Từ sự hỗ trợ, tiếp sức của Đề án hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp (Đề án 939), nhiều phụ nữ trên địa bàn huyện Đại Lộc đã nỗ lực khởi nghiệp thành công với nhiều mô hình hiệu quả.
Nhiều cơ chế tiếp sức
Đề án 939 được triển khai từ 30/6/2017, đến nay cùng với sự hỗ trợ, tiếp sức của các cấp hội phụ nữ huyện, phong trào khởi nghiệp sáng tạo tại Đại Lộc đã có những kết quả nhất định.
Qua 7 năm, toàn huyện Đại Lộc đã có 22 ý tưởng chất lượng được gửi tham gia cuộc thi cấp tỉnh; có 8 cá nhân đạt giải (5 giải ba, 3 giải khuyến khích).
Một số dự án, ý tưởng khởi nghiệp được đánh giá cao, đạt giải cấp Trung ương. Nhiều sản phẩm đạt công nhận sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp, nông thôn tiêu biểu cấp huyện.
Bà Nguyễn Thị Hiệp - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đại Lộc chia sẻ, giai đoạn 2018 - 2024, Hội LHPN huyện đã vận động nguồn lực để hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ khởi nghiệp.
Cụ thể, trao 25 sổ hồng khởi nghiệp, trao sinh kế cho hơn 210 hội viên phụ nữ khó khăn có nhu cầu để mở cơ sở buôn bán, kinh doanh, phát triển sản xuất với số tiền hơn 3 tỷ đồng. Hội còn hỗ trợ thành lập 3 HTX do phụ nữ làm chủ gồm HTX Phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân, HTX Vu Gia và HTX Hồ Lộc.
CLB Phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo huyện Đại Lộc được thành lập từ năm 2022 với 18 thành viên, nhiều thành viên có sản phẩm đã được quảng bá rộng rãi trên thị trường...
Bà Nguyễn Thị Hiệp cho biết: “CLB luôn duy trì thường xuyên các hoạt động, sự kiện, tổ chức gặp gỡ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm khởi nghiệp. Đặc biệt, đã tổ chức livestream bán hàng giao lưu với CLB “Phụ nữ khởi nghiệp” TP.Tam Kỳ.
Chuẩn bị cơ sở vật chất để tiến hành live stream thường xuyên bán hàng do thành viên CLB sản xuất. Trong số sản phẩm của hội viên CLB đã có 7 sản phẩm OCOP; đã có 6 thành viên CLB tham gia các hội thi ý tưởng sáng tạo từ Trung ương đến địa phương và đạt giải cao...”.
Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, Đại Lộc là địa phương sớm hình thành các tổ hỗ trợ khởi nghiệp, cũng là địa phương sớm đại hội thành lập Hội Khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện.
“Thời gian tới, huyện tiếp tục hướng dẫn, tạo điều kiện để phụ nữ tham gia các hội chợ, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm khởi nghiệp của phụ nữ.
Đồng thời nắm bắt tốt chính sách hỗ trợ hội viên, góp phần đưa cơ chế, chính sách của Nhà nước vào đời sống. Có thể kể đến, Nghị quyết số 17 về Xây dựng và phát triển chuỗi giá trị; Nghị quyết số 35 của HĐND tỉnh về phát triển kinh tế vườn - kinh tế trang trại…” - ông Mẫn chia sẻ.
Những “bông hoa” khởi nghiệp
Chị Nguyễn Thị Phi Anh (SN1983) là gương phụ nữ khởi nghiệp xuất sắc, hiện là chủ cơ sở sản xuất nấm bào ngư tím tại xã Đại Lãnh. Tốt nghiệp đại học kinh tế, song chị Anh lại quyết tâm về quê khởi nghiệp.
Từ vốn kiến thức học được, cùng sự say mê nghiên cứu, năm 2020 chị Anh bỏ vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nhà lồng và nhập nguyên liệu sản xuất nấm bào ngư tím. Sản phẩm hiện được giới thiệu tiêu thụ tại các chợ, đại lý, nhà hàng trong và ngoài tỉnh.
Năm 2022, chị Anh được hướng dẫn đăng ký cuộc thi “Ý tưởng phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo” cấp huyện và đạt giải Nhì. Cơ sở của chị Anh giải quyết việc làm thường xuyên cho 4 lao động. Chị Phi Anh còn có nhiều đóng góp cho hoạt động công tác hội tại địa phương, được Hội LHPN huyện công nhận danh hiệu phụ nữ tiêu biểu cấp huyện vào năm 2022.
Năm 2019, chị Nguyễn Thị Hồng Vân được hỗ trợ 3 triệu đồng từ Hội LHPN huyện Đại Lộc, qua đó khích lệ, giúp chị tự tin hơn trên con đường khởi nghiệp. Từ sản phẩm dầu gội bưởi Hồng Vân, chị Vân còn nỗ lực cho ra đời một số dòng sản phẩm khác như nước cốt chanh, nước cốt tắc...
Chị Hồng Vân còn được giới thiệu tham gia Cuộc thi Phụ nữ Việt tự tin làm kinh tế do Trung ương Hội tổ chức và đạt giải Ba. HTX Phát triển sản phẩm nông nghiệp Hồng Vân cho chị Vân làm Giám đốc đã có những bước tiến vượt bậc.
HTX liên kết với các chủ thể khác xây dựng được nguồn nguyên liệu bền vững; khai thác triệt để các giá trị của nguồn nông sản địa phương, chế biến sâu, đưa sản phẩm ra thị trường. HTX đã giải quyết việc làm thời vụ cho 4 lao động, doanh thu đạt 150 triệu đồng/tháng.
Ngoài ra còn có một số gương điển hình khởi nghiệp như chị Trần Thị Thúy Kiều (chủ cơ sở bột ngũ cốc Hồng An) đã giải quyết việc làm cho 3 lao động thời vụ tại địa phương, đạt doanh thu 650 triệu đồng/năm; chị Hồ Thị Lộc (HTX Hồ Lộc) giải quyết việc làm cho 5 lao động, sản phẩm của HTX được công nhận sản phẩm OCOP 3 sao, doanh thu đạt 500 triệu đồng/năm…