Xã hội

Đảm bảo an toàn thực phẩm, Quảng Nam kiểm soát từ nguyên liệu

LÊ QUÂN (hienphan88@gmail.com) 10/02/2025 11:14

Bảo đảm an toàn thực phẩm mùa lễ hội xuân năm 2025 được đặt ra, khi các địa phương bắt đầu vào mùa lễ hội truyền thống.

Thành viên đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra điều kiện bảo quản thực phẩm tại một cơ sở sản xuất. Ảnh: X.H
Thành viên đoàn liên ngành tỉnh kiểm tra điều kiện bảo quản thực phẩm tại một cơ sở sản xuất trên địa bàn TP.Tam Kỳ. Ảnh: X.H

Kiểm soát nguyên liệu làm đặc sản

Dịp lễ hội, món ăn đặc sản vùng miền thường được ưa chuộng. Du khách khi tham gia các cuộc hội thường mong muốn trải nghiệm đặc sản địa phương. Điều này đặt ra vấn đề về kiểm soát an toàn thực phẩm (ATTP) đối với sản phẩm này lẫn những hàng quán bày bán trong không gian các lễ hội.

Tại TP.Hội An hiện có 801 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, 897 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, 92 cơ sở kinh doanh thực phẩm, 32 bếp ăn tập thể tại các trường học phục vụ nhân dân, học sinh và du khách. Vì vậy vấn đề ATTP luôn được địa phương chú trọng.

Ông Nguyễn Văn Lanh - Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An cho biết, UBND thành phố chỉ đạo các ban ngành, đơn vị đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức về vệ sinh ATTP; kiểm tra, giám sát chặt chẽ, thường xuyên việc chấp hành các quy định về ATTP, nhất là tại các bếp ăn tập thể, bếp ăn bán trú, các nhà hàng, hộ kinh doanh ăn uống đường phố...

Dịp đầu xuân, các địa phương miền núi Quảng Nam cũng tổ chức khá nhiều lễ hội. Quảng Nam hiện có 9 huyện miền núi với nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Cơ Tu, Xơ Đăng, Co… sinh sống. Sự phong phú của ẩm thực truyền thống các dân tộc thiểu số miền núi Quảng Nam đã được nhận diện.

Dịp lễ tết cũng là lúc những món đặc sản truyền thống được chế biến, giới thiệu cũng như dọn đãi khách. Đặc sản ẩm thực miền núi thường được chế biến từ các nguyên liệu bản địa, như cá suối, thịt rừng, rau rừng... Tuy nhiên, nếu không có cách bảo quản hợp lý thì nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm vẫn dễ xảy ra.

Người dân xứ Quảng vẫn còn nhớ vụ ngộ độc món cá muối ủ chua hồi tháng 3/2024 tại Phước Sơn. Do vậy, yêu cầu về ATTP ở các huyện miền núi càng đặt ra cấp thiết. Điều kiện chế biến, bảo quản cùng với khâu nguyên liệu phải được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo ATTP cho người dân, du khách trong các lễ hội.

Nâng cao nhận thức về lựa chọn thực phẩm

Tại các huyện miền núi, chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền trong các cuộc họp thôn, ngày hội đại đoàn kết về vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm; không sử dụng thức ăn được làm từ những thực phẩm không đảm bảo, không rõ nguồn gốc.

Sở Y tế cũng đã đề nghị các địa phương vùng núi cao tăng cường thông tin, truyền thông, giáo dục về kiến thức an toàn thực phẩm nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi, thói quen trong lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm. Đối với các lễ hội truyền thống sắp tới, ngành y tế sẽ có sự phối hợp chặt chẽ với các địa phương để kiểm soát vấn đề ATTP.

Bà Lê Thị Hồng Cẩm - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh cho biết, thời điểm tết và lễ hội, người dân cần cẩn trọng trong lựa chọn, chế biến, sử dụng các món ăn truyền thống địa phương. Cạnh đó, mùa lễ hội với nhu cầu sử dụng rượu khá lớn, vì vậy yêu cầu tuyên truyền phòng ngừa ngộ độc rượu được đặt ra.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh khuyến cáo người dân không uống rượu có cồn công nghiệp vì có thể gây mù mắt và tử vong, không uống rượu ngâm với lá, rễ cây, phủ tạng động vật hay rượu ngâm theo kinh nghiệm cá nhân... Ngoài ra, người dân ở các huyện miền núi tuyệt đối không được ăn nấm lạ, nấm hoang dại kể cả nấm màu trắng..

Các địa phương cần khuyến cáo người dân không sử dụng sản phẩm thực phẩm không rõ nguồn gốc, có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng. Địa phương cần hướng dẫn người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn, cách đọc nhãn mác sản phẩm thực phẩm.

Cạnh đó, cần tạo thói quen từ chối các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như không tiêu thụ những thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm giả, thực phẩm kém chất lượng, không an toàn hoặc có dấu hiệu ôi thiu, mốc, hỏng; khai báo khi bị ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm.

Để bảo đảm kiểm soát ATTP tại các lễ hội xuân 2025, Bộ Y tế vừa có văn bản yêu cầu Ban Chỉ đạo liên ngành các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về vệ sinh ATTP phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động truyền thông đến các đối tượng sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm (điều kiện ATTP đối với cơ sở, trang thiết bị, vệ sinh cá nhân người sản xuất, chế biến thực phẩm; quy định nguồn gốc, bảo đảm ATTP đối với nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, ghi nhãn thực phẩm; vệ sinh ăn uống; lựa chọn, bảo quản, chế biến và sử dụng thực phẩm an toàn…).

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đảm bảo an toàn thực phẩm, Quảng Nam kiểm soát từ nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO