(QNO) - Theo lệ, cứ đến mùng 6 tháng Giêng hằng năm, sông Vu Gia (đoạn qua thị trấn Ái Nghĩa, Đại Lộc) lại rộn ràng lễ hội đua ghe truyền thống, thu hút đông đảo nhân dân và du khách thập phương đổ về xem vui như hội.
Lễ hội đua ghe truyền thống tại Đại Lộc diễn ra đúng vào ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng). Từ sáng sớm, trong cái se lạnh đầu xuân, dòng người nô nức đổ về bến sông Ái Nghĩa, ai nấy tranh thủ chọn cho mình vị trí thuận lợi nhất để xem các pha tranh tài.
Tham dự giải đua có 9 thuyền nữ và 15 thuyền nam đến từ các xã/thị trấn. Các đội tranh tài ở 2 giải gồm: giải hòa bình dành cho thuyền nam với 3 vòng đôi; giải chính dành cho thuyền nam với 6 vòng đôi, cự ly 5.000m và thuyền nữ với 4 vòng đôi cự ly 3.000m. Sau hồi trống xuất phát, các thuyền đua, các tay chèo đã hăng hái rẽ nước, đọ từng mét nước.
Hai bên bờ sông, khán giả hồi hộp chứng kiến các pha tranh tài kịch tính, phấn khích, hò reo ủng hộ tinh thần các đội đua.
Ở giải hoà bình, thuyền đua của đơn vị Đại Hòa giành giải nhất qua 3 vòng đua; thuyền đua đơn vị Đại Hồng về vị trí thứ nhì và đơn vị Đại Sơn về đích thứ 3. Ở giải chính giành cho nữ, thuyền đua đơn vị Đại Thắng đã bức phá ngoạn mục, về vị trí thứ nhất; hai đơn vị Đại Sơn và Đại Nghĩa lần lượt giành vị trí thứ nhì và ba.
Ở giải chính dành cho nam, đơn vị Đại Nghĩa đã có một màn trình diễn đẹp mắt, bỏ xa các đối thủ ở khoảng cách khá an toàn tại 6 vòng đua liên tiếp, xứng đáng giành chức vô địch. Thuyền đua hai đơn vị Đại Hồng và Đại Phong lần lượt ở vị trí nhì và ba.
Ông Trần Văn Phương (55 tuổi, thôn Phiếm Ái 2, xã Đại Nghĩa), một cổ động viên nhiệt tình chia sẻ: “Đầu năm người dân chúng tôi đi xem đua ghe rất phấn khởi. Từ nhỏ tôi đã mê đi coi đua ghe rồi. Mùng 6 coi đua ở sông Ái Nghĩa, mùng 8 tiếp tục coi đua ở Bàu Ông - Đại Nghĩa. Mong tục lệ đẹp đầu xuân này tiếp tục được duy trì hằng năm”.
Bà Nguyễn Thị Anh (xã Đại Hòa) năm nay đã 80 tuổi nhưng vẫn hăng hái theo con cháu ra bến sông từ sớm. Bà chăm chú theo dõi toàn bộ giải đua ở 2 nội dung: giải hòa bình lẫn giải chính suốt mấy tiếng đồng hồ. Tuổi cao nhưng mắt bà vẫn nhìn khá rõ tên từng ghe đua, đọc đúng tên đội đua với các giải nhất, nhì, ba ở các vòng thi.
Lễ hội đua ghe (đua thuyền) cầu may, cầu tài, có nơi còn gọi là lễ hội đảo thủy đầu năm diễn ra trong phạm vi toàn huyện là nét đẹp trong sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của người dân sống ở vùng sông nước, vùng “rốn lũ” Đại Lộc. Lễ hội nhằm hướng đến ước vọng cầu cho quốc thái dân an, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi.
Nhiều người con Đại Lộc dù có đi muôn vạn nẻo với cuộc mưu sinh nhưng cũng nán lại quê nhà để có dịp xem hội đua ghe bừng bừng khí thế.
Nhiều năm qua, khâu tổ chức lễ hội đua ghe được huyện Đại Lộc và các ngành chức năng triển khai khá bài bản, nhất là đảm bảo công tác an ninh trật tự, an toàn trên sông nước trong lễ hội. Song, thiết nghĩ, cần tiếp tục có sự đầu tư, nâng tầm quy mô lễ hội, gắn bảo tồn với phát triển lễ hội truyền thống, để mỹ tục đầu xuân này có sức lan tỏa mạnh mẽ trên khắp xứ Quảng.