(QNO) - Nhiều mô hình dân vận khéo tại huyện Phú Ninh nhận được sự ủng hộ, chung sức của người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới hiệu quả.
Nhiều kết quả nổi bật
Từ hiệu quả của các mô hình, Phú Ninh đã lựa chọn tuyên dương, khen thưởng 70 điển hình tập thể và 15 cá nhân. Các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” được thực hiện gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Nhiều mô hình, cách làm mới đa dạng, phát huy quyền tự chủ, sự sáng tạo của nhân dân; góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị đề ra.
Huyện ủy Phú Ninh đánh giá, dấu ấn mô hình “Dân vận khéo” của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ huyện đến cơ sở là gắn với nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, giao thông nông thôn, phát triển kinh tế, an sinh xã hội.
Hưởng ứng phong trào thi đua do Hội LHPN huyện Phú Ninh phát động, Hội LHPN xã Tam Lộc xây dựng và thực hiện hiệu quả các mô hình, góp phần cùng địa phương tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp ở các tuyến đường, điểm sinh hoạt văn hóa thôn.
Bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội LHPN xã Tam Lộc chia sẻ, những mô hình, phần việc của Hội LHPN xã đã thực hiện đều xuất phát từ nhu cầu, tình hình thực tế và thế mạnh của từng thôn để có kế hoạch xây dựng nông thôn mới; tranh thủ các nguồn lực triển khai hiệu quả từng phần việc.
Như mô hình “Tổ thu gom rác thải” được thành lập xuất phát từ thực trạng rác thải chưa được tập kết đúng chỗ, gây bức xúc trong nhân dân. Tổ được thành lập với 11 thành viên tham gia; trong đó ưu tiên cho 5 chị em chưa có việc làm, tạo thu nhập tăng thêm 2 - 4 triệu đồng/người/ tháng.
Đều đặn mỗi chiều thứ Sáu và thứ Ba hằng tuần, tổ thu gom rác dọc các tuyến đường xương cá mà Công ty CP Môi trường đô thị Quảng Nam không đi vào được.
Để có tiền chi trả cho thành viên và duy trì các hoạt động của tổ thu gom rác đảm bảo theo quy chế, Hội LHPN xã Tam Lộc chịu trách nhiệm vận động nhân dân đóng phí môi trường 15.000đ/hộ/tháng.
“Không dừng lại ở đó, các chị trong đội thu gom đã nhiệt tình “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn phân loại rác thải tại nhà. Rác thải trên đồng ruộng cũng được phân loại và thu định kỳ hằng quý. Các tuyến đường dần trở nên gọn gàng, sạch sẽ hơn” - bà Hiền nói.
Khi người dân đồng thuận
Tại xã Tam Thái, vai trò của Ủy ban MTTQ Việt Nam xã trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực hưởng ứng tham gia và thực hiện phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới” được chú trọng.
Qua đó, góp phần huy động nội lực của nhân dân tham gia ngay từ khi thực hiện quy hoạch đến hiến đất, hiến kế, hiến công, vật tư để xây dựng các công trình công cộng trên địa bàn xã.
Ông Võ Đức Vũ - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Tam Thái cho biết, trong 3 năm qua, Mặt trận và các tổ chức thành viên đã vận động nhân dân hiến hàng nghìn mét vuông đất và hàng nghìn ngày công, hàng trăm triệu đồng để mở rộng xây dựng 6km đường bê tông giao thông nông thôn, 800m cứng hóa đường giao thông nội đồng, 2km bê tông hóa kênh mương; xây dựng nhà sinh hoạt văn hóa, khu thể thao thôn, cổng thôn, cổng tổ đoàn kết, xây dựng các thiết chế văn hóa, các công trình công cộng.
Nhiều tổ chức thành viên của Mặt trận xã đã xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, mô hình và phong trào giúp nhau phát triển kinh tế, tham gia xây dựng nông thôn mới.
Như Hội Nông dân xã với mô hình “Thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng”, “Thu gom rác thải tại nguồn”. Đoàn Thanh niên xã với mô hình “Thắp sáng đường quê” đã vận động đoàn viên, thanh niên chung sức cùng chính quyền xây dựng hoàn thành 30,5 km đường điện chiếu sáng giao thông nông thôn…
“Từ việc vận động nhân dân thay đổi nếp nghĩ, cách làm đã mang lại kết quả cụ thể trong xây dựng đời sống văn hóa tại địa phương và góp phần thực hiện tốt phong trào Chung sức xây dựng nông thôn mới” - ông Đức nhìn nhận.