“Khí chất Nam Bộ qua truyện Sơn Nam” là cuốn chuyên khảo đặc sắc về các tác phẩm văn học của cố nhà văn Sơn Nam - tác giả Đinh Thị Thanh Thủy (Nhà xuất bản Tổng Hợp TP.HCM phát hành năm 2024).
Để hoàn thành chuyên khảo dày dặn này, nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy dành nhiều tâm huyết, tìm kiếm, tập hợp từ 134 truyện ngắn (trong tổng số 300 truyện ngắn đăng trên các báo rải rác từ 1954 đến trước 1975, một số truyện nay đã thất lạc), một số tiểu thuyết và truyện vừa. Đây có thể được xem là công trình nghiên cứu đầy đặn, chuyên sâu từ trước đến nay về nội dung các sáng tác liên quan đến Nam Bộ của nhà văn Sơn Nam.
Không chỉ dừng ở việc khảo sát tầm vóc và phong cách văn học đặc trưng Nam Bộ của Sơn Nam, tác giả còn mở rộng biên độ nghiên cứu vấn đề sinh cảnh văn học, văn hóa, con người, phong tục tập quán của người Việt ở Nam Bộ. Từ đó, lần nữa khẳng định “dân tộc tính” trong các tác phẩm của nhà văn Sơn Nam, trên cái nền khí chất văn hóa Nam Bộ, con người Nam Bộ.
Khí chất con người Nam Bộ - vốn gợi lên tâm thế tò mò của nhiều người - nay được khai mở rõ ràng qua lăng kính khảo sát tinh tế của tác giả. Văn hóa và con người Nam Bộ qua những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam ít nhiều biến thiên theo từng giai đoạn thăng trầm của lịch sử. Để hệ thống lại toàn bộ tác phẩm và phân loại, phân tích, đánh giá, liên kết đến bối cảnh thực tế trong từng giai đoạn của xã hội là việc không hề dễ dàng.
Đinh Thị Thanh Thủy có lợi thế được gần gũi tác giả mình yêu mến. Chưa kể, tình yêu với quê hương Nam Bộ khiến chị cần mẫn làm tất cả để bắc cây cầu đưa độc giả đến gần hơn những tác phẩm của nhà văn Sơn Nam. Từ những tác phẩm, dễ dàng hình dung tình yêu lớn lao của ông với đất và người Nam Bộ.
Thiên nhiên Nam Bộ ngày đầu hoang sơ, những bước chân lưu dân cùng người bản địa đã hình thành một nền “văn minh sông nước”. Và từ đây cũng đồng thời làm nên những thể ứng xử mang đậm văn hóa vùng của lớp lưu dân từ miền ngoài di dân đến xứ này.
Sự giao thoa giữa những tầng văn hóa của các dân tộc người Khmer, người Hoa… cũng ít nhiều tác động, ảnh hưởng đến văn hóa người Việt ở Nam Bộ, mở ra thời kỳ phát triển và giao lưu văn hóa mới. Bên cạnh đó, văn hóa ngoại lai thời kỳ thực dân ít nhiều cũng phủ trùm lên người Việt bản xứ.
Nhưng sau những biến dời, văn hóa Nam Bộ lại trở về bản sắc đậm đà của chính mình, chỉ phát triển thêm trên cái nền nhân nghĩa, tình yêu thương, tính hào sảng, khiêm nhu.
Cốt cách người Nam Bộ có được cũng nhờ họ biết lưu giữ những truyền thống, lề thói, phong tục lâu đời của tổ tiên, giữ gìn và phát triển bản sắc văn hóa của các loại hình nghệ thuật lâu đời: tập tục thờ cúng đình miếu, chùa chiền, thờ tổ tiên, người có công khai hoang mở đất, thờ tổ nghề; lưu truyền các loại hình giải trí như hát bội, thai đối, cải lương…
Được trình bày logic, với những lập luận chặt chẽ dựa trên nền khảo sát thực tế, tập chuyên khảo đặc sắc, kỹ càng của nhà nghiên cứu Đinh Thị Thanh Thủy cho thấy chị đúng là “khách tri âm” của nhà văn Sơn Nam (nhận xét của nhà thơ Lê Minh Quốc).
Đinh Thị Thanh Thủy, nguyên là Giám đốc - Tổng biên tập Nhà xuất bản Tổng Hợp, người dành trọn tâm huyết cho những vấn đề rộng lớn của văn học và sách. Chị cũng là nhà nghiên cứu với những công trình giá trị: Các bảo tàng và di tích nổi tiếng tại Thành phố Hồ Chí Minh (NXB Trẻ, 2005), Bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, Vai trò của nghiên cứu và giáo dục…
Sơn Nam (1926 - 2008) là nhà văn, nhà báo, nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam nổi tiếng. Ông tên thật là Phạm Minh Tài, quê tại Rạch Giá (Kiên Giang ngày nay). Thuở nhỏ ông học tiểu học tại quê nhà, rồi học trung học tại Cần Thơ.
Năm 1945, ông tham gia Thanh niên Tiền phong, rồi lần lượt tham gia công tác ở Hội Văn hóa cứu quốc tỉnh, phòng Chính trị Quân khu, phòng Văn nghệ Ban Tuyên huấn Xứ ủy Nam Bộ.
Bút danh Sơn Nam ra đời trong thời gian này, để tưởng nhớ người phụ nữ Khmer đã nuôi ông thời thơ ấu (Sơn là một họ lớn của người Khmer, Nam là để nhắc nhớ mình là người phương Nam).
Sơn Nam được người ta nhớ nhất qua Hương rừng Cà Mau (1962), tiếp sau đó là một loạt tác phẩm: Chim quyên xuống đất (1963), Hình bóng cũ (1964), Vạch một chân trời (1968), Hai cõi U Minh, Vọc nước giỡn trăng, Bà chúa hòn… Ông được nhiều người gọi là “ông già Nam Bộ”, “ông già Ba Tri”, “ông già đi bộ”, “pho từ điển sống về miền Nam” hay là “nhà Nam Bộ học”. (L.Q)