, tặng quà, dọn dẹp vệ sinh xung quanh nhà, nấu bữa cơm tri ân cùng mẹ. Đây là nguồn động viên to lớn, bù đắp một phần nỗi mất mát của mẹ, cũng là sự tri thể hiện đạo lý “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

Sau chiến tranh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Nguyễn Văn Năm (trú xã Đại Thắng) vẫn thấy mình may mắn khi được trở về với quê hương, đoàn tụ cùng gia đình. Dù phía trước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng với phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông và những người lính năm xưa đã không ngại khó, ngại khổ vươn lên phát triển kinh tế gia đình và chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng đời sống văn minh, tốt đẹp. Ông luôn nhận được sự quan tâm của Đảng, nhà nước và chính quyền xã Đại Thắng như thăm hỏi, tặng quà, tạo điều kiện thuận lợi để ông vươn lên trong cuộc sống.

Ông Trần Công Phụng - Chủ tịch UBND xã Đại Thắng cho biết, là địa phương chịu nhiều mất mát sau chiến tranh, xã Đại Thắng hiện có hơn 777 liệt sĩ, 10 Bà mẹ Việt Nam anh hùng, 1 Anh hùng Lực lượng vũ trang còn sống, 108 thương binh, 42 bệnh binh, 42 người có công cách mạng, 34 người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, 13 người bị ảnh hưởng chất độc hóa học đang được hưởng trợ cấp hằng tháng.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua, xã Đại Thắng đã chú trọng việc chăm sóc, hỗ trợ cho các thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ, người có công như: trao tặng bảo hiểm y tế, trao học bổng cho học sinh, sinh viên con em gia đình chính sách, người có công để họ yên tâm ổn định cuộc sống.

Ngoài ra, các ban ngành, đoàn thể xã còn vận động mạnh thường quân hỗ trợ sữa chữa, xây dựng nhà tình nghĩa, nhận phụng dưỡng mẹ Việt Nam anh hùng, tặng quà cho các gia đình chính sách khó khăn, neo đơn với số tiền hàng trăm triệu đồng. Riêng năm 2024, địa phương đã xây dựng mới 1 ngôi nhà, sửa chữa 3 ngôi nhà và tặng gần 100 suất quà cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã. Đến nay, đời sống của đại đa số gia đình người có công trên địa bàn xã ngày càng được cải thiện.

Hướng về "Tháng tri ân", các cấp, các ngành, các địa phương và toàn thể nhân dân huyện Đại Lộc lại tích cực tham gia phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” bằng những việc làm ý nghĩa, tạo hiệu ứng lan tỏa trong xã hội, nhất là đối với thế hệ trẻ.

Đoàn Thanh niên xã/thị trấn, Hội LHPN huyện và các xã/thị trấn: Đại Nghĩa, Đại Đồng, Đại Hồng, Đại Minh, Đại Thắng, thị trấn Ái Nghĩa…đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực cho các đoàn viên, thanh niên, như tham gia như: Ra quân dọn dẹp nghĩa trang, tổ chức chương trình thắp nến tri ân tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ; tổ chức sửa chữa, quét dọn nhà, nấu bữa cơm tri ân, vận động mạnh thường quân tặng quà cho gia đình chính sách...

A Quang 3
Lãnh đạo huyện Đại Lộc trao tặng quà cho người có công. Ảnh: TRIÊU NHAN

Bà Nguyễn Thị Hồng - Trưởng phòng LĐ-TB & XH huyện cho biết, với vai trò là cơ quan tham mưu giúp việc, phòng đã chủ động tham mưu cho UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện tổ chức tốt các phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm lo cho gia đình chính sách bằng nhiều hình thức. Theo đó, huyện đã vận động các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp nhận phụng dưỡng suốt đời 43 mẹ Việt Nam anh hùng còn sống, 3.370 đối tượng người có công và thân nhân đang nhận trợ cấp ưu đãi hàng tháng và quản lý 6.842 liệt sĩ.

Lãnh đạo tỉnh khảo sát tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Tân. Ảnh: BÍCH LIÊN
Lãnh đạo tỉnh khảo sát tại Nghĩa trang liệt sĩ xã Đại Tân. Ảnh: TRIÊU NHAN

Cũng theo bà Nguyễn Thị Hồng, từ nguồn vốn được phân bổ theo Nghị quyết số 13 ngày 22/9/2023 của HĐND tỉnh, huyện Đại Lộc đã tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn thực hiện cải thiện nhà ở đối với 25 hộ gia đình đủ điều kiện hỗ trợ xây mới và 81 hộ gia đình thuộc diện hỗ trợ sửa chữa.

Công tác quản lý mộ, Nghĩa trang liệt sĩ cũng được tập trung tiến hành. Từ nguồn kinh phí thực hiện Nghị quyết số 59 ngày 8/12/2023 của HĐND tỉnh, năm 2024, huyện Đại Lộc được phân bổ hơn 16,2 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp nghĩa trang liệt sĩ và các công trình ghi công liệt sĩ tại các xã Đại Minh, Đại Hòa, Đại Tân, Đại Sơn, Đại Hồng, Đại Cường, Đại Chánh và thị trấn Ái Nghĩa. Mỗi năm, Phòng LĐ-TB&XH và UBND các xã, thị trấn còn phối hợp thẩm tra, đề nghị giải quyết kịp thời hơn 1.000 hồ sơ thuộc chế độ, chính sách đối với người có công với cách mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đại Lộc nỗ lực chăm lo cho người có công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO