Sau gần mười năm rèn bút, Nguyễn Thị Minh Ngọc đã xuất hiện một cách tự tin trên các báo, tạp chí. Đọc truyện ngắn Minh Ngọc, tôi nghĩ, cây bút trẻ xứ Quảng sẽ còn tiến xa hơn nữa trên con đường văn chương đầy khổ nhọc…
Từ tác phẩm đầu tay trên báo Quảng Nam
Cách đây 10 năm, Báo Quảng Nam tổ chức cuộc thi truyện ngắn, thu hút đông đảo các cây bút trong cả nước tham gia. Lúc bấy giờ, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc gửi truyện ngắn “Đôi giày nhung”.
Kết thúc cuộc thi, truyện ngắn ấy lọt vào vào chung khảo. Tuy không đoạt giải nhưng truyện ngắn “Đôi giày nhung” được chọn in trong tập “25 truyện ngắn - Tác phẩm chung khảo Cuộc thi truyện ngắn Báo Quảng Nam 2014 - 2015” do Nhà xuất bản Văn Học ấn hành.
Sau này trở thành bạn bè quen thân với tác giả, tôi mới hay rằng Nguyễn Thị Minh Ngọc là cô giáo trẻ, quê xã Bình Tú, huyện Thăng Bình, dạy học tại Trường Phổ thông Dân tộc bán trú - Trung học cơ sở xã Trà Nam, huyện Nam Trà My.
Minh Ngọc cho biết, các em học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao có cuộc sống hết sức khó khăn. Các em ước mơ có đôi giày mang đi học cho ấm chân vào mùa rét lạnh.
Từ thực tế nơi công tác, Minh Ngọc viết truyện ngắn “Đôi giày nhung” trên giấy vở học trò. Minh Ngọc gửi truyện ngắn ấy về quê nhà qua đường bưu điện để cậu em đánh máy vi tính và “gửi giùm” đến cuộc thi của Báo Quảng Nam. Không ngờ truyện ngắn được đăng, được lọt vào vòng chung khảo và được in thành sách.
Phấn khởi với tác phẩm đầu tay, Minh Ngọc viết thêm mấy truyện ngắn nữa nhưng chất lượng chưa đạt. Qua email, tôi góp ý chân thành, chỉ ra những đoạn cần triển khai ý tưởng sâu rộng hơn, những đoạn viết lan man cần rút gọn lại. Minh Ngọc “cám ơn chú” rồi thôi không liên lạc nữa. Tôi cứ đinh ninh cô giáo trẻ nhận thấy viết văn khó quá, nhọc nhằn quá nên bỏ cuộc chơi…
Không bỏ cuộc
Rồi một ngày mùa hè năm ngoái, bất ngờ Minh Ngọc điện thoại cho tôi để tìm đến nhà thăm chơi. Minh Ngọc cho hay, mùa thu 2014, cô chuyển về dạy học ở trường xã Trà Cang. Công việc chuyên môn và công việc hội đoàn chiếm hết thời gian nên phải tạm thời gác bút.
“Bây giờ con nghỉ dạy học, theo chồng về Đồng Nai sinh sống. Con về thăm quê và ghé thăm chú. Chừ rảnh rỗi, con viết lại. Mấy cái truyện chú góp ý, con đã sửa và gửi qua email cho chú rồi. Chú đọc và góp ý giúp” - Ngọc nói.
Chùm ba truyện ngắn gửi qua email cho tôi, Minh Ngọc viết mượt mà hơn, có những chi tiết, tình tiết khá thú vị, nhưng tổng thể vẫn chưa đạt. Tôi phân tích kỹ càng khi trả lời cây bút trẻ. Sau khi sửa chữa lần thứ tư, tôi vẫn lắc đầu.
Thời gian lặng lẽ trôi qua. Nào ngờ mấy tháng sau, Minh Ngọc gửi chùm ba truyện ngắn ấy cho tôi kèm theo lời nhắn: “Chú đừng ngại, cứ đọc và góp ý cho con. Con sẽ sửa chữa đến khi nào chú bảo đạt thì thôi”.
Nhờ có thời gian lắng lại để đọc và suy ngẫm, vì thế, qua lần sửa chữa thứ năm, chùm ba truyện ngắn ấy của Minh Ngọc đã đạt chất lượng như tôi mong đợi. Và rồi cả ba truyện ngắn ấy, Minh Ngọc gửi cho báo Quảng Nam và báo Đà Nẵng đều được đăng ngay. Minh Ngọc hớn hở khoe với tôi.
Điều đáng mừng là “qua sự hành hạ về chữ nghĩa của ông già khó tính”, Minh Ngọc đã nắm được cách viết một truyện ngắn như thế nào. Mỗi lần viết xong một truyện ngắn, Minh Ngọc đọc lại và tự tin gửi cho các báo.
Chỉ trong vòng hai năm (2023 - 2024), Minh Ngọc đã viết được 14 truyện ngắn đăng trên các báo và tạp chí Quảng Nam, Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh, Văn nghệ Công an… với các bút danh Nguyễn Thị Minh Ngọc, Ngọc Mỹ Kim, Minh Ngọc.
Đề tài truyện ngắn Minh Ngọc là cuộc sống bình dị của những con người vất vả mưu sinh. Nhân vật trong truyện ngắn Minh Ngọc là những phận người nghèo khó biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau để vượt qua những nghịch cảnh éo le. Vì thế, mỗi truyện ngắn Minh Ngọc là một lát cắt cuộc sống thấm đẫm tình người tình đời trong xã hội đã và đang có sự phân hóa giàu nghèo...
Đeo đuổi niềm đam mê viết văn nhằm chuyển tải và giãi bày những cảm nhận của mình đối với cuộc sống chung quanh, tôi nghĩ Minh Ngọc là một trong số không nhiều cây bút trẻ dám dấn thân như thế.