Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng: Nâng chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ

HÀN GIANG 27/04/2023 06:36

Mặc dù còn khó khăn trong việc đánh giá cán bộ hằng tháng theo Công văn 915 ngày 5/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, song đã có những bước chuyển về nhận thức và sự chấp hành, nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ.

Việc đánh giá kết quả làm việc hằng tháng sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của CBCCVC từ tỉnh đến cơ sở. Ảnh: N.ĐOAN
Việc đánh giá kết quả làm việc hằng tháng sẽ góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong thực thi công vụ của CBCCVC từ tỉnh đến cơ sở. Ảnh: N.ĐOAN

Đánh giá kết quả làm việc theo tháng

Cụ thể hóa Công văn 915, cùng với quyết tâm tiếp tục đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả việc đánh giá cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), UBND tỉnh đã ban hành Quy định về đánh giá xếp loại chất lượng CBCCVC theo mô hình đánh giá kết quả làm việc tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp trực thuộc tại Quyết định 2208 ngày 24/8/2022.

Nghị quyết 20 của Tỉnh ủy (khóa XXII) về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công tác cán bộ và kiện toàn tổ chức bộ máy, đã đặt ra yêu cầu: “Hằng tháng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương chỉ đạo CBCCVC xây dự kế hoạch, chương trình công tác và tiến hành đánh giá kết quả thực hiện để làm cơ sở đánh giá, xếp loại CBCCVC và thi đua hằng năm”.

Theo ông Lưu Tấn Lại - Phó Giám đốc Sở Nội vụ, đến nay, 18 địa phương cấp huyện và 14/27 sở, ban ngành đã ban hành quy chế đánh giá cán bộ hằng tháng theo mô hình đánh giá kết quả làm việc và bước đầu triển khai thực hiện để CBCCVC tự đánh giá. Người đứng đầu quyết định mức xếp loại hằng tháng cho CBCCVC thuộc thẩm quyền.

Hiện nay, UBND tỉnh đã thống nhất xây dựng và sử dụng đồng bộ phần mềm thực hiện việc đánh giá, xếp loại chất lượng CBCCVC theo mô hình đánh giá kết quả làm việc tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc. Đây là công cụ hữu ích để việc triển khai quy chế đánh giá hằng tháng được thực hiện hiệu quả, đồng bộ và thống nhất.

Ông Lại cho rằng, chủ trương của Tỉnh ủy, chỉ đạo của UBND tỉnh về đánh giá hằng tháng đối với CBCCVC là nội dung mới. Kết quả bước đầu đã phát huy vai trò của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thể hiện tinh thần cầu thị, trách nhiệm, đổi mới, dám nghĩ dám làm trong công tác đánh giá CBCCVC. Mặc dù quá trình thực hiện phát sinh những khó khăn, lúng túng, nhất là khi Trung ương chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể về đánh giá hằng tháng đối với CBCCVC.

Tại huyện Nam Trà My, bà Phùng Thị Thương - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho hay, qua đánh giá, xếp loại hằng tháng, ý thức tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện của CBCCVC và trách nhiệm công vụ, hiệu quả công việc được nâng lên.

Cơ quan, đơn vị đã kịp thời phát hiện các việc, nhiệm vụ còn tồn tại để đưa ra giải pháp khắc phục. Các sáng kiến sáng tạo được đề xuất, khen thưởng, đưa vào áp dụng, cũng như kịp thời biểu dương sự tận tụy của CBCCVC. Huyện Nam Trà My ban hành quy định về đánh giá, xếp loại hằng tháng với lộ trình thực hiện theo từng năm áp dụng toàn bộ CBCCVC, người lao động.

“Việc đánh giá, phân loại mức độ hoàn thành công việc trải qua quy trình 3 bước. Trước tiên, mỗi cán bộ được phân công, giao nhiệm vụ rõ ràng, bảo đảm mỗi nhiệm vụ có người chịu trách nhiệm đến cùng, theo nguyên tắc một việc một đầu mối xuyên suốt.

Trên cơ sở đó, tất cả đơn vị, cá nhân xây dựng kế hoạch công tác, lịch tuần, xác định rõ nhiệm vụ, tiến độ và trách nhiệm cá nhân, làm cơ sở để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ. Kết quả đánh giá được tổng hợp và công bố hằng tháng trên Cổng thông tin điện tử huyện, làm căn cứ để kỷ luật hoặc khen thưởng, động viên cán bộ” - bà Thương chia sẻ.

Cụ thể hóa tiêu chí đánh giá

Từ thực tiễn địa phương, ông Trần Hải Vân - Phó Bí thư Thường trực Thị ủy Điện Bàn cho biết, đã có chuyển biến tốt về nhận thức và ý thức trách nhiệm với nhiệm vụ được giao khi thực hiện đánh giá CBCCVC hằng tháng. Công văn 915 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã khắc phục thiếu sót lâu nay trong việc kiểm điểm, đánh giá phân loại CBCCVC định kỳ hằng năm.

Thực hiện đánh giá hằng tháng giúp kịp thời biểu dương cái tốt, còn cái chưa được thì góp ý, uốn nắn; lấy kết quả làm cơ sở cho đánh giá cuối năm. Còn chờ đến đánh giá một lần vào cuối năm, có thể nhiều vấn đề nổi lên ở đầu năm sẽ dễ bị bỏ qua, xem xét không tới nơi, tới chốn, làm nảy sinh tư tưởng trong nội bộ.

“Muốn thực hiện tốt việc đánh giá hằng tháng theo tinh thần Công văn 915, trước hết vẫn là trách nhiệm, nhận thức, sự công tâm của người đứng đầu. Nếu nhận thức không đúng, trách nhiệm không đầy đủ, cho đây là câu chuyện rề rà, mất thời gian, gây khó khăn, phát sinh thủ tục; hay người đứng đầu không sát người, sát việc thì sẽ đánh giá không đúng, nảy sinh vấn đề tiêu cực” - ông Vân nói.

Ông Nguyễn Hồng Minh - Phó Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy lưu ý, đánh giá cán bộ phải dựa trên mức độ thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao; thể hiện ở khối lượng, chất lượng, tiến độ, hiệu quả của công việc trong từng vị trí, thời gian và tinh thần trách nhiệm trong hoạt động công vụ.

Từng tổ chức, cơ quan, đơn vị tiến hành cụ thể hóa tiêu chí, nội dung, phương pháp, quy trình đánh giá phù hợp với đặc thù hoạt động của tổ chức, cơ quan, đơn vị, đặc biệt chú trọng các tiêu chí định lượng. Cấp ủy các cấp cần quan tâm hơn nữa công tác kiểm tra, giám sát nhằm khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ một cách chung chung, hình thức, cảm tính, chủ quan, hoặc nể nang, né tránh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hằng tháng: Nâng chất lượng, hiệu quả thực thi công vụ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO