Trong số 28 sản phẩm gửi hồ sơ về tỉnh tham gia đánh giá, phân hạng sao OCOP đợt 1 năm 2022 thì chỉ có một nửa được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 – 4 sao. Theo Sở NN&PTNT, đợt này phát sinh nhiều hạn chế, chính quyền các địa phương cần sớm quan tâm giải quyết.
Ông Võ Hưng – chuyên viên phụ trách Chương trình OCOP của Chi cục Phát triển nông thôn cho biết, đợt 1 năm 2022 có 11 địa phương gồm Tam Kỳ, Hội An, Quế Sơn, Hiệp Đức, Nông Sơn, Núi Thành, Tiên Phước, Bắc Trà My, Tây Giang, Phước Sơn, Nam Giang nộp hồ sơ về tỉnh tham gia đánh giá, phân hạng sao OCOP cho tổng cộng 28 sản phẩm. Trong đó, 25 sản phẩm thuộc nhóm ngành hàng thực phẩm, 1 sản phẩm thủ công mỹ nghệ, 1 sản phẩm đồ uống có cồn, 1 sản phẩm thảo dược.
Sau khi tiếp nhận hồ sơ, Sở NN&PTNT và Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh (gọi tắt là Hội đồng cấp tỉnh) tiến hành họp đánh giá, phân hạng các sản phẩm. Theo ông Võ Hưng, trong số 28 sản phẩm trên, có 14 sản phẩm của 14 chủ thể được Hội đồng cấp tỉnh thống nhất giao Sở NN&PTNT trình UBND tỉnh công nhận hạng sao OCOP sau khi đánh giá hồ sơ, sản phẩm, kết quả kiểm nghiệm độc lập (đối với sản phẩm thực phẩm) và kiểm tra thực tế tại cơ sở.
Theo Quyết định số 3026 (ngày 9/11/2022), UBND tỉnh đã công nhận có 5 sản phẩm hạng 4 sao và 9 sản phẩm hạng 3 sao. Những địa phương đứng đầu về số lượng sản phẩm OCOP được công nhận gồm Tiên Phước (3 sản phẩm 4 sao), Hội An (1 sản phẩm 4 sao và 1 sản phẩm 3 sao), Quế Sơn (2 sản phẩm 3 sao).
Theo ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, trong số 14 sản phẩm không được xếp hạng sao OCOP thì có 6 sản phẩm không đảm bảo điều kiện đánh giá, 4 sản phẩm kiểm nghiệm độc lập không đạt, 2 sản phẩm kiểm tra thực tế không đạt, 1 sản phẩm không có mẫu để kiểm nghiệm độc lập, 1 sản phẩm dự nâng hạng không đủ 70 điểm.
Từ thực tế trên, Sở NN&PTNT đề nghị UBND các địa phương cần chấn chỉnh tình trạng cấp giấy phép đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm khi cơ sở chưa đảm bảo; nghiêm túc trong kiểm tra, hướng dẫn cơ sở đảm bảo các điều kiện sản xuất trước khi đánh giá sản phẩm ở cấp huyện, rút kinh nghiệm qua đợt kiểm tra nhiều cơ sở không đảm bảo điều kiện sản xuất nhưng Hội đồng cấp huyện vẫn đánh giá và gửi hồ sơ về Hội đồng cấp tỉnh.
Sở NN&PTNT đề nghị UBND các địa phương kịp thời thông tin đến UBND cấp xã và các chủ thể OCOP về kết quả đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2022.
Đồng thời, hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm không đạt hạng sao OCOP cấp tỉnh phân tích nguyên nhân không đạt, tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, sản phẩm, hoàn thiện cơ sở sản xuất và đăng ký tham gia đánh giá lại vào đợt 2 năm 2022 hoặc năm 2023.
Đối với các chủ thể có sản phẩm đã đạt hạng sao OCOP thì tiếp tục hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, bán hàng và khuyến khích tiếp tục đăng ký tham gia nâng cấp các hạng sao OCOP.
Đối với những sản phẩm kiểm nghiệm độc lập tại tỉnh không đạt các chỉ tiêu về an toàn vệ sinh thực phẩm, Sở NN&PTNT yêu cầu chủ thể sản xuất tìm hiểu nguyên nhân, sớm khắc phục để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm theo quy định và đề nghị Hội đồng cấp tỉnh lấy mẫu để kiểm nghiệm lại...